Alméry Jacqueline – 2024-06-04 03:41:01
**Sự gia tăng đáng báo động của khoa học giả mạo**
*Bài báo gian lận tràn ngập các tạp chí khoa học*
Gian lận khoa học đang trở thành một vấn đề lớn hơn. Hàng nghìn bài báo khoa học giả mạo tràn ngập các tạp chí và sau đó đã bị gỡ bỏ. Phần lớn trong số chúng là sản phẩm của các lò bán bài (paper mills). Các dịch vụ này nộp bài báo gian lận cho các tạp chí thu phí. Gian lận khoa học và khoa học giả mạo làm giảm tính chính danh của các tạp chí có bình duyệt và có thể lan truyền thông tin sai lệch ra công chúng.
***Tạp chí thật, khoa học giả***
Các tạp chí khoa học thường là nguồn cung cấp thông tin và nghiên cứu có uy tín, nhưng gần đây hàng ngàn bài báo gian lận đã được đăng trên các tạp chí này rồi bị gỡ bỏ. Nature cho biết: “*Tỷ lệ các bài báo được công bố trong bất kỳ năm nào bị gỡ bỏ đã tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ qua*”. “*Vào năm 2022, tỷ lệ này đã vượt quá 0,2%*.” Wiley, một công ty xuất bản hơn 200 năm tuổi, đã phải gỡ hơn 11.300 bài báo có vấn đề và đóng cửa 4 tạp chí trong hai năm qua. Công ty cũng thông báo rằng họ sẽ đóng cửa thêm 19 tạp chí. Một số công ty xuất bản khác cũng đã phải thực hiện các hành động tương tự. Wall Street Journal cho biết: “*Mặc dù gian lận quy mô lớn này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số bài gửi tới các tạp chí, nhưng nó đe dọa tính chính danh của ngành xuất bản học thuật trị giá gần 30 tỷ USD và uy tín của toàn bộ khoa học*”.
Wall Street Journal cho biết các bài báo khoa học giả mạo hầu hết là sản phẩm của các lò bán bài, “*các doanh nghiệp hoặc cá nhân, với một mức giá nào đó, sẽ ghi tên nhà khoa học là tác giả của một bài báo bịa đặt toàn bộ hoặc một phần*”. Các lò bán bài nộp bài báo và thường tránh “*những tạp chí uy tín nhất để ưu tiên nộp bài cho các số đặc biệt chỉ xuất bản một lần mà có thể không được bình duyệt kỹ lưỡng và ở đó họ có cơ hội tốt hơn để đăng bài báo dỏm*.” Nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy bị áp lực phải xuất bản trên các tạp chí khoa học được bình duyệt để thúc đẩy sự nghiệp hoặc thăng tiến. David Bimler, một nhà nghiên cứu về liêm chính sử dụng bút danh Smut Clyde, nói với Nature: “*Các sản phẩm của lò bán bài là một vấn đề ngay cả khi không có ai đọc chúng vì chúng được tổng hợp cùng với các bài báo khác thành các bài tổng quan và đưa vào tài liệu chính thống*”. Các lò bán bài đã được phát hiện ở một số quốc gia, bao gồm Nga, Iran, Latvia, Trung Quốc và Ấn Độ.
***Mất liêm chính***
Các bài báo khoa học gian lận có thể có tác động lớn. Tờ Guardian cho biết: “*Sản phẩm của các lò bán bài thường trông giống như những bài báo thông thường nhưng dựa trên các khuôn mẫu trong đó tên của các gen hoặc bệnh được đặt ngẫu nhiên giữa các bảng và hình hư cấu*”. “*Điều đáng lo ngại là những bài báo dỏm này sau đó có thể xâm nhập vào cơ sở dữ liệu lớn được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu thuốc*.” Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là thuốc ivermectin được coi là phương pháp chữa trị phù hợp cho Covid-19 mặc dù phần lớn các nghiên cứu liên quan đều chứa dữ liệu gian lận.
Giáo sư Dorothy Bishop của Đại học Oxford nói với Guardian: “*Tình hình đã trở nên kinh khủng*”. “*Mức độ xuất bản bài báo gian lận đang tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho khoa học. Trong nhiều lĩnh vực, việc xây dựng một cách tiếp cận tích lũy cho một chủ đề đang trở nên khó khăn vì chúng ta thiếu nền tảng vững chắc về những phát hiện đáng tin cậy*.” Nhiều người đổ lỗi cho chính các tạp chí đã không kiểm duyệt kỹ lưỡng các bài báo được xuất bản. Giáo sư Alison Avenell của Đại học Aberdeen cho biết: “*Các biên tập viên không hoàn thành đúng vai trò của mình và những chuyên gia phản biện không làm tốt công việc của họ. Và một vài người trong số họ đang được trả những khoản tiền lớn [để cho các bài báo rởm được đăng trót lọt]*”.
Một số tạp chí đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn cho việc xuất bản và cũng tăng cường giám sát để phát hiện bài báo gian lận. Tin tốt là nhiều bài báo khoa học giả mạo chứa các dấu hiệu đặc trưng, chẳng hạn như cách dùng từ ngữ khác thường để tránh bị phát hiện đạo văn và các tài liệu tham khảo được liệt kê không liên quan đến chủ đề của bài báo. Tuy nhiên, sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo có thể cản trở tiến trình phát hiện bài báo rởm. Kim Eggleton, người đứng đầu bộ phận bình duyệt và liêm chính nghiên cứu tại IOP Publishing, cho biết: “*Trí tuệ nhân tạo vừa trao cho các lò bán bài một tấm vé độc đắc*”. “*Họ có thể sản xuất bài dỏm với chi phí rất rẻ, trên quy mô lớn và các phương pháp phát hiện chúng đang chạy theo sau. Tôi chỉ có thể thấy thách thức đó ngày càng tăng*.”
Shared link: https://theweek.com/science/rise-of-fake-science-fraudulent-papers
Statistics:
Likes: 45, Shares: 5, Comments: 1
Like Reactions: 38, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 4, Angry Reactions: 0