Anh Q Tran – 2024-07-14 00:35:43
Theo lời yêu cầu của tác giả, tôi copy lại và đăng trên trang của mình thay vì share.
—
VỀ MỘT CHUYỆN LÙM XÙM Ở HUẾ CÓ LIÊN QUAN TỚI TÔI
I. Mấy bữa ni ở Huế đang có chuyện lùm xùm liên quan đến luận án tiến sĩ của L.T.A.H., Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học của một cơ quan ở Huế, có liên quan đến công bố của tôi trước đây, nên có một số người liên lạc với tôi, hỏi ý kiến của tôi về chuyện này.
Thực ra, từ khi N.T.A.P., là bạn của tôi, phát hiện luận án tiến sĩ của L.T.A.H. có sử dụng nhiều phần trong bài viết “Tổng quan về lễ hội cung đình thời Nguyễn” của tôi in trên tạp chí Huế Xưa & Nay (Số 116, Tháng 3-4/2013), in lại trong sách Kiểu Huế (xuất bản lần đầu năm 2016, tái bản năm 2021 và 2023), đã viết nhiều status về chuyện này, kèm theo dẫn chứng, đăng trên FB của bạn ấy và tag tên tôi vào. N.T.A.P. cũng gửi cho tôi toàn bộ bằng chứng về chuyện này qua messenger trên FB và đề nghị tôi lên tiếng.
Tuy nhiên, do tôi đang bận viết tham luận cho hai hội thảo sắp diễn ra tại Academia Sinica ở Đài Bắc (ngày 13-15/8/2024) và tại Đại học Văn Tảo (Wenzao University) ở Cao Hùng (trung tuần tháng 10/2024) nên tôi chỉ comment 2 lần trên những status của N.T.A.P.
Hôm qua và trưa nay, có hai phóng viên của báo Lao Động gọi cho tôi qua messenger đề nghị tôi xác nhận về việc L.T.A.H có copy nhiều thông tin từ bài viết của tôi để dùng trong luận án của bạn ấy và không trích dẫn nguồn hay không, và đề nghị tôi bày tỏ quan điểm về chuyện này.
Tôi đã trả lời cho hai phóng viên đó, nay viết lại mấy điểm về nội dung trả lời của tôi.
1. Tôi xác nhận L.T.A.H. có sao chép nhiều đoạn trong bài viết của tôi để sử dụng trong chương 4 của luận án của bạn ấy, nhưng không dẫn nguồn. Tuy vậy, trong phần Tổng quan lịch sử nghiên cứu và trong danh mục Tài liệu tham khảo, thì L.T.A.H. có liệt kê tên bài viết nói trên của tôi.
2. Việc L.T.A.H. sử dụng rất nhiều đoạn trong bài viết (dài 12 trang của tôi) mà không dẫn nguồn, cũng như bạn ấy đã sử dụng thông tin từ gần chục tác giả khác ở trong Chương 4 của luận án mà không dẫn nguồn là sai, không thực hiện đúng thao tác khoa học khi làm một nghiên cứu, nên vi phạm liêm chính khoa học.
Tuy nhiên, theo tôi, nghiên cứu sinh (NCS) L.T.A.H. (bây giờ là tiến sĩ) sai một, thì người hướng dẫn NCS thực hiện luận án và hội đồng đánh giá luận án sai nhiều hơn. Bởi lẽ, người hướng dẫn khoa học (HDKH) phải là người am hiểu đề tài mà NCS thực hiện, phải có fond kiến thức đủ về đề tài đó để định hướng nghiên cứu, hướng dẫn NCS thực hiện và rà soát những sai sót, hạn chế mà NCS mắc phải khi thực hiện luận án, và phải sửa chữa những sai sót (hoặc yêu cầu NCS sửa chữa những sai sót, hạn chế đó) trước khi đồng ý cho NCS nộp luận án lên hội đồng đánh giá luận án.
Thứ hai, các thành viên tham gia hội đồng phải là những người am hiểu về đề tài hoặc có chuyên môn gần với đề tài nghiên cứu mà NCS thực hiện, thì mới nên nhận lời tham gia hội đồng đánh giá luận án, và phải đọc kỹ luận án để phát hiện ưu điểm, nhược điểm mà đánh giá cho trúng, cho đúng và đảm bảo khoa học, khách quan.
Đằng này, luận án có qua nhiều lỗi: từ sao chép của người khác mà không dẫn nguồn, sai sót sự kiện, nhân vật, số liệu, câu từ… tùm lum (theo thông tin mà N.T.A.P. công bố), nhưng cả người hướng dẫn và hội đồng đánh giá luận án đều “bỏ qua”, lại đánh giá cao về luận án này, thì lỗi chính thuộc về những vị này.
Tôi còn nhớ, thầy của tôi là TS. Nguyễn Khắc Thái từng nói với học trò, đại ý: Làm luận án tiến sĩ chỉ là làm 1 bài tập lớn đầu đời của một người bước vào nghiên cứu chuyên nghiệp. Qua được bài tập này, thì nó mở ra cánh cửa bước vào học thuật cho người đó bước tiếp. Vậy nên, người viết luận án có thể sai, có thể sao chép, có thể viết rất vớ vẩn, thì người HDKH phải biết để sửa, để yêu cầu NCS tuân thủ liêm chính khoa học và hội đồng đánh giá luận án phải tỏ tường để phản biện, đánh giá và thông qua (hay không thông qua).
Đó là những gì tôi trả lời cho 2 phóng viên báo Lao Động hôm qua và hôm nay.
II. Từ năm 2009 đến năm 2021, tôi đã hướng dẫn 12 học viên cao học làm luận văn thạc sĩ (như ở bảng thống kê), đã tham gia nhiều hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ và nghiệm thu đề tài khoa học ở nhiều nơi tại Việt Nam.
Trong những lần thực hiện nhiệm vụ này, dù ở vai trò người HDKH hay ở vai trò là phản biện, ủy viên đánh giá, tôi đều cố gắng làm tròn trách nhiệm với tinh thần khách quan, đánh giá công bằng, gạn đục khơi trong, không trù dập, cũng không xuề xòa, cho qua những nghiên cứu kém chất lượng.
Ngay khi nhận nhiệm vụ hướng dẫn luận văn cho một học viên, tôi đã vạch hướng nghiên cứu cho học viên; góp ý sửa chữa đề cương nghiên cứu do học viên đề xuất, giúp ý kiến để học viên trả lời các câu hỏi phản biện của các thành viên đánh giá đề cương nghiên cứu. Sau đó, tôi đọc tất cả các trang luận văn của 12 học viên gửi tới (chủ yếu gửi qua email, vì tôi rất hạn chế gặp học viên trong khi họ đang làm luận văn với mình), ít nhất là 2 lần. Tôi sửa từng lỗi chính tả, từng dấu chấm câu, viết lại những câu văn rườm rà, khó hiểu, phi logic của học viên cho sáng rõ hơn để người đọc sau tôi có thể hiểu đúng ý học viên muốn trình bày. Tôi cũng chỉnh sửa format, đề mục của từng trang, từng chương luận văn cho logic, rõ ràng, đúng chuẩn.
Có 8 học viên của tôi của viết luận văn bằng tiếng Anh, tôi phải sửa từng chữ, từng câu trong luận văn của họ cho đúng văn phạm, đúng cách dùng các từ chuyên môn có trong các luận văn này. Thậm chí có học viên dùng google translation (phiên bản cũ dịch rất tệ) nên mắc quá trời lỗi (như: “Tam Xuân” thì google dịch là “Three Spring”, “Tam Mỹ” thì google dịch là Three Beautiful …), thì tôi phải chỉ những lỗi đó cho học viên thấy và và yêu cầu dịch lại cho đúng. Hay có học trò ở Cần Thơ, trong bản luận văn dài 125 trang, bạn ấy dùng 42 lần chữ “hơn nữa”, hành văn thì lủng củng, nên tôi phải mất 10 ngày để viết lại những câu cú lủng củng đó cho rõ nghĩa hơn và giảm chữ “Hơn nữa” trong luận văn của bạn ấy từ 42 lần xuống còn 7 lần. Khi bạn ấy bảo vệ trước hội đồng, có một vị phản biện nhận xét: “Luận văn còn sai nhiều lỗi chính tả”, thì tôi đã phát biểu (khi được mời phát biểu) rằng: “Tôi không tán thành ý kiến của PGS.TS. X, về lỗi chính tả trong luận văn này. Vì tôi đảm bảo 100% luận văn này không sai lỗi chính tả hay lỗi câu này, vì chính tôi đã bỏ ra 10 ngày để sửa tất cả những lỗi đó trong luận văn này. Có lẽ, PGS.TS. X theo thói quen, đã copy một bản phản biện cũ từ một lần tham gia hội đồng nào đó, chỉnh sửa thành bài phản biện cho học viên của tôi, mà không xóa đoạn này, nên đánh giá không đúng. Đề nghị phản biện sửa lại nhận xét này kẻo oan cho học viên của tôi”. Sau đó, PGS.TS. X đó thú nhận rằng điều tôi nói là đúng và rút lại ý kiến về việc sai chính tả trong luận văn của học viên kia.
Nhờ vậy mà tất cả học viên tôi hướng dẫn luận văn cao học đều pass, với đánh giá của hội đồng từ Khá tới Xuất sắc, không ai bị “bỏ lại phía sau” hay bị moi lỗi “đạo văn”.
III. Khi ngồi hội đồng đánh giá luận án hay đề tài nghiên cứu khoa học, tôi luôn giữ khách quan, công bằng, không xuê xoa đại khái trong nhận xét, phản biện. Có những lần phản biện của tôi thẳng thắn đến nỗi có vị là PGS.TS ở Huế làm đề tài khoa học cấp tỉnh bị sốc khi nghe nhận xét của tôi, và một vị PGS.TS khác ở Đà Nẵng thì choáng và thất vọng vì tôi không tán thành thông qua đề tài nghiên cứu của ông ấy do có qua nhiều sao chép, đạo văn và… lạc đề.
Về sự khách quan, có lần tôi ngồi hội đồng chấm luận án tiến sĩ của một NCS ở Đại học Huế, NCS này mắc một số lỗi khi ứng xử với hội đồng (3 người từ Hà Nội vô, 1 người từ Sài Gòn ra, 1 người từ Đà Nẵng ra (là tôi, phản biện 3) cùng với 2 người ở Đại học Khoa học Huế), nên các vị trong hội đồng rất thiếu thiện cảm với NCS. NCS này lại có khúc mắc với tôi từ trước do bất đồng nhiều chuyện, đến mức không nhìn mặt nhau. Tuy nhiên, khi đánh giá luận án của bạn ấy, tôi đã rất khách quan, khen ngợi những ưu điểm của bạn ấy, chỉ ra những sai sót (không lớn) và hướng khắc phục. Kết quả bạn ấy được 6/7 phiếu xuất sắc.
Theo thông lệ có từ khi Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được thành lập, thì luận án tiến sĩ Sử học có từ 6/7 phiếu xuất sắc trở lên sẽ được đề cử gửi hồ sơ cho Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật xem xét trao thưởng vào cuối năm. Không rõ vì thiếu thiện cảm với NCS hay không, mà khi họp kín để đưa ra các nhận xét cuối cùng về luận án và xem xét đề nghị NCS gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm đó, thì có ý kiến phản đối. Vị này cho rằng luận án của NCS đã làm quá thời hạn quy định trong Quyết định công nhận NCS của Đại học Huế, nên không đồng ý cho NCS tham dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Ý kiến này được vài thành viên hội đồng đồng ý.
Thấy vậy, tôi liền phát biểu: Tôi cũng làm luận án quá hạn theo quy định, nhưng cũng được tham dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, sau đó thì đoạt giải Nhì vào năm 2003 (năm đó không có giải Nhất). Hôm nay có TS. Phan Tiến Dũng có đến dự buổi bảo vệ luận án này. Anh Dũng cũng làm luận án quá hạn, nhưng cũng được tham dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và giành giải Nhì vào năm 2006. Vì thế, nếu Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật không sửa đổi quy chế, thì hội đồng phải kiến nghị cho NCS này gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Sau đó Chủ tịch Hội đồng gọi điện cho đại diện của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và xác nhận điều tôi nói là đúng, nên yêu cầu Thư ký ghi vào biên bản: “Đề nghị NCS gửi hồ sơ đến Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật để tham gia xét giải cho kỳ trao giải thưởng cuối năm”. Và NCS này đã đoạt Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm đó.
Trên đây là những chuyện có liên quan đến việc hướng dẫn, đánh giá các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đề tài NCKH… mà tôi tham gia hướng dẫn, phản biện, đánh giá trong hơn 10 năm qua. Nay nhân chuyện lùm xùm về luận án tiến sĩ của L.T.A.H. có liên quan tới bài viết của tôi, và được yêu cầu bày tỏ quan điểm, nên tôi viết ra và sẵn dịp kể luôn mấy chuyện xung quanh chủ đề này cho bà con được rõ.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Academia Sinica, Taipei, Taiwan)
Statistics:
Likes: 121, Shares: 14, Comments: 2
Like Reactions: 99, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 18, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0