Anonymous participant – 2024-01-22 04:52:13
Bài nhiều thông tin của Tia Sáng.
“So với 20 năm trước, khi chúng tôi vận động áp dụng tiêu chí công bố quốc tế, tình hình đã khác nhiều. Bây giờ, sự vi phạm liêm chính khoa học rất đa dạng hình thái”.
“Tạo ra tri thức rác cũng chỉ là một trong số rất nhiều hình thức vi phạm liêm chính. Trong những năm gần đây đã có nhiều bàn tán xôn xao về chuyện “bán bài” nghiên cứu… ở đây có hai hình thức “bán bài” chủ yếu: một là bán “chất xám”, nghĩa là vẫn còn tên của mình trong công bố và ghi thêm địa chỉ của trường/viện nơi “mua bài”; hai là “mua đứt, bán đoạn” và trở thành “tác giả ma” (ghost author).”
“Tình trạng vi phạm liêm chính không chỉ gói gọn ở Việt Nam mà còn liên quan đến những đường dây quốc tế với những mắt xích quan trọng ở nước ngoài, bao gồm những “nhà thầu”, “đầu nậu” rao bán bài báo (theo Science, có những trang của Nga rao bán bài xuất bản trên tạp chí danh tiếng với con số 5.000 USD), những tạp chí “săn mồi”, “ăn thịt” chuyên nhận đăng các bài báo không qua bình duyệt, hoặc nếu có bình duyệt thì chỉ qua loa, đại khái và đòi hỏi mức phí xuất bản rất cao”.
“Vài năm trở lại đây, số lượng bài báo của các nhà khoa học Việt Nam xuất bản trên tạp chí của nhà xuất bản MPDI gia tăng phi mã. “Mặc dù không phải tạp chí nào của MPDI cũng có chất lượng thấp nhưng rõ ràng, với một nhà khoa học nghiêm túc thì việc đăng bài trên tạp chí của một nhà xuất bản tai tiếng cũng là điều không nên”.
“Các chỉ số H-index, hệ số ảnh hưởng, số lượng trích dẫn… được coi là quan trọng để đánh giá nhà khoa học và nghiên cứu của họ nên mới sinh ra sự lạm dụng. “Những chỉ số này từ chỗ là công cụ để đánh giá nghiên cứu đã trở thành mục đích: người ta chạy theo chỉ số trích dẫn, chạy theo số lượng công bố, chứ không đi theo mục đích ban đầu như phụng sự xã hội nữa”.
“Việc chạy theo số lượng bài báo để thêm thành tích hay tăng vị trí trên bảng xếp hạng đại học với công bố từ những công trình kém chất lượng hoặc từ hoạt động “mua bán bài” đã làm méo mó môi trường học thuật và đánh giá học thuật. “Để giành thắng lợi trong cuộc chơi xếp hạng, các cơ sở nghiên cứu cố gắng đạt điểm cao về số liệu, việc đánh giá phụ thuộc vào bảng xếp hạng vào dữ liệu trắc lượng tạo động cơ khuyến khích các nơi này liên kết với các nhà nghiên cứu nổi tiếng chủ yếu làm việc ở nơi khác.”
“Việt Nam bây giờ khó lắm, quyền lợi nó chằng chịt, có khách quan đâu. Quyền lợi của nhà khoa học, quyền lợi của nhà quản lý đan xen với nhau ở đó, nhiều vấn đề lắm”.
“Hơn 20 năm trước, những nhà khoa học tiến bộ với sự ủng hộ của các gương mặt đầu ngành như GS. Hoàng Tụy, GS. Phạm Duy Hiển, GS. Nguyễn Văn Chiển… đã thúc đẩy một cuộc vận động đổi mới khoa học Việt Nam, đặt ra một lằn ranh phân định giữa cơ chế quản lý cũ và mới, giữa môi trường khoa học chỉ tuân theo những tiêu chí của riêng mình và môi trường hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Giờ đây, có lẽ, trước khi có được một hệ thống chính sách như kỳ vọng, người ta chỉ còn biết đặt niềm tin vào những con người như thế, trong cuộc đấu tranh bảo vệ liêm chính ở Việt Nam.”
Shared link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/xay-dung-van-hoa-liem-chinh-mot-nan-de-cua-khoa-hoc-viet-nam/
Statistics:
Likes: 39, Shares: 2, Comments: 0
Like Reactions: 35, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0