Lê Ngọc Khả Nhi – 2025-03-04 19:15:26
Nghiên cứu y học dưới chế độ Quốc xã (1933-1945) là một chương đen tối trong lịch sử khoa học, nơi các nguyên tắc đạo đức bị bóp méo hoặc bỏ qua hoàn toàn để phục vụ ý thức hệ phát xít và các mục tiêu chiến tranh. Giai đoạn này chứng kiến sự kết hợp giữa khoa học tiên tiến và những hành vi vô nhân đạo, với các thí nghiệm được thực hiện trên con người mà không có sự đồng ý, thường nhằm thúc đẩy lợi ích quân sự hoặc chứng minh các học thuyết phân biệt chủng tộc.
Sulfonamide, được điều chế vào thập niên 1930 bởi hãng dược phẩm Bayer, là một trong những loại kháng sinh đầu tiên trong lịch sử y học, được chứng minh có hiệu quả đối với các chủng vi khuẩn như liên cầu (Streptococcus) và tụ cầu (Staphylococcus). Khi Thế chiến II bùng nổ, nhu cầu điều trị vết thương nhiễm khuẩn trên chiến trường trở nên cấp thiết đối với quân đội Đức. Vì vậy, các khoa học gia Quốc xã muốn kiểm nghiệm hiệu quả của Sulfonamide và tối ưu hóa việc sử dụng nó trên người.
Các trại tập trung, nơi giam giữ hàng triệu tù nhân – bao gồm người Do Thái, người Romani, tù nhân chiến tranh, và các nhóm bị coi là “thấp kém” theo học thuyết ưu sinh – trở thành “phòng thí nghiệm” lý tưởng cho thí nghiệm kiểu này.
Thử nghiệm thuốc Sulfonamide chủ yếu được tiến hành tại trại tập trung Ravensbrück, một trại dành cho nữ nằm gần Berlin, từ năm 1942 đến 1943. Bác sĩ Karl Gebhardt là kẻ chịu trách nhiệm chính trong thí nghiệm đen tối này. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của Sulfonamide để điều trị các vết thương nhiễm trùng sâu, bao gồm cả nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí như hoại thư sinh hơi (Clostridium perfringens) là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở binh lính bị thương trên chiến trường. Các bác sĩ Quốc xã muốn chứng minh rằng Sulfonamide có thể là giải pháp hiệu quả, thay thế cho các phương pháp phẫu thuật phức tạp như cắt cụt chi
Thiết kế nghiên cứu mang tính thực nghiệm nhưng hoàn toàn phi đạo đức và phạm rất nhiều sai lầm về phương pháp luận mà ta sẽ phân tích sau. Một nhóm lớn tù nhân nữ (chủ yếu là người Ba Lan) được chia thành hai nhóm chính: nhóm can thiệp bị gây nhiễm trùng qua vết thương hở bằng dao phẫu thuật ở chân hoặc tay, sau đó cấy vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, hoặc Clostridium perfringens vào cơ thể. Các dị vật như mảnh gỗ, thủy tinh, hoặc đất được cố ý đưa vào vết thương để mô phỏng điều kiện chiến trường. Sau khi nhiễm trùng phát triển (thường trong vòng 24-48 giờ, khi xuất hiện triệu chứng như sưng, mủ, hoặc hoại tử), Sulfonamide được sử dụng. Một số đối tượng được rắc bột Sulfonamide lên vết thương, số khác được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc cơ bắp. 2) Nhóm đối chứng cũng bị gây nhiễm trùng nhưng không được điều trị bằng Sulfonamide, hoặc được điều trị bằng các phương pháp khác (như rửa vết thương thông thường) để so sánh. Các bác sĩ theo dõi tình trạng của tù nhân trong vài ngày đến vài tuần, ghi lại các dấu hiệu như giảm viêm, lành vết thương, hoặc tử vong. Không có thuốc giảm đau hoặc gây mê được sử dụng, ngay cả khi đối tượng phải chịu đau đớn dữ dội. Ngay cả khi đối tượng sống sót, họ thường bị đưa đi tiêu diệt. Những người tử vong trong quá trình thí nghiệm được mổ tử thi để phân tích mức độ hiệu quả của thuốc.
Thử nghiệm nhìn chung là thất bại, với kết quả tại Ravensbrück và một số nơi khác thiếu đồng nhất. Người ta chỉ tìm thấy hiệu quả hạn chế – Sulfonamide chỉ có khả năng kiểm soát một phần nhiễm trùng do vi khuẩn hiếu khí như Staphylococcus và Streptococcus, nhưng không hiệu quả đối với hoại tử do vi khuẩn kị khí như Clostridium perfringens. Nhiều tù nhân trong nhóm thử nghiệm vẫn phát triển hoại tử và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao: Hầu hết các đối tượng, cả nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng, đều tử vong do nhiễm trùng lan rộng, mất máu, hoặc thiếu chăm sóc y tế sau thí nghiệm. Tỷ lệ sống sót rất thấp, chỉ khoảng 10-20% trong một số báo cáo. Ngoài ra ở những tù nhân được tiêm Sulfonamide liều cao, các tác dụng phụ như tổn thương thận và gan được ghi nhận, dù không phải lúc nào cũng được phân tích chi tiết.
Những phát hiện này được Karl Gebhardt báo cáo lên Heinrich Himmler, với kết luận rằng Sulfonamide không phải là giải pháp tối ưu để điều trị nhiễm trùng chiến trường như kỳ vọng. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn được sử dụng để cải thiện các chiến lược điều trị.
Như vậy, Đức Quốc xã đã trả một giá quá đắt về mặt đạo đức chỉ để thu về kết quả thất bại. Sau này, các nước đồng minh tìm ra kháng sinh mạnh hơn là penicillin.
Đây là một minh chứng cho sự suy đồi đạo đức trong khoa học dưới chế độ phát xít. Dù mang lại một số thông tin y học hạn chế, các thí nghiệm này gây ra đau đớn và cái chết cho hàng trăm nạn nhân mà không đạt được bước đột phá đáng kể. Di sản thực sự của chúng không phải là tiến bộ y học mà là bài học cảnh báo về tầm quan trọng của đạo đức trong nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, có quá nhiều sai lầm về phương pháp, dẫn đến thất bại tất yếu của thử nghiệm và góp phần không nhỏ vào tính độc ác của nghiên cứu.
Sai lầm đầu tiên là thiếu tính ngẫu nhiên và kiểm soát: Một trong những nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu thực nghiệm là phân bổ ngẫu nhiên đối tượng vào các nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng để giảm thiểu nguy cơ thiên lệch. Việc thử nghiệm trên tù nhân nữ, với tình trạng sức khỏe rất kém do suy dinh dưỡng, bệnh tật mãn tính, và điều kiện sống tồi tệ trong trại tạo ra sai lệch ngay từ gốc. Những yếu tố này không được ghi nhận hay kiểm soát trước khi tiến hành thí nghiệm. Việc chia nhóm hoàn toàn tùy tiện. Điều này làm mất tính khách quan và khả năng suy ra mối quan hệ nhân quả. Giao thức hoàn toàn tùy hứng, vô tổ chức, thiếu sự nhất quán và không được chuẩn hóa. Liều lượng và phương thức áp dụng (rắc bột, tiêm tĩnh mạch, hay tiêm cơ) cũng không đồng đều. Thí nghiệm còn có động cơ và áp lực chính trị dẫn đến nguy cơ thiên vị trong ghi chép và đánh giá kết quả. Thí nghiệm dựa trên hiểu biết sinh học hạn chế: Vào thời điểm đó, các nhà khoa học chưa hiểu đầy đủ về vi khuẩn kỵ khí như Clostridium perfringens, có cơ chế sinh học khác biệt so với vi khuẩn hiếu khí. Giả thuyết ban đầu rằng Sulfonamide có thể điều trị mọi loại nhiễm trùng chiến trường là sai lầm. Cuối cùng, vào lúc đó thống kê còn rất sơ khai, chưa có những phương pháp phân tích định lượng. Tất cả kết cục trong thử nghiệm đều định tính và dựa vào quan sát, mô tả chủ quan như “vết thương lành” hay “đối tượng tử vong”, mà không có số liệu cụ thể về tải lượng vi khuẩn, thông số sinh lý, sinh hóa, không đo thời gian hồi phục, hay mức độ giảm viêm.
Đến đây, các bạn có lẽ sẽ hỏi: tại sao ta lại mất thời gian để nhắc lại bài học này ?
Bởi vì nó có thể lặp lại lần nữa.
Hoàn cảnh cực đoan sẽ đẩy con người đến hành động cực đoan. Cách đây không lâu, đại dịch Covid là một ví dụ rõ nét. Người ta đã làm rất nhiều điều phi lý và cực đoan trong giai đoạn đó.
Những luật lệ kiểm soát đạo đức nghiên cứu chỉ có ý nghĩa khi nhân loại còn một trật tự. Thời gian gần đây cho thấy trật tự này không còn vững chắc nữa. Thế giới đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy thù hận, chia rẽ và hỗn loạn một lần nữa. Khoa học đang bị chi phối bởi chính trị, ý thức hệ, quyền lợi, tiền bạc.
Các bạn có chắc rằng một tờ giấy đồng ý tham gia nghiên cứu đưa cho bệnh nhân ký tên sẽ đảm bảo hoàn thiện về tiêu chuẩn y đức ? Có chắc rằng không có những thử nghiệm phi đạo đức tương tự đang diễn ra ?
Ngoài tính cực đoan và phi đạo đức rõ ràng của việc thử nghiệm cưỡng bức trên tù nhân và can thiệp tàn ác; bài học Ravensbrück còn cho ta thấy sự liên thông giữa yếu tố đạo đức và kiến thức, kỹ năng làm nghiên cứu. Những sai lầm về phương pháp của thử nghiệm làm cho thử nghiệm trở nên phi lý, vô ích và khuếch đại tác hại. Vô minh cũng là một loại tội ác. Xét về mặt này, ta thử nhìn vào thực trạng: mặt bằng chung của kỹ năng nghiên cứu trong ngành y hiện nay đang lạc hậu so với thế giới bên ngoài bao xa ?, hãy đọc luận văn tiến sĩ y học vào năm 2024 này, các bạn sẽ thấy người ta đang làm nghiên cứu bằng phương pháp của thập niên 40-50, với toàn phân tích định tính, đơn biến.
Ta có chắc rằng thời kì đen tối đó đã thực sự lùi xa và không bao giờ quay trở lại ?
Statistics:
Likes: 86, Shares: 20, Comments: 1
Like Reactions: 84, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0