Anonymous participant – 2024-01-28 12:09:35
Phỏng vấn rất hay về liêm chính khoa học ở Trung Quốc, thật là giống Việt Nam ta..
“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gây ấn tượng về số lượng công bố khoa học. Vào năm 2012, Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ về số bài báo. Nhưng thật không may, tiêu chuẩn về liêm chính khoa học lại không theo kịp sự tăng trưởng số lượng này, và nhiều trường hợp có hành vi sai trái trong nghiên cứu đã bị phát hiện. Có thể nói, Trung Quốc hiện đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về đạo đức khoa học.
***Tại sao Trung Quốc lại có nhiều trường hợp sai trái trong nghiên cứu? Cái gì là nguyên nhân gốc rễ của nó?***
Nó liên quan đến hệ thống đánh giá nghiên cứu ở Trung Quốc, vốn chỉ dựa trên số lượng bài báo và hệ số ảnh hưởng của tạp chí – hơn là đánh giá thực chất về chất lượng nghiên cứu và tác động dài hạn của nó. Các bài báo đăng trên tạp chí xếp hạng cao có thể đem lại cho các nhà khoa học sự ghi nhận và vinh danh ngay lập tức cũng như lượng tiền thưởng lớn. Điều này khuyến khích một số nhà khoa học chấp nhận rủi ro và xuất bản các bài báo gian lận với hy vọng không bị ai phát hiện ra.
Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát năm 2013 của chúng tôi, khi 52% người phản hồi cho rằng hệ thống đánh giá hiện nay là nhân tố chủ yếu dẫn đến hành vi sai trái trong nghiên cứu, 72,3% cho rằng động cơ chính để xuất bản bài báo là để thỏa mãn các chỉ tiêu đánh giá khác nhau.
Nguyên nhân khác là các nhà chức trách quá nương tay với một số trường hợp có hành vi sai trái trong nghiên cứu. Ví dụ Chen Jin, một cựu nghiên cứu viên của Đại học Giao thông Thượng Hải sau khi tuyên bố gian dối là đã phát triển một loạt chip máy tính mới đã bị sa thải nhưng không phải chịu biện pháp trừng phạt nào khác; những người liên quan đến vụ việc này cũng không bị kỷ luật. Những trường hợp như vậy khiến cho nhiều nhà khoa học liều lĩnh thực hiện hành vi gian lận. Cuối cùng, nhà nước chưa thực sự có quyết tâm chính trị để xử lý các hành vi sai trái.
Thật vậy, NSFC đã có các quy định về kỷ luật liên quan đến hành vi sai trái trong nghiên cứu – một trong số đó là người vi phạm sẽ không thể nộp hồ sơ xin tài trợ của NSFC trong vòng bảy năm kể từ khi bị phát hiện gian lận. Nhưng chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng giới hạn bảy năm có lẽ là quá nhẹ với một số trường hợp, và có thể sẽ xem xét điều chỉnh lại quy định để có những mức phạt nặng hơn.
***Từ những trường hợp tôi tham gia điều tra, tôi nhận thấy dường như giữa các nhà khoa học Trung Quốc chưa có sự đồng thuận về hành vi sai trái trong nghiên cứu. Tôi tự hỏi đó có phải là do thiếu hẳn sự giáo dục về các chuẩn mực thực hành nghiên cứu hay không?***
Cuộc khảo sát năm 2013 của CAST cho thấy hơn một phần ba người phản hồi không nghĩ là họ hiểu biết có hệ thống về các chuẩn mực thực hành nghiên cứu – tỷ lệ này tăng lên tới hơn 40% ở các nhà nghiên cứu dưới 35 tuổi; gần 10% không biết về các chuẩn mực đó; khoảng một nửa chưa bao giờ được đào tạo về liêm chính học thuật.
Giáo dục thực sự là một vấn đề quan trọng. Khoa học theo đuổi sự thật và phải là thành lũy cuối cùng của liêm chính và trách nhiệm giải trình. Nhà khoa học ở tất cả các cấp cần phải được đào tạo liên tục về những gì tạo nên hành xử khoa học đúng đắn – không chỉ các nguyên tắc cơ bản mà còn là những vấn đề mới nổi.
Chúng tôi đã tổ chức một số hội thảo Mỹ – Trung trong vài năm trở lại đây về liêm chính khoa học và nhận ra một số khác biệt thú vị. Giáo dục ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những chủ đề trắng và đen dựa trên những tình huống trong đời thực. Ở Mỹ, sinh viên được yêu cầu thảo luận về các trường hợp giả định rơi vào vùng xám, sau đó giảng viên giải thích cho họ những gì có thể chấp nhận và những gì tạo nên hành vi sai trái.
***Có những cách nào để bảo vệ liêm chính khoa học ở Trung quốc?***
Chính quyền Trung ương đã nhấn mạnh đến sự phát triển của khoa học và bảo vệ liêm chính khoa học phải được ưu tiên hàng đầu, phải được thể chế hóa ở mọi cấp. Gần như toàn bộ kinh phí nghiên cứu đều từ tiền thuế của dân, nên Quốc hội phải có trách nhiệm với vấn đề này. Phải có được những quy định cụ thể về quy tắc ứng xử trong nghiên cứu ở các bộ, cơ quan tài trợ, trường, viện cũng như các bộ phận chuyên trách – giống như Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ – với ngân sách và nhân viên toàn thời gian để điều tra các trường hợp bị tố cáo. Truyền thông và các tổ chức ở cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng. Điều chủ yếu là sự minh bạch, vì vậy cơ chế giám sát phải được vận hành ở mọi cấp. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất phải được công khai và trừng phạt nghiêm khắc.
NSFC đã có một ủy ban liêm chính khoa học bao gồm các chuyên gia bên ngoài quỹ. Mỗi năm ủy ban nhận được 300 – 400 cáo buộc và kết quả điều tra được thông báo chủ yếu qua các báo cáo nội bộ cho đến thời điểm một năm trước, khi chúng tôi bắt đầu công khai một số hành vi sai phạm nghiêm trọng nhất. Ngoài việc điều tra các cáo buộc, chúng tôi cũng sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn để kiểm tra sự tương đồng giữa những hồ sơ xin tài trợ.”
Shared link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/bao-ve-tinh-liem-chinh-trong-nghien-cuu-o-trung-quoc/
Statistics:
Likes: 103, Shares: 16, Comments: 3
Like Reactions: 96, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0