Alméry Jacqueline – 2024-04-27 23:00:18
**Elisabeth Bik, chuyên gia liêm chính khoa học: ‘Chúng ta cần công bố khoa học chậm lại’**
***Việc sử dụng các hình ảnh bị chỉnh sửa đã tăng, giảm hay giữ nguyên trong những năm gần đây?***
Cả tăng lẫn giảm. Tình trạng này tăng lên từ 2010 đến 2018-2019 và hiện đang giảm dần vì mọi người chỉ đơn giản là giỏi Photoshop hơn và họ biết rằng chúng tôi có thể sàng lọc những hình ảnh này. Có nhiều cách lừa đảo không để lại dấu vết và ngày càng khó phát hiện bởi những kẻ lừa đảo ngày càng thông minh hơn. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng được dùng nhiều hơn. Giờ đây, chúng ta có thể tạo ra những hình ảnh hoàn toàn độc nhất và khá giống thực tế mà với kỹ thuật và phần mềm hiện có của mình, tôi không thể phát hiện ra vấn đề.
***Bà có lo lắng về trí tuệ nhân tạo không?***
Rất nhiều. Rõ ràng là trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để làm những điều tốt, nhưng nó cũng có thể bị những kẻ lừa đảo dùng để tạo ra hình ảnh giả, dữ liệu giả, văn bản giả. Tôi không hoàn toàn lo lắng về văn bản giả mạo; gian lận dữ liệu khoa học làm tôi lo lắng hơn việc tạo văn bản. Bạn có thể yêu cầu trí tuệ nhân tạo bịa ra một nhóm bệnh nhân giả, chia họ thành hai nhóm và thực hiện một số thử nghiệm với họ. Nó tốt đến mức chúng ta không còn có thể phân biệt được những tập hợp bệnh nhân giả đó với dữ liệu thực nữa. Chúng tôi sẽ chỉ tóm được những kẻ lừa đảo thực sự ngu ngốc vì chúng để lại dấu vết cho chúng tôi tìm ra. Còn những kẻ lừa đảo thông minh sẽ rất biết ơn trí tuệ nhân tạo vì nó có thể giúp chúng tạo ra nhiều bài báo giả hơn nữa.
***Bà có nghĩ một phần của vấn đề liên quan đến tốc độ xuất bản các ấn phẩm khoa học không?***
Chắc chắn rồi. **Chúng ta tập trung vào các thước đo để đánh giá sự nghiệp của một nhà khoa học: họ đã xuất bản bao nhiêu bài báo, số lần chúng được trích dẫn, hệ số tác động của tất cả những bài báo này là bao nhiêu. Đây là những con số bạn có thể nhìn vào và thật dễ dàng để xếp hạng ứng viên theo những số liệu này. Mọi người sẽ cố gắng làm giả các con số này: họ sẽ tự trích dẫn rất nhiều, hoặc họ sẽ mua bài báo từ lò bán bài hay chia một bài báo của họ thành nhiều phần nhỏ rồi xuất bản tất cả chúng.** Có những trường đại học có yêu cầu khắt khe. Ví dụ, nếu bạn muốn lấy bằng tiến sĩ, bạn cần xuất bản hai hoặc ba bài báo trước khi có thể tốt nghiệp. Điều đó không hoàn toàn công bằng, bởi vì bạn có thể là một nhà khoa học xuất sắc, nhưng các thí nghiệm có khả năng không thành công và bạn có thể chưa xuất bản bất kỳ bài báo nào.
***Bà nghĩ các tạp chí khoa học đang phản ứng thế nào trong việc phát hiện và ngăn chặn việc chỉnh sửa hình ảnh?***
Bây giờ họ đã nhận ra điều đó, nhưng tôi nghĩ đã quá muộn. Họ chưa thật sự cảnh giác trong việc phát hiện những vấn đề này, đặc biệt là các lò bán bài. Không chỉ các phòng thí nghiệm riêng lẻ gian lận, mà còn có những tổ chức tội phạm đang sản xuất hết bài báo này đến bài báo khác. Những bài báo loại này không được các tạp chí phát hiện mà do các tình nguyện viên tìm ra. Chúng tôi đã cảnh báo các tạp chí rằng họ cần đặt ra các biện pháp bảo vệ cao hơn một chút và không để những bài báo rởm này lọt qua. Sau khi chúng được xuất bản, rất rõ ràng đó là đồ giả.
Các tạp chí đang bắt đầu thiết lập những biện pháp bảo vệ như phát hiện trùng lặp hình ảnh, sàng lọc ngôn ngữ do ChatGPT tạo ra và trong lúc đó, những kẻ lừa đảo biết rằng chúng tôi sẽ sàng lọc những thứ này. Đó là một cuộc đua mà đám lừa đảo sẽ luôn giành chiến thắng, nhưng chúng ta có thể gây khó khăn hơn cho chúng. Chúng ta cần công bố khoa học chậm lại.
Statistics:
Likes: 133, Shares: 16, Comments: 2
Like Reactions: 112, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 19, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0