Duong Tu – 2024-01-22 23:11:33
Xin giới thiệu phần đầu loạt bài viết của chúng tôi về hình thức gian lận học thuật mới vô cùng táo tợn khi các dịch vụ bán bài báo khoa học hối lộ thành viên ban biên tập nhiều tạp chí số tiền hàng ngàn Mỹ kim để phục vụ và tiếp tay cho họ đăng bài. Sự cấu kết này đã tạo ra những băng nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện hành vi gian lận ở quy mô rất lớn.
Hơn một năm trước, chúng tôi từng công bố loạt bài 3 kỳ trên báo Thanh Niên, phản ánh hiện tượng một số nhà khoa học Việt Nam bị nghi mua 9 vị trí tác giả từ một công xưởng bán bài báo rởm ở Nga. Một trong nhiều câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ, đó là làm thế nào mà các bài báo rác của các công xưởng bán bài có thể đăng trót lọt trên các tạp chí quốc tế? Ngoài những lý do như quy trình bình duyệt lỏng lẻo, chuyên gia phản biện và ban biên tập thiếu trách nhiệm, một nguyên nhân gây chấn động vừa được tờ Science tiết lộ trong bài viết mới công bố hôm thứ Năm tuần trước.
Phóng sự điều tra của Science đã vạch trần hoạt động của vài công xưởng bán bài báo rởm và công ty làm dịch vụ đăng bài cùng hàng chục biên tập viên các tạp chí chính thống thông đồng với nhau trong trò hối-lộ-để-đăng-bài. Khoản tiền một số biên tập viên được các dịch vụ bán bài báo hối lộ có khi lên tới 20 ngàn Mỹ kim.
Có những công xưởng bán bài báo rởm còn cài cắm được người vào ban biên tập tạp chí, đồng thời bịa đặt học vị, thậm chí ngụy tạo toàn bộ danh tính của biên tập viên. Đây là thủ đoạn mới của các công ty kinh doanh học thuật nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình đăng bài, từ liên hệ với tạp chí để mở số đặc biệt với biên tập viên là một cái tên giả mạo do họ bịa ra, đến tự tay bình duyệt và chấp nhận công bố bài báo của chính họ.
Trong buổi hội thảo khoa học đầu tiên tại Việt Nam về liêm chính nghiên cứu vừa tổ chức tháng trước, tôi có nhắc đến khái niệm “***băng nhóm mafia học thuật***” bao gồm tác giả, chuyên gia phản biện, biên tập viên, tổng biên tập tạp chí cấu kết với nhau thành hệ thống chuyên đăng bài báo rác rồi bơm thổi trích dẫn cho nhau. Một số người khi đó có lẽ chưa thực sự tin vào sự tồn tại của những băng nhóm tội phạm kiểu này và nghĩ rằng tôi tưởng tượng ra hay nói quá lên.
Bài điều tra của Science chính là minh họa sinh động, cho thấy phần nào hoạt động của mạng lưới, băng nhóm mafia học thuật mà tôi từng cảnh báo – rằng nếu không ý thức được sự tồn tại của của nó, chúng ta sẽ không bao giờ chống được nó để rồi môi trường khoa học sẽ tiếp tục bị tha hóa và lũng đoạn bởi những trò gian lận, lừa đảo ngày càng tinh vi, có tổ chức và táo tợn hơn.
Shared link: https://thanhnien.vn/hoi-lo-de-duoc-cong-bo-cong-trinh-khoa-hoc-kem-chat-luong-185240122193424301.htm
Statistics:
Likes: 113, Shares: 10, Comments: 18
Like Reactions: 92, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 16, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 3, Angry Reactions: 0