Alméry Jacqueline – 2025-01-14 23:31:34
**Cuộc đua xếp hạng và trích dẫn đang làm tổn hại đến danh tiếng học thuật của Ấn Độ**
*Giáo sư V. Ramgopal Rao, cựu giám đốc Indian Institute of Technology Delhi*
Sự ám ảnh ngày càng tăng của các đơn vị nghiên cứu tại Ấn Độ đối với các chỉ số trắc lượng và xếp hạng đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong giới học thuật, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín của các nghiên cứu xuất phát từ đất nước này.
Đóng góp học thuật đã bị tầm thường hóa thành trò chơi con số, và các đơn vị nghiên cứu đang được đánh giá bằng số lượng công bố hoặc điểm trích dẫn, chứ không phải bằng tính nguyên bản hay tác động thực tế của nghiên cứu. Trong bầu không khí này, liêm chính học thuật thường là nạn nhân đầu tiên. Một số trường đại học đã dùng đến các chiêu trò đáng ngờ, bao gồm cả việc thao túng các chỉ số về công bố, để leo lên bậc thang xếp hạng của Ấn Độ và toàn cầu.
Một bài báo gần đây trên tạp chí Science nêu bật sự gia tăng của “những bình luận vô giá trị” được tạo ra chỉ để chơi trò gian lận hệ thống chỉ số trắc lượng. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh cách một số đơn vị tạo ra mạng lưới trích dẫn một cách giả tạo để tăng cường sự hiện diện của họ.
Dữ liệu đi kèm với nghiên cứu cho thấy một số đơn vị tại Ấn Độ đang sản xuất hàng trăm bài báo chất lượng thấp mỗi năm. Thực tế này không chỉ làm sai lệch chất lượng thực sự của nghiên cứu mà còn gây lệch hướng nguồn lực và mối quan tâm khỏi các hoạt động học thuật có ý nghĩa.
Ngoài ra, một nghiên cứu do MIT Press công bố đã phát hiện những hoạt động đáng lo ngại trong giới học thuật Ấn Độ. 14 trường đại học Ấn Độ xuất hiện trong bảng xếp hạng toàn cầu đã được phát hiện tham gia vào các chiêu trò gian lận tác giả và địa chỉ đáng ngờ. Những mánh khóe này bao gồm tác giả danh dự, trong đó các nhà nghiên cứu được liệt kê là đồng tác giả bài báo mặc dù không có đóng góp đáng kể nào và các hoạt động “hợp tác” được thiết kế để bơm thổi thành tích nghiên cứu.
Xu hướng này còn được thúc đẩy bởi một hệ sinh thái dịch vụ được tổ chức bài bản. Các công ty công khai quảng cáo “giải pháp” cho các nhà nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ từ viết và xuất bản bài báo đến giảm đạo văn theo yêu cầu. Một số thậm chí còn hứa hẹn kết quả được đảm bảo trong một khoảng thời gian cố định. Hệ sinh thái này biến xuất bản học thuật thành một giao dịch thương mại, làm suy yếu nền tảng của công trình khoa học.
Mặc dù các số liệu như chỉ số H, hệ số tác động và số lượt trích dẫn có thể hữu ích, nhưng chúng không nên được coi là mục đích tự thân. Xu hướng này đặc biệt gây tổn hại cho các nhà nghiên cứu trẻ, những người thay vì tập trung vào những nghiên cứu sáng tạo và có ảnh hưởng, thường bị buộc phải chạy theo các hoạt động phi đạo đức chỉ để duy trì khả năng cạnh tranh.
Điều này cũng đặt danh tiếng toàn cầu của giới học thuật Ấn Độ vào vòng nguy hiểm. Khi ngày càng nhiều trường đại học tham gia vào các hoạt động mờ ám này, các đồng nghiệp quốc tế và cơ quan tài trợ có thể trở nên hoài nghi về nghiên cứu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Điều này gây nguy hiểm cho các quan hệ đối tác có giá trị và làm chậm lại những đóng góp của quốc gia này cho các tiến bộ khoa học toàn cầu.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng này, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu và lãnh đạo học thuật phải cùng nhau khôi phục tính liêm chính và đảm bảo các hoạt động bền vững.
1. Bình duyệt minh bạch và nghiêm ngặt: Các tạp chí, đặc biệt là tạp chí trong vùng xám hoặc săn mồi, phải áp dụng các quy trình bình duyệt nghiêm ngặt hơn. Các tổ chức của Ấn Độ nên khuyến khích nhà nghiên cứu của mình công bố trên những tạp chí tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và chất lượng được chấp nhận trên toàn cầu. Các tổ chức danh tiếng của chúng ta nên công khai danh mục tạp chí uy tín để hướng dẫn nhà nghiên cứu lựa chọn các nền tảng chất lượng cao để xuất bản.
2. Kiểm toán thường xuyên và trách nhiệm giải trình: Các cơ quan quản lý như Ủy ban Tài trợ Đại học nên thực hiện kiểm toán định kỳ các công bố để duy trì liêm chính học thuật. Các học viện khoa học và kỹ thuật có uy tín của Ấn Độ có thể hợp tác với cơ quan quản lý để thực hiện các cuộc kiểm toán này một cách hiệu quả. Những tổ chức tham gia vào các hoạt động phi đạo đức sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả việc rút tài trợ hoặc thu hồi ghi nhận. Ngoài ra, các giảng viên liên quan đến công bố trên các tạp chí đáng ngờ sẽ bị tước vai trò quản lý hoặc lãnh đạo trong các trường đại học. Việc thiết lập một cơ chế kiểm toán minh bạch và nghiêm ngặt sẽ đóng vai trò răn đe các hoạt động phi đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong môi trường hàn lâm.
3. Phát triển các chỉ số mới và nâng cao nhận thức: Ấn Độ phải ủy nhiệm cho các nghiên cứu để phát triển các chỉ số đánh giá nghiên cứu toàn diện hơn, có tính đến các yếu tố như liêm chính nghiên cứu, tính liên ngành và tác động xã hội thay vì dựa vào các số liệu lỗi thời như chỉ số H và hệ số tác động. Các tổ chức cũng nên đầu tư vào các chương trình đào tạo, giáo dục giảng viên và sinh viên về đạo đức nghiên cứu và hậu quả lâu dài của hành vi sai trái. Các hội thảo và hội nghị chuyên đề có thể thúc đẩy văn hóa liêm chính và giảm sự hấp dẫn của những con đường tắt.
Các tổ chức của Ấn Độ có nhiều điều đáng tự hào. Những đóng góp của họ cho nghiên cứu có tác động lớn và sự hiện diện ngày càng tăng của họ trong các hệ thống tri thức toàn cầu là đáng khen ngợi. Từ việc tiên phong trong Cách mạng Xanh đến những tiến bộ trong thám hiểm không gian, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo, giới học thuật Ấn Độ đã liên tục giải quyết những thách thức toàn cầu quan trọng. Tuy nhiên, cuộc đua xếp hạng không được đánh đổi bằng đạo đức và chất lượng.
Bằng cách ưu tiên những đóng góp thật và tạo ra một môi trường hỗ trợ cho nghiên cứu có đạo đức, các tổ chức Ấn Độ có thể duy trì di sản của mình như ngọn hải đăng của kiến thức và đổi mới. Không giải quyết được cuộc khủng hoảng này sẽ không chỉ gây hại cho các tổ chức riêng lẻ mà còn làm hoen ố hình ảnh học thuật của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Shared link: https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/voices/ranking-and-citation-rat-race-is-hurting-indias-academic-reputation/
Statistics:
Likes: 31, Shares: 4, Comments: 4
Like Reactions: 27, Haha Reactions: 3, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0