Khanh Duy – 2024-09-05 14:46:17
**800.000 người đã tử vong vì một nhà khoa học “bịa số liệu” trong nghiên cứu**
Một cuộc điều tra năm 2012 của Trường Y Erasmus phát hiện Poldermans đã bịa rất nhiều số liệu trong các nghiên cứu của mình. “Ông ấy cố ý sử dụng dữ liệu từ bệnh nhân mà không có sự cho phép bằng văn bản, sử dụng dữ liệu hư cấu để nộp và báo cáo tại các hội nghị khoa học, bao gồm các dữ liệu không đáng tin cậy”, kết luận cuộc điều tra cho biết.
Poldermans sau đó đã thừa nhận các cáo buộc nhắm đến mình và công khai xin lỗi. Tuy nhiên, ông ấy nói việc sử dụng dữ liệu hư cấu chỉ là sai sót vô tình, chứ bản thân ông không cố ý.
Bất chấp những lời bao biện, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã phải đánh giá lại mọi lời khuyên y tế mà Poldermans đưa ra. Năm 2014, một nghiên cứu phát hiện ra liệu trình thuốc chẹn beta cho bệnh nhân của Poldermans có thể làm tăng 27% khả năng tử vong trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.
Đó là một kết luận sét đánh, bởi kể từ khi các quy trình của Poldermans được áp dụng, các bác sĩ tại Mỹ và Châu Âu đã sử dụng thuốc chẹn beta trong hàng triệu ca phẫu thuật tim mạch như một tiêu chuẩn.
Và một nghiên cứu ước tính điều đó đã gây ra ít nhất 800.000 ca tử vong “oan” cho bệnh nhân.
800.000 người tử vong, tương ứng với số người sẽ tử vong sau khi bạn thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Manchester. Và nếu tất cả những nạn nhân đó được đặt cạnh nhau, họ sẽ tạo thành một hàng dài từ John O Groats, điểm địa đầu của nước Anh, cho đến điểm cuối cùng Land’s End. Sẽ phải mất 2 tháng để bạn đi nhìn mặt từ nạn nhân đầu tiên cho đến nạn nhân cuối cùng.
Nhưng với tất cả sự gian lận, phi liêm chính và thiệt hại khủng khiếp mà ông ấy đã gây ra, Poldermans chỉ bị sa thải khỏi bệnh viện mà không bị xử lý hình sự.
**Câu hỏi đặt ra là: Tại sao?**
Hóa ra, gian lận học thuật và các hành vi sai trái trong cộng đồng khoa học không hiếm như chúng ta vẫn tưởng. Và hậu quả mà các nhà khoa học phải chịu sau khi hành vi gian lận của họ bị phanh phui thường không đáng kể.
Khi một nhà khoa học nào đó thực hiện một nghiên cứu gian lận, đăng được bài báo lên một tạp chí chuyên ngành, nếu các nhà khoa học khác nhận ra nghiên cứu đó có vấn đề và khiếu nại, thì quá trình rút bài báo đó cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Đôi khi, các nhà khoa học cáo buộc hoặc thể hiện sự nghi ngờ về số liệu trong nghiên cứu của một đồng nghiệp sẽ bị chính đồng nghiệp của họ kiện ngược lại. Điều này khiến cho nhiều tiếng nói liêm chính trong cộng đồng khoa học trở nên im lặng.
Hậu quả là: Các nghiên cứu có chất lượng thấp, kết quả sai lệch vẫn còn trên các tạp chí học thuật, và chúng có thể gây hại cho các bác sĩ và bệnh nhân khi sử dụng kết quả để tham khảo và điều trị.
Đôi khi, chúng có thể gây ra những vụ chết người hàng loạt, như trong trường hợp bê bối Poldermans. Thế nhưng, tại sao việc gian lận học thuật chưa bị hình sự hóa?
**Hình sự hóa không phải giải pháp lý tưởng**
Elisabeth Bik, một nhà nghiên cứu chuyên giám sát gian lận học thuật, người từng phát hiện ra một loạt các ảnh chụp xét nghiệm trên nhiều tạp chí y khoa đã bị “photoshop” cho biết:
“Thực trạng gian lận học thuật hiện nay thật là điên rồ. Ngay cả đó là các nghiên cứu được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có rất ít sự trừng phạt dành cho chúng. Với những nhà khoa học bị phát hiện gian lận, hình phạt hiện đang rất nhẹ. Họ sẽ không thể nộp đơn xin tài trợ mới cho năm tiếp theo, hoặc đôi khi là ba năm. Nhưng rất hiếm khi nhà khoa học đó bị đuổi việc”.
Chỉ trong các trường hợp gian lận gây ra hậu quả nghiêm trọng như của Poldermans, ông ấy mới bị đuổi việc. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Hầu hết các bài báo của ông ấy trên tạp chí học thuật không bị rút lại, và ông không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào nữa.
Câu hỏi tiếp tục là tại sao?
Về cơ bản, đó là vấn đề về động cơ. Các tổ chức sẽ thấy xấu hổ khi một trong những nhà nghiên cứu của họ có hành vi sai trái. Vì vậy, họ thà áp dụng hình phạt nhẹ và không tiếp tục đào sâu vào vụ việc. Có rất ít động lực để ai đó đào sâu tận gốc vào các hành vi sai trái của một nhà khoa học.
“Nếu hậu quả nghiêm trọng nhất đối với hành vi chạy quá tốc độ là cảnh sát nói ‘Đừng làm thế nữa’, thì mọi người sẽ chạy quá tốc độ”, Bik nói. “Đây là tình huống chúng ta gặp phải trong khoa học. Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn. Nếu bạn bị phát hiện gian lận, việc điều tra cũng sẽ mất nhiều năm”.
Trong tình huống này, hình sự hóa gian lận học thuật cũng không phải giải pháp lý tưởng. Tòa án và các thẩm phán đôi khi cũng không đủ trình độ để trả lời các câu hỏi khoa học chi tiết và ở biên giới hiểu biết của con người, nơi chỉ một số ít nhà khoa học đạt tới được.
Gần như chắc chắn, họ phải dựa vào các tổ chức khoa học tiến hành điều tra – vì vậy mấu chốt để giải quyết gian lận học thuật là ở các tổ chức khoa học, chứ không phải tòa án, tổ chức phi lợi nhuận hay những đơn vị tài trợ như Viện Y tế Quốc gia.
**Vậy giải pháp có thể như thế nào?**
Trong những trường hợp mà hành vi gian lận học thuật đủ nghiêm trọng, một số nhà nghiên cứu cho rằng cần có một hội đồng độc lập hoặc một tổ chức bên ngoài tham gia điều tra để làm sáng tỏ gốc rễ của chúng.
Sự việc không thể được xử lý nội bộ bởi nội bộ các nhà khoa học thường dẫn tới những hình phạt quá nhẹ như hiện nay.
Nếu được thiết kế tốt, một đạo luật cho phép truy tố gian lận khoa học có thể sẽ mang lại kết quả. Nếu có các cuộc điều tra đang diễn ra do một cơ quan bên ngoài tiến hành, các tổ chức sẽ không còn dễ dàng duy trì danh tiếng của mình bằng cách che giấu các vụ gian lận học thuật nữa.
Statistics:
Likes: 55, Shares: 7, Comments: 2
Like Reactions: 36, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 6, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 13, Angry Reactions: 0