Nguyen Hoang Anh – 2024-10-11 14:14:23
KHI VÔ MINH ĐƯỢC KHÁM PHÁ
(Chương 4 của Nexus của Harari nói về vai trò của tạp chí khoa học rất thú vị)
Lịch sử của in ấn và săn phù thủy cho thấy một thị trường thông tin không kiểm soát chưa chắc đã khiến mọi người quán chiếu và sửa chữa sai lầm, bởi thị trường có thể ưu tiên sự phẫn nộ hơn là sự thật. Để sự thật giành chiến thắng, thiết lập các định chế giám tuyển có quyền hành nhằm nghiêng cán cân có lợi về phía sự thật là điều cần thiết. Nhưng cũng ở điểm này, như lịch sử của Giáo hội Công giáo chỉ ra, các định chế tương tự có thể sử dụng quyền lực giám tuyển để dập tắt bất kỳ lời chỉ trích nhắm về mình, dán nhãn toàn bộ quan điểm thay thế là sai lầm trong khi cản trở sai lầm bên trong của định chế bị phơi bày và sửa chữa. Có cách nào thiết lập các định chế giám tuyển tốt hơn và sử dụng quyền lực để theo đuổi sự thật thay vì tích lũy thêm quyền lực không?
Châu Âu cận đại đã có một nền tảng của các định chế giám tuyển như vậy, và chính các định chế này – chứ không phải là báo in hoặc quyển sách cụ thể nào đó, như Về sự quay của các thiên cầu – đã tạo thành nền tảng của cuộc cách mạng khoa học. Các định chế giám tuyển then chốt không phải là các đại học đường. Những lãnh tụ quan trọng nhất của cuộc cách mạng khoa học không có chức danh giáo sư. Nicolaus Copernicus, Robert Boyle, Tycho Brahe và René Descartes, không giữ vị trí học thuật nào. Spinoza, Leibniz, Locke, Berkeley, Voltaire, Diderot hay Rousseau cũng vậy.
Các định chế giám tuyển đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng khoa học là định chế đã kết nối các học giả và nhà nghiên cứu cả trong và ngoài các đại học đường, tạo ra một mạng lưới thông tin trải dài toàn bộ châu Âu và cuối cùng là thế giới. Để cuộc cách mạng khoa học thêm gia tốc, các nhà khoa học phải tin tưởng vào thông tin được đồng nghiệp ở những vùng đất xa xôi công bố. Niềm tin vào công bố khoa học của những người chưa từng gặp được thể hiện thông qua hoạt động của các hiệp hội khoa học như Hội Hoàng gia London về Cải thiện Kiến thức Tự nhiên, được thành lập năm 1660 và Viện
Hàn lâm Khoa học Pháp (1666); các tạp chí khoa học như Philosophical Transactions of the Royal Society (Văn kiện triết học của Hội Hoàng gia, 1665) và Histoire de l’Académie Royal des Sciences (Lịch sử của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia, 1699); và các nhà xuất bản khoa học như Encyclopédie (Bách khoa toàn thư, 1751–1772). Các tổ chức này quản lý thông tin trên cơ sở bằng chứng thực nghiệm, khiến mọi người chú ý đến những khám phá của Copernicus hơn là những ảo tưởng của Kramer. Khi một bài báo được đệ trình lên Văn kiện triết học của Hội
Hoàng gia, câu hỏi chính mà các biên tập viên đặt ra không phải là, “Có bao nhiêu người sẽ trả tiền để đọc thứ này?” mà là, “Có bằng chứng nào cho thấy nó là đúng?”
Lúc đầu, các định chế mới mẻ này mỏng manh như tơ nhện, thiếu sức mạnh cần thiết để có thể định hình lại xã hội loài người. Không như các chuyên gia săn phù thủy, các biên tập viên của Văn kiện triết học của Hội Hoàng gia không thể tra tấn và xử tử bất cứ ai. Và cũng không giống như Giáo hội Công giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp không kiểm soát các lãnh thổ hay ngân sách khổng lồ. Nhưng các định chế khoa học có tích lũy được chút ảnh hưởng nhờ một tuyên bố rất căn nguyên về sự thật. Một hội thánh thường yêu cầu mọi người tin tưởng mình, vì hội thánh sở hữu sự thật tuyệt đối, dưới hình thức một cuốn thánh thư bất khả ngộ. Ngược lại, một định chế khoa học đạt được tầm ảnh hưởng vì nó có những cơ chế cải chính mạnh mẽ, sẵn sàng phơi bày và sửa chữa sai lầm của chính mình. Chính những cơ chế tu chính này, chứ không phải công nghệ in ấn, mới là động cơ của cách mạng khoa học.
Nói cách khác, cách mạng khoa học đã được phát động khi người ta khám phá ra sự vô minh.91 Tôn giáo của những thánh thư cho rằng họ có quyền truy cập vào nguồn tri thức bất khả ngộ. Các Ki-tô hữu có Kinh Thánh, người Hồi giáo có Kinh Qur’an, người Hindu có kinh Vệ Đà, và Phật tử có Tipitaka. Văn hóa khoa học không có cuốn sách thánh nào tương tự với những cuốn trên, cũng không tuyên xưng bất kỳ anh hùng khoa học nào là những nhà tiên tri, vị thánh hay thiên tài không thể sai lầm. Dự án nghiên cứu khoa học bắt đầu bằng cách bác bỏ mộng mơ về bất khả ngộ và tiến hành xây dựng một mạng lưới thông tin thừa nhận rằng sai lầm thật ra là không thể tránh khỏi. Chắc chắn, đã có nhiều lời bàn về thiên tài của Copernicus, của Darwin và của Einstein, nhưng không ai trong số họ được coi bất khả ngộ. Tất cả họ đều phạm sai lầm, và ngay cả những tiểu luận khoa học được tán tụng nhất chắc chắn cũng có những sai sót và lỗ hổng.
Vì ngay cả những thiên tài cũng mắc thiên kiến xác nhận, bạn không thể tin tưởng họ sửa lỗi của chính họ. Khoa học là một nỗ lực của nhóm, dựa vào sự hợp tác thể chế hóa hơn là từng cá nhân các nhà khoa học, hoặc, một cuốn sách bất khả ngộ độc nhất. Tất nhiên, định chế nào cũng dễ bị sai sót. Tuy nhiên, các định chế khoa học khác với các định chế tôn giáo, vì họ tán thưởng sự hoài nghi và đổi mới hơn là sự tuân thủ. Các tổ chức khoa học cũng khác với các những nhóm thuyết âm mưu, cũng bởi họ tưởng thưởng sự tự hoài nghi. Những người theo thuyết âm mưu có xu hướng cực kỳ hoài nghi về những đồng thuận hiện hữu, nhưng khi nói đến niềm tin của chính họ, họ mất tất cả lý trí và trở thành con mồi của thiên kiến xác nhận.92 Điều làm nên thương hiệu của khoa học không đơn thuần là chủ nghĩa hoài nghi, mà còn là sự tự hoài nghi, và ở trung tâm của mọi định chế khoa học, chúng ta tìm thấy một cơ chế tu chính mạnh mẽ. Các định chế khoa học có thể đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về tính chính xác của một số lý thuyết nhất định – như cơ học lượng tử hoặc thuyết tiến hóa – nhưng đó là vì những lý thuyết này đã xoay xở để sống sót trước những nỗ lực mãnh liệt nhằm bác bỏ chúng, không chỉ từ người ngoài mà còn từ các thành viên của chính tổ chức.
CƠ CHẾ TU CHÍNH
Là một công nghệ thông tin, cơ chế tu chính là cực đối lập với thánh thư. Thánh thư thường được cho là bất khả ngộ. Cơ chế tu chính lại luôn chấp nhận khả năng sai lầm. Khi nói về tu chính, tôi đề cập đến những cơ chế mà một thực thể sử dụng để hiệu chỉnh chính mình. Một giáo viên sửa bài luận của học sinh không phải là một cơ chế tu chính; và học sinh lại không thể sửa bài luận của chính họ. Một thẩm phán đưa một tội phạm vào tù không phải là một cơ chế tu chính; và tội phạm cũng không tự phơi bày tội ác của chính họ. Khi quân Đồng minh đánh bại và lật đổ chế độ Đức Quốc xã, đây không phải tu chính;
và nếu để cho nó tự vận hành, nước Đức sẽ không tự phi quốc xã hóa chính mình. Nhưng khi một tạp chí khoa học xuất bản một bài đăng cải chính một sai lầm đã xuất hiện trong một bài đăng trước đó, đó là một ví dụ về một định chế có khả năng tự sửa lỗi.
DSM VÀ THÁNH THƯ
Trái ngược với Giáo hội Công giáo, các tổ chức khoa học xuất hiện ở châu Âu thời kỳ cận đại đã được xây dựng xung quanh những cơ chế tu chính mạnh mẽ. Các tổ chức khoa học cho rằng ngay cả khi hầu hết nhiều nhà khoa học trong một thời kỳ nhất định tin điều gì đó là đúng, nó vẫn có thể trở nên không chính xác hoặc không đầy đủ. Vào thế kỷ 19, hầu hết các nhà vật lý đã chấp nhận mô hình vật lý Newton như một mô tả toàn diện về vũ trụ, nhưng vào thế kỷ 20, thuyết tương đối và cơ học lượng tử đã phơi bày những điểm không chính xác và hạn chế của mô hình này.106 Những khoảnh khắc nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học chính xác là những khoảnh khắc khi sự thông tuệ được thừa nhận bị lật ngửa, và các lý thuyết mới được sinh ra.
Điều quan trọng nữa là các tổ chức khoa học sẵn sàng thừa nhận trách nhiệm mang tính định chế trước những sai lầm và tội ác nghiêm trọng. Ví dụ, các đại học đường ngày nay thường xuyên cung cấp các khóa học, và các tạp chí chuyên ngành thường xuyên xuất bản các bài báo, nhằm phơi bày chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính có tính hệ thống đặc trưng của các ngành nghiên cứu khoa học như sinh học, nhân học và lịch sử, giai đoạn thế kỷ 19 và phần lớn thế kỷ 20. Nhiều nghiên cứu tìm hiểu lại các thử nghiệm riêng lẻ như nghiên cứu giang mai Tuskegee, hay về các chính sách như Nước Úc Trắng đến Diệt Chủng Do Thái, đã được thực hiện một cách liên tục và rộng rãi để hiểu bằng cách nào mà những lý thuyết sinh học, nhân học và sử học sai lầm được phát triển ngay tại các tổ chức khoa học hàng đầu, và làm thế nào chúng sau đó được dùng để biện minh và tạo điều kiện cho phân biệt đối xử, chủ nghĩa đế quốc và thậm chí diệt chủng. Những tội ác và sai lầm này không được đổ lỗi cho một vài học giả rằng họ đi sai đường. Chúng được coi là một thất bại thể chế của toàn bộ ngành.
Việc sẵn sàng thừa nhận những sai lầm lớn về thể chế góp phần vào tốc độ phát triển tương đối nhanh chóng của các ngành khoa học. Miễn là có bằng chứng hợp lý, các lý thuyết thống trị thường bị loại bỏ chỉ trong vòng một vài thế hệ, và được thay thế bằng các lý thuyết mới.
Mai ai tham gia talkshow này không? https://facebook.com/events/s/tro-chuyen-ve-nexus-luoc-su-cu/867356335471943/
Statistics:
Likes: 4, Shares: 1, Comments: 2
Like Reactions: 4, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0