Nam-Ky Nguyen – 2025-05-07 01:53:08
CHUYỆN VỀ HAI ĐẠI TƯỚNG THỜI CHIẾN
Trong một lần trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một câu vừa giản dị vừa đậm tinh thần thời chiến: “Người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng.” Chính vì vậy, năm 1948, khi mới 37 tuổi, ông Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng – vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Câu chuyện về một Đại tướng khác — lần này là ở bên kia chiến tuyến — lại mang màu sắc khác. Trong bài “Sau 44 năm, nhìn lại thời vàng son của giáo dục VNCH trước năm 1975” đăng trên báo Tiếng Dân (6/5/2019), GS Phạm Cao Dương — người từng giảng dạy và là thày cũ của tôi tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (ĐHVKSG) và hiện sinh sống tại Hoa Kỳ — đã kể lại một kỷ niệm đặc biệt với sinh viên: Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân lực VNCH.
Khoảng đầu thập niên 1970, giữa lúc tình hình đất nước đang ở giai đoạn khốc liệt, Đại tướng Cao Văn Viên đã ghi danh học chương trình Cử nhân Văn chương Pháp tại ĐHVKSG. GS Phạm Cao Dương kể:
“Một người học trò của tôi, vào những năm 1973-1974, là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông ghi tên đi học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn để lấy Cử nhân Văn chương Pháp. Trong kỳ thi cuối năm về Chứng chỉ Văn chương và Văn minh Pháp, ông đã thi đậu phần viết, nhưng lại bị đánh rớt phần vấn đáp bởi một giáo sư Việt Nam, lúc đó còn ở tuổi quân dịch.”
Chuyện một Đại tướng đỗ phần viết nhưng rớt phần vấn đáp, và bị đánh trượt bởi một thầy giáo trẻ còn trong tuổi quân dịch, có lẽ khó xảy ra ở bất cứ nơi nào khác — càng khó xảy ra giữa thời chiến. Nhưng đó lại là một trong những biểu hiện rất đáng tự hào của nền đại học miền Nam trước 1975: ở đó, quân hàm không cao bằng học lực, và giảng đường là nơi duy nhất mà mọi quyền uy đều phải tạm gác lại trước bảng đen và phấn trắng.
Tôi đến giờ vẫn thấy cảm phục các vị thầy của chúng tôi năm ấy: họ không ngần ngại đánh trượt một vị Đại tướng nếu câu trả lời chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi băn khoăn: một vị Tổng Tham Mưu Trưởng của một quân đội đang trong thời chiến, lấy đâu ra thì giờ để đọc Racine, phân tích Molière và luận về nền văn minh Pháp trong phòng thi vấn đáp?
Statistics:
Likes: 72, Shares: 9, Comments: 5
Like Reactions: 62, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 9, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0