Anonymous participant – 2024-06-09 12:13:32
“Đề cập đến chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh, GS Phạm Hùng Việt nói “người ta tưởng ĐHQGHN có nhiều tiền đầu tư [cho các nhóm nghiên cứu mạnh] lắm. Xin nói thực, từ khi thành lập đến nay, từ 2014, mỗi nhóm nghiên cứu mạnh của trường Khoa học tự nhiên được tài trợ 30 triệu đồng/năm. Bắt đầu từ năm 2019 trở đi, tăng lên 50 triệu đồng, có nhiều đâu. Còn khi trở thành phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, chúng tôi được cấp 250 triệu đồng/năm”. Dù cho biết là ĐHQGHN bắt đầu có những đổi mới khác “các nhóm nghiên cứu giai đoạn gần đây thì bắt đầu được hỗ trợ khá hơn, ví dụ được 1 tỷ đồng”, nhưng ông cũng cho rằng, để tạo ra những kết quả đột phá thì cơ chế hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn.”
“Dẫu kinh phí tài trợ là một yếu tố quan trọng nhưng còn quan trọng không kém là thủ tục tài chính vẫn chưa thật sự khác biệt so với thủ tục tài chính thông thường. “Đề tài nghiên cứu kinh phí không phải ít nhưng cái cách quản lý không tốt, đòi hỏi rất chi tiết và không phù hợp với thực tiễn và tôi cho là không phù hợp với tình trạng chung hiện nay”, GS. Ngô Việt Trung nhận xét. “Việc chi cho các đề tài nghiên cứu được tính theo từng giai đoạn một, mỗi giai đoạn phải có sản phẩm thì mới xuất tiền được. Sản phẩm trong nghiên cứu cơ bản là các chuyên đề và đấy là chuyện rất vô lý. Bây giờ một đề tài kinh phí một tỉ đồng đòi hỏi 7, 8 chuyên đề, riêng thời gian để viết chuyện đó, hình thức thôi cũng mất cả tháng”.
Mặt khác, nếu nhìn sâu hơn vào yêu cầu đầu ra dành cho các nhóm nghiên cứu mạnh, người ta vẫn có thể vẫn tồn tại một số điểm bất hợp lý. GS Ngô Việt Trung cho biết, khi được vận động để đăng ký đề tài đầu tiên của nhóm nghiên cứu mạnh ở Viện Hàn lâm, ông đã thấy sự bất hợp lý từ quy chế về nhóm nghiên cứu mạnh. “Chúng ta đều biết mỗi ngành đều có đặc thù, không thể là cái áo cho chung tất cả các ngành được”, ông nói, đồng thời chỉ ra tiêu chuẩn cho các nhóm nghiên cứu mạnh của Viện là các bài báo, sản phẩm nghiên cứu của đề tài “phải là sản phẩm của chung ít nhất 2/3 thành viên của nhóm” trong khi “nhóm nghiên cứu của tôi, mỗi người thuộc một mảng trong hướng nghiên cứu chung, chúng tôi không thể ‘ngồi cùng với nhau’ ở một nghiên cứu được”, ông giải thích.”
“Câu chuyện đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh trong vòng một thập niên qua là một bài học sát sườn cho khoa học Việt Nam khi nghĩ về việc thiết kế một chính sách phù hợp để đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc và xa hơn là các trung tâm xuất sắc. Ai cũng hiểu rằng, nếu không có một chính sách đột phá, cả về kinh phí lẫn cơ chế vận hành, dù có vẽ ra những mục tiêu lớn lao và những kỳ vọng lớn lao vào việc tạo dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc có đủ năng lực làm ra những sản phẩm ở tầm quốc tế, tác động đến cả lĩnh vực chuyên ngành hay giải quyết được những nhiệm vụ ở tầm quốc gia thì kết quả thu về cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, mức chi cho KH&CN trong nhiều năm gần đây không chỉ không đạt mức 2% tổng chi ngân sách mà còn giảm dần – theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, bố trí ngân sách chi cho KH&CN năm 2017 là 1,18%, năm 2022 là 1,01%, năm 2023 chiếm 0,82%. Sự giới hạn về nguồn lực đầu tư của Việt Nam khiến việc tài trợ cho nhóm nghiên cứu xuất sắc trở thành nan giải”.
“Ở các quốc gia phát triển, các nghiên cứu thuộc ngành KHXH và Nhân văn được thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Hầu hết các nghiên cứu đều cân bằng được tính quốc tế và quốc gia. Để thực hiện các nghiên cứu này, họ được cấp kinh phí dài hạn, có khi kéo dài tới bảy năm, và được áp dụng cơ chế đặc thù. Việc các cơ quan quản lý khoa học của những quốc gia này đồng ý áp dụng các cơ chế đặc thù là vì họ tin tưởng hoàn toàn vào nhà khoa học.
**Do đó, vấn đề hiện nay với chúng ta là làm sao nhà quản lý của chúng ta có được sự tin tưởng vào nhà khoa học thực sự, khuyến khích họ nghiên cứu và bằng cách nào đó hạn chế được nhà khoa học nghiên cứu tồi nhưng lại giỏi giới thiệu, quảng cáo về mình.**”
Shared link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/khoa-hoc-viet-nam-mot-su-menh-moi/
Statistics:
Likes: 114, Shares: 13, Comments: 6
Like Reactions: 109, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0