Alméry Jacqueline – 2024-08-20 23:04:16
**Chợ đen mua bán trích dẫn**
Ngày càng có nhiều cách mờ ám mà không ít nhà nghiên cứu đang sử dụng để ngụy tạo hoặc thao túng số lượt trích dẫn tới các bài báo của họ.
Năm ngoái, hãng Clarivate đã xóa tên hơn 1.000 nhà nghiên cứu khỏi danh sách được trích dẫn nhiều nhất thế giới (Highly Cited Researchers) do gian lận trích dẫn hoặc có năng suất công bố cao đáng ngờ.
Tháng trước, một nhà nghiên cứu đã tạo ra Larry, con mèo được trích dẫn nhiều nhất thế giới bằng cách dùng phần mềm viết một loạt bài báo dỏm trích dẫn các bài báo dỏm khác của Larry, rồi tải tất cả lên trang ResearchGate. Sau hơn 2 tuần, Google Scholar index các bài báo và đếm trích dẫn giả mạo cho con mèo Larry, giúp Larry có hồ sơ ấn tượng với 12 bài báo, 132 trích dẫn và H-index 11, trở thành con mèo được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử.
Một nhóm nhà khoa học đã tìm cách vạch trần một hình thức gian lận trích dẫn mới bằng cách thử trả tiền để mua trích dẫn cho một hồ sơ Google Scholar giả mạo mà họ tạo ra.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết họ bắt đầu chú ý đến một số hồ sơ Google Scholar có những dấu hiệu đáng ngờ như số lượt trích dẫn tăng vọt một cách đột ngột, hoặc có những bài báo chỉ mới công bố nhưng lại thu hút tới hàng trăm lượt trích dẫn.
Khi phân tích các hồ sơ Google Scholar đáng ngờ, họ phát hiện một công ty có thể là đầu mối bán trích dẫn.
Để kiểm tra khả năng mua bán trích dẫn, nhóm nghiên cứu đã tạo một hồ sơ Google Scholar giả mạo rồi tải lên hồ sơ này 20 bài báo dỏm do phần mềm trí tuệ nhân tạo viết. Tiếp đó, họ liên hệ với công ty bán trích dẫn.
Công ty đưa ra mức giá 300 USD cho 50 trích dẫn, hoặc 500 USD cho 100 trích dẫn. Nhóm nghiên cứu chọn mua 50 trích dẫn với giá 300 USD.
40 ngày sau, 50 trích dẫn từ các bài báo đăng trên 22 tạp chí, trong đó có 14 tạp chí nằm trong Scopus, đã được thêm vào hồ sơ Google Scholar giả mạo mà nhóm nghiên cứu tạo ra.
Khi đánh giá 1,6 triệu hồ sơ Google Scholar có ít nhất 10 bài báo và trên 200 trích dẫn, nhóm nghiên cứu phát hiện 1.016 hồ sơ có số lượt trích dẫn tăng từ 10 lần trở lên mỗi năm, hoặc có sự gia tăng lượt trích dẫn hàng năm chiếm tối thiểu 25% tổng số trích dẫn của một hồ sơ.
Nhóm nghiên cứu cho biết rất nhiều trích dẫn trong các hồ sơ Google Scholar này đến từ các bản tiền ấn phẩm chưa được bình duyệt, và các bài báo trích dẫn trong đó chỉ được liệt kê ở phần danh mục tài liệu tham khảo chứ không hề được trích dẫn trong nội dung bài.
Nhóm nghiên cứu cho rằng số lượt trích dẫn trong hồ sơ Google Scholar có thể dễ dàng thao túng bằng cách tạo ra các bài tiền ấn phẩm dỏm hoặc trả tiền cho các dịch vụ bán trích dẫn.
Để phát hiện hành vi thao túng trích dẫn, nhóm nghiên cứu đề xuất một chỉ số gọi là citation-concentration index, cho biết nhà khoa học nào nhận được nhiều trích dẫn chỉ từ một số ít nguồn. Đây thường là dấu hiệu của các băng nhóm trích dẫn khi một vài người thỏa thuận trích dẫn chéo nhằm bơm thổi trích dẫn cho nhau.
Tuy nhiên, những kẻ gian lận sẽ nghĩ ra nhiều cách thức mới để bơm thổi chính dẫn ngày càng khó phát hiện hơn. Muốn giải quyết tình trạng này, phải thay đổi cách đánh giá nhà nghiên cứu để họ không tìm mọi cách có thêm bài báo và trích dẫn. Áp lực chạy theo số lượng bài báo và số lượt trích dẫn đã dẫn đến những hành vi xấu của nhà khoa học.
Shared link: https://www.nature.com/articles/d41586-024-01672-7
Statistics:
Likes: 73, Shares: 5, Comments: 2
Like Reactions: 57, Haha Reactions: 5, Wow Reactions: 9, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0