Duong Tu – 2024-09-20 05:23:46
**Về quan điểm “không vi phạm nếu cơ quan chủ quản không cấm” của GS Ngô Bảo Châu**
Báo Thanh Niên mới đây chỉ ra hai vấn đề chính đáng lưu ý liên quan đến hoạt động công bố khoa học của GS Nguyễn Xuân Hùng, người giữ nhiều vị trí quan trọng, có vai trò tham gia dẫn dắt nền khoa học nước nhà [1-2].
Thứ nhất, GS Hùng thường xuyên ghi địa chỉ một số trường đại học mà ông chưa từng là nhân sự. Đây là những trường bị nghi ngờ sử dụng chiêu trò để gia tăng số lượng bài báo quốc tế, tạo thành tích ảo nhằm gian lận xếp hạng.
Thứ hai, mặc dù lọt vào danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều (Highly Cited Researchers – HCR) của Clarivate suốt 9 năm liên tục (2014-2022), GS Hùng chưa bao giờ khai đúng địa chỉ trong danh sách này. Ngoại trừ năm đầu tiên, địa chỉ chính của ông Hùng trong danh sách HCR luôn là ĐH Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan, trong khi nơi ông thực sự công tác là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chỉ được dùng làm địa chỉ phụ. Nói cách khác, thành tích trích dẫn cao của một nhà khoa học Việt Nam lại được ưu tiên ghi nhận cho một trường ở Đài Loan.
Trả lời Báo Thanh Niên về trường hợp GS Hùng, GS Ngô Bảo Châu nói: “*tôi được biết có một số nhà khoa học Việt Nam công bố bài dưới địa chỉ của nhiều cơ sở khoa học nơi họ không phải là cán bộ cơ hữu*”. GS Châu nêu quan điểm: “*Nếu những việc này được thực hiện trong một thỏa thuận với sự đồng thuận của cơ quan chủ quản, hoặc cơ quan chủ quản không nghiêm cấm chuyện này thì tôi không thấy dấu hiệu vi phạm. Điều này trở thành vấn đề đạo đức khi mặc dù cơ quan chủ quản có quy định cấm việc các nhà khoa học cơ hữu công bố dưới những địa chỉ khác mà họ vẫn lén lút làm như thế*” [3].
Phần trả lời của GS Ngô Bảo Châu chỉ liên quan đến vấn đề thứ nhất mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, nhưng không bình luận về vấn đề thứ hai liên quan đến địa chỉ của GS Hùng trong danh sách HCR.
Quan điểm của GS Châu mở ra nhiều khía cạnh đáng suy nghĩ và cần bàn luận.
**Bản chất của địa chỉ trong công bố khoa học**
Trước hết, cần nhắc lại bản chất của địa chỉ (affiliation) trong công bố khoa học. Thông thường, địa chỉ trên bài báo là cơ quan chủ quản của tác giả, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Thật vậy, các nhà xuất bản học thuật đều hướng dẫn tác giả ghi địa chỉ là nơi mà nghiên cứu được tiến hành. Hướng dẫn này đặc biệt cần thiết khi cơ quan chủ quản và nơi tiến hành nghiên cứu không trùng nhau, chẳng hạn khi tác giả được cơ quan cử đi làm nghiên cứu tại đơn vị khác.
Sở dĩ nơi tiến hành nghiên cứu, chứ không phải cơ quan chủ quản, được sử dụng làm tiêu chí xác định địa chỉ trong bài báo, là bởi địa chỉ này gắn liền với trách nhiệm về nghiên cứu, bao gồm kiểm tra, điều tra, xử lý, đền bù, trả lời công luận khi xảy ra sự cố, gian lận, tranh chấp, kiện tụng liên quan đến nghiên cứu. Chỉ duy nhất nơi tiến hành nghiên cứu mới có đầy đủ thông tin và dữ liệu về toàn bộ quá trình nghiên cứu để thực hiện trách nhiệm giải trình này.
Từ góc nhìn của công chúng, nơi tiến hành nghiên cứu, bằng chính danh tiếng và uy tín chuyên môn của họ, cũng là cơ quan bảo chứng cho sự liêm chính và tin cậy của các công trình khoa học. Nói một cách ngắn gọn, cốt lõi của địa chỉ trong bài báo khoa học là nơi mà nghiên cứu được tiến hành, cũng là nơi chịu trách nhiệm về nghiên cứu [4-5].
**Gian lận trong việc ghi địa chỉ**
Vài năm qua, cộng đồng khoa học Việt Nam đã nhiều lần thảo luận về câu chuyện mua bán bài báo, khi một số trường đại học gian lận bằng cách trả tiền để nhà khoa học ghi địa chỉ của nơi trả tiền thay vì nơi tiến hành nghiên cứu [6-7]. Hành vi này không chỉ lừa dối sinh viên, học viên, đối tác, các quỹ tài trợ và tổ chức xếp hạng mà còn gây lãng phí nguồn lực cho những bài báo kém chất lượng, làm xói mòn niềm tin và sự tín nhiệm của công chúng [8].
Để đảm bảo liêm chính khoa học và hạn chế hành vi mua bán bài, ngay từ năm 2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đã yêu cầu các hội đồng ngành phải phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do nếu phát hiện họ đăng bài ghi địa chỉ khác với cơ quan công tác [9]. Đến đầu năm 2022, Quỹ NAFOSTED cũng lần đầu tiên ban hành Quy định về liêm chính nghiên cứu, trong đó yêu cầu nhà khoa học ghi đúng địa chỉ theo cơ quan công tác hoặc nơi thực hiện nghiên cứu [10]. Gần hơn nữa, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 109/2022/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các đơn vị phải ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật [11], nhiều trường đã ra văn bản nghiêm cấm mua bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức, đồng thời quy định rõ cán bộ, giảng viên phải ghi đúng địa chỉ cơ quan chủ quản trong công bố khoa học, không được ghi tên tổ chức, đơn vị khác [12-13].
Ở phạm vi quốc tế, Ủy ban Đạo đức Xuất bản (Committee on Publication Ethics – COPE), một trong những định chế có ảnh hưởng nhất về xuất bản học thuật trên thế giới, gần đây đã nhiều lần thảo luận về vấn nạn mua bán bài báo thông qua gian lận địa chỉ. COPE nhận định hệ thống đánh giá nghiên cứu cũng như chạy đua xếp hạng hiện nay đã tạo ra nhu cầu thổi phồng năng suất công bố, với hệ quả là sự gia tăng hành vi gian lận địa chỉ. COPE nhấn mạnh rằng việc mua bán bài báo, ghi địa chỉ sai lệch là hành vi bất chính và khuyến cáo các biên tập viên tạp chí yêu cầu tác giả giải trình khi có nhiều địa chỉ. Các biên tập viên cũng có thể liên hệ với cơ quan chủ quản của tác giả để hỏi xem họ có biết về đơn vị thứ hai không và trường này liên quan gì đến nghiên cứu [14-15].
*
**BOX**
Vấn đề thứ hai liên quan đến hoạt động công bố khoa học của GS Nguyễn Xuân Hùng – mà GS Ngô Bảo Châu không bình luận – là GS Hùng chưa bao giờ khai đúng địa chỉ trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều (Highly Cited Researchers – HCR) của Clarivate suốt 9 năm liền [2]. Ngoại trừ năm đầu tiên, địa chỉ chính của ông Hùng trong danh sách HCR luôn là ĐH Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan, trong khi nơi ông thực sự công tác là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chỉ được dùng làm địa chỉ phụ. Nói cách khác, thành tích trích dẫn cao của một nhà khoa học Việt Nam lại được ưu tiên ghi nhận cho một trường ở Đài Loan.
Nếu thời gian cho phép, tôi sẽ phân tích kỹ vấn đề này trong một bài viết riêng.
*
**Trách nhiệm giải trình và chuẩn mực đạo đức**
Khuyến cáo của COPE và yêu cầu của HĐGSNN vừa nhắc trên đây nhất quán ở một điểm mấu chốt, đó là đặt trách nhiệm giải trình lên nhà nghiên cứu sử dụng nhiều địa chỉ hoặc ghi địa chỉ khác với cơ quan chủ quản. Trách nhiệm giải trình cũng là một trong những nguyên tắc căn bản nhằm đảm bảo liêm chính nghiên cứu theo Quy định của Quỹ NAFOSTED cũng như cộng đồng khoa học quốc tế [10, 16-17].
Đáng tiếc, trong phần trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên, GS Nguyễn Xuân Hùng đã không thực hiện tốt trách nhiệm giải trình này, dù chính ông là người tham gia vào quá trình ban hành Quy định về liêm chính nghiên cứu của Quỹ NAFOSTED với tư cách ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ [18].
Trở lại với quan điểm của GS Ngô Bảo Châu, rằng việc ghi địa chỉ nhiều đơn vị nơi nhà khoa học không phải cán bộ cơ hữu không vi phạm nếu cơ quan chủ quản không cấm. PGS Võ Đình Bảy, Phó hiệu trưởng HUTECH, khẳng định: “*quy định của nhà trường cũng đã rõ là không cho phép để địa chỉ thứ hai, đặc biệt khi địa chỉ còn lại là của một trường ĐH khác trong nước*”. Dù vậy, cũng theo ông Bảy, trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng là một ngoại lệ [1].
Khi cơ quan chủ quản không cấm nhà nghiên cứu ghi địa chỉ đơn vị khác, thì việc này mới chỉ thỏa mãn quan hệ việc làm và hợp đồng lao động giữa hai bên. Còn từ góc nhìn của cộng đồng khoa học và công chúng, việc ghi địa chỉ như vậy có đảm bảo liêm chính hay không phải căn cứ vào tiêu chí xác định địa chỉ trong bài báo – đó là nơi mà nghiên cứu được tiến hành, cũng là nơi chịu trách nhiệm về nghiên cứu. Xét trường hợp hai đơn vị thỏa thuận với nhau, yêu cầu các nhà khoa học của đôi bên ghi hai địa chỉ trong bài báo nhằm bơm thổi số lượng công bố của cả hai trường. Rõ ràng, mặc dù việc làm này hoàn toàn có sự đồng thuận của hai cơ quan chủ quản, nó không làm thay đổi bản chất cấu kết, thông đồng nhằm thổi phồng thành tích nghiên cứu thông qua khai man địa chỉ.
Khía cạnh đạo đức của câu chuyện ghi địa chỉ này không phải chuyện cơ quan chủ quản có cấm hay không, mà nằm ở một nguyên tắc căn bản nhất của liêm chính khoa học, đó là trung thực [10, 16-17]. Việc ghi địa chỉ nào trong bài báo, cơ quan chủ quản đồng thuận hay nghiêm cấm, là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn là nhà khoa học có trung thực, có ghi đúng địa chỉ là nơi tiến hành và chịu trách nhiệm về nghiên cứu, cũng như có thực hiện đúng trách nhiệm giải trình về hành động của mình hay không. Xét cho cùng, liêm chính là lựa chọn làm điều đúng, chứ không phải điều có lợi hơn cho bản thân, ngay cả khi không bị ai giám sát hay chất vấn.
Các nhà khoa học ở thế kỷ trước có lẽ không bao giờ hình dung nổi tại sao một chuyện tưởng chừng như rất rõ ràng và đơn giản là ghi đúng địa chỉ trong công trình của mình lại trở nên rối rắm và nhiều góc khuất đến vậy. Như nhận định của COPE, những biến tướng trong việc ghi địa chỉ trên bài báo chỉ là một trong rất nhiều triệu chứng và hệ lụy của vấn nạn gian lận thành tích nghiên cứu trong cuộc chạy đua xếp hạng.
Trước hiện trạng đáng buồn đó, các nhà nghiên cứu, nhất là những người thuộc nhóm tinh hoa, có vai trò dẫn dắt nền khoa học nước nhà càng cần phải làm gương về trung thực và liêm chính, theo đuổi những giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức cao cả, thay vì tuyệt vọng đến mức phải viện dẫn các quy định, văn bản hành chính dựa trên chuẩn mực đạo đức tối thiểu để bao biện cho hành động của mình.
**Tài liệu tham khảo**: vui lòng xem trong phần bình luận dưới đây.
Statistics:
Likes: 331, Shares: 49, Comments: 102
Like Reactions: 296, Haha Reactions: 3, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 27, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0