Alméry Jacqueline – 2025-01-22 00:08:14
**‘Công bố hay xuống hố” là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tái lập**
*Khảo sát mới với hơn 1.600 nhà nghiên cứu y sinh cho thấy cỡ mẫu nhỏ và báo cáo kết quả chọn lọc có chủ đích (cherry picking) cũng đóng góp vào cuộc khủng hoảng tái lập.*
Theo kết quả khảo sát vừa công bố trên tạp chí PloS Biology, gần ¾ các nhà nghiên cứu y sinh cho rằng đang diễn ra cuộc khủng hoảng tái lập trong khoa học. Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này là “công bố hay xuống hố” (publish or perish).
Khảo sát được tiến hành với tác giả của các bài báo công bố từ ngày 1-10-2020 trên 400 tạp chí y sinh được chọn ngẫu nhiên. 1.630 tác giả tham gia khảo sát đến từ 80 quốc gia.
Kết quả cho thấy 62% những người tham gia khảo sát cho rằng công bố hay xuống hố “luôn luôn” hoặc “rất thường xuyên” đóng góp vào khủng hoảng tái lập.
Kelly Cobey tại Đại học Ottawa, tác giả chính của khảo sát cho biết kết quả này cho thấy chính môi trường nghiên cứu hiện nay – coi trọng số lượng hơn chất lượng – đã khiến khủng hoảng tái lập lan rộng.
Không chỉ đang diễn ra trong lĩnh vực y sinh, khủng khoảng tái lập đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng trong các lĩnh vực nghiên cứu khác. Một khảo sát của tạp chí Nature gần một thập niên trước đã cho thấy trên 70% trong số 1.576 nhà khoa học tham gia khảo sát nói rằng họ gặp vấn đề khi cố gắng lặp lại kết quả của người khác.
Những nguyên nhân khác đóng góp vào cuộc khủng hoảng tái lập được đánh giá với tần suất “luôn luôn hoặc “rất thường xuyên” là cỡ mẫu nhỏ (55% số người tham gia khảo sát), nghiên cứu đã hoàn thành nhưng không công bố (54%), phân tích thống kê sai sót (50%) và báo cáo kết quả chọn lọc có chủ đích (47%).
Elisabeth Bik, chuyên gia liêm chính khoa học, người đã điều tra và khiến trên 1.300 bài báo bị gỡ bỏ, nhận định rằng kết quả khảo sát trên khẳng định điều mà nhiều người đã nói hoặc nghi ngờ trong 20 năm qua, đó là sự gia tăng của đủ loại sai sót trong nghiên cứu – có thể là do nghiên cứu thiếu chặt chẽ, hoặc do hành vi sai trái (misconduct).
Ivan Oransky, đồng sáng lập trang Retraction Watch cho biết kể từ năm 2018 khi trang này bắt đầu theo dõi các bài báo bị gỡ, họ đã ghi nhận khoảng 54.000 bài trong cơ sở dữ liệu. 2/3 trong số những bài bị gỡ là do các hành vi sai trái như ngụy tạo, chỉnh sửa số liệu và đạo văn.
“Để giải quyết vấn đề này, cần sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống đánh giá nghiên cứu dựa trên số lượng trích dẫn. Cho đến khi chúng ta thừa nhận rằng công bố hay xuống hố là hệ quả tự nhiên của nỗi ám ảnh xếp hạng đại học, chúng ta sẽ không bao giờ sửa chữa được bất cứ điều gì” – Ivan Oransky nói.
Marcus Munafò, đồng sáng lập UK Reproducibility Network cho rằng cần thay đổi mang tính hệ thống, đào tạo các nhà nghiên cứu về nghiên cứu mở: chia sẻ dữ liệu, mã lập trình, vật liệu nghiên cứu, hợp tác rộng rãi để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Nếu chúng ta không làm gì để thay đổi, lợi ích của công chúng sẽ bị tổn hại.
Shared link: https://www.nature.com/articles/533452a
Statistics:
Likes: 104, Shares: 7, Comments: 5
Like Reactions: 85, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 13, Angry Reactions: 0