Anonymous participant – 2024-10-10 14:20:52
**Sự suy thoái đạo đức trong khoa học**
*Trích bài viết của Giáo sư Pierre Darriulat.*
“Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn tin rằng việc áp dụng và tôn vinh nguyên lý của khoa học là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Một minh chứng rõ ràng đó là Thời kỳ Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII. Tôi tin rằng di sản quý giá nhất của thời kỳ này là đạo đức khoa học và tôi tin rằng sự chính trực trong trí tuệ và đạo đức là nền tảng của phẩm giá con người. Tuy nhiên, giờ đây, ở những năm tháng cuối đời, tôi lại chứng kiến mọi người càng trở nên xa rời những giá trị đó.”
“Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những giấc mơ về một thế giới tốt đẹp hơn chỉ là ảo tưởng. Chúng ta cần tránh xa những kẻ biến những giấc mơ ấy thành giáo điều và áp đặt chúng lên người khác. Chúng ta đã học được rằng không phải những tư tưởng đầy cảm hứng mà chính là những phẩm chất của người cầm quyền mới tạo ra một nền quản trị tốt. Sự hào phóng, chính trực, đoàn kết, công lý, và sự nghiêm ngặt về tri thức và đạo đức của cộng đồng. Nhưng những biến cố gần đây đã làm lay động niềm tin của mình và tôi thấy nhiều người đang đồn về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của văn minh loài người.”
“**Những nguyên tắc cơ bản của khoa học bị xâm phạm**
Trong một thế giới như vậy, người ta nghĩ rằng các nhà khoa học sẽ ở tuyến đầu đấu tranh cho lý trí và đạo đức chống lại sự thiếu hiểu biết và mê tín. Nhưng không phải vậy.
Các nhà quản lý khoa học che giấu sự thiếu năng lực của mình bằng cách phát minh ra đủ loại tiêu chí, mà họ cho rằng có thể dùng để đánh giá chất lượng những công trình khoa học; xếp hạng đại học và xếp hạng tạp chí sử dụng nhiều chỉ số khác nhau mà họ đã tạo ra, được cho là để định lượng giá trị của công việc nghiên cứu. Những người được gọi là phụ trách nhân sự đo lường chất lượng công việc của các nhà khoa học bằng số lượng bài báo đăng tải hằng năm và bằng chất lượng giả định của các tạp chí. Như tôi đã viết trong một bài viết trước, Peter Higgs [giải thưởng Nobel 2013] sẽ là một nhà vật lý có trình độ rất thấp theo những tiêu chí của họ. Các nhà khoa học đã không phản đối những xu hướng này và thay vào đó đã cúi đầu trước các nhà quản lý.
Những người kém nghiêm túc nhất đã tự biến mình thành tội phạm không thể chấp nhận được của đạo đức khoa học, chẳng hạn như để tên mình là tác giả của những bài báo mà họ không đóng góp gì. Vài năm trước, NAFOSTED đã ban hành một tuyên bố về liêm chính khoa học, được thúc đẩy bởi những cuộc tranh luận trong cộng đồng, sau những hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng được phanh phui ở Việt Nam. Nhân dịp này, một mạng lưới Facebook gọi là Liêm chính khoa học đã được thành lập; về phần mình, tôi đã viết các bài báo trên Tia Sáng và Thanh Niên.
Tuyên bố của NAFOSTED được lấy cảm hứng từ Tuyên bố Singapore nêu lên các nguyên tắc cơ bản chung về đạo đức khoa học nhưng cần được tuân thủ trong nước. Vào thời điểm đó, tôi nhận xét rằng cuộc tranh luận ở Việt Nam không có dấu hiệu đi đến hồi kết và hình ảnh của đất nước ở góc độ này khá kém. Tôi tuyên bố rằng “những người có thể cải thiện tình hình là những người có trách nhiệm đưa đất nước tiến bộ về năng lực và liêm chính, những người có trách nhiệm chèo lái đất nước theo di sản của Hồ Chí Minh; những người có thể giải phóng các hội học thuật khỏi những điều cấm kỵ hiện đang làm tê liệt hoạt động của họ và khuyến khích các cuộc tranh luận nhằm tìm ra những cách hiệu quả nhất để có năng lực và liêm chính hơn; những người có thể khôi phục lại sự tôn trọng hơn đối với các giá trị tri thức trong nước, khuyến khích thế hệ trẻ suy nghĩ với tư duy phản biện”.
Tôi cũng nhận xét rằng việc công bố Tuyên bố của NAFOSTED là một cơ hội tuyệt vời để VUSTA tuyên bố công khai tuân thủ vô điều kiện với tuyên bố này và khuyến khích các hội thành viên tổ chức các cuộc tranh luận cởi mở trong cộng đồng về các vấn đề về liêm chính khoa học. Hành động như vậy sẽ mang đến cho các hội học thuật Việt Nam cơ hội thể hiện thái độ tích cực và có trách nhiệm của mình trong vai trò là tiếng nói của các nhà khoa học mà họ đại diện. Tôi cũng bày tỏ hy vọng được thấy các tổ chức hàng đầu như VAST, MOST, MOET và các trường đại học công lập và tư thục lớn tuyên bố công khai ủng hộ hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố Singapore. Nhưng điều đó không xảy ra. Thật vậy, cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục diễn ra. Như Nguyễn Tấn Đại đã nhận xét trong một bài báo gần đây trên Thanh Niên, những hành vi vi phạm liêm chính khoa học cơ bản như vậy đang gây tổn hại đến khoa học và giáo dục và cuối cùng là người nộp thuế: ông viết rằng chính phủ đầu tư để phát triển tiềm năng nghiên cứu và đào tạo của các trường đại học và viện nghiên cứu, nhưng khoản đầu tư này lại hướng sai mục tiêu.
Một nghiên cứu gần đây đã đưa ra bằng chứng về sự gia tăng đáng kể hành vi xuất bản cực đoan (được định nghĩa là đăng hơn 60 bài báo mỗi năm) đặc biệt mạnh trong lĩnh vực vật lý. Nó đang trở nên phổ biến một cách đáng lo ngại trong các lĩnh vực khoa học với tỷ lệ tăng nhanh ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Những hành vi như vậy đang báo hiệu sự suy giảm nhanh chóng các tiêu chuẩn về tác giả và cần phải bị lên án nghiêm khắc thay vì tiếp tục tranh luận như hiện nay.”
“Các nhà khoa học nên là những người đầu tiên tuyên bố quyết tâm tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học. Họ có trách nhiệm tuân thủ quy tắc ứng xử ngụ ý trong một hoạt động nghiên cứu khoa học tốt. Diễn đàn tự nhiên mà họ có thể bày tỏ sự tuân thủ của mình đối với những quy tắc như vậy là các hiệp hội học thuật. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội là không đủ. Chúng ta cần thể hiện rõ ràng sự tuân thủ tuyệt đối và vô điều kiện của cộng đồng chúng ta đối với các nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học nếu chúng ta hy vọng công việc của mình được tôn trọng.”
Shared link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/su-suy-thoai-dao-duc-trong-khoa-hoc
Statistics:
Likes: 57, Shares: 10, Comments: 5
Like Reactions: 50, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0