Lê Ngọc Khả Nhi – 2024-01-02 17:34:28
Giá trị của công bố khoa học trong ngành Y
Thân chào anh chị em đồng nghiệp. Đây là một bài nữa nối tiếp chuỗi bài viết nhằm xây dựng một thái độ tích cực và lành mạnh trong nghiên cứu khoa học (NCKH), góp phần đề kháng với những vấn đề tiêu cực.
Thời gian qua đã phát sinh nhiều tranh luận về giá trị của bài báo KH. Nhiều từ ngữ nặng nề được gọi tên – như “tri thức rác”, “bài báo rác”, “nghiên cứu kiểu dễ”, “nghiên cứu bài tập sinh viên”… Nhưng không có tiêu chí chính xác hay sự đồng thuận nào cho việc phán xét một bài báo có phải là rác hay không, vì vậy cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc. Ta có thể đo lường năng lực của nhà KH đơn giản bằng các chỉ số sản lượng – nhưng khi những chỉ số này tăng trưởng một cách bất thường và phi lý, giá trị liền bị đảo lộn. Dùng thứ hạng và danh hiệu của tờ báo, nhà xuất bản thì có vẻ hợp lý và đơn giản, nhưng chỉ có ý nghĩa tương đối, vì không thuyết phục được người trong nghề, bất cứ ai đều có thể dễ dàng tìm thấy những phản chứng chống lại cách đánh giá này.
Nếu chúng ta tạm bỏ qua tất cả những yếu tố nhiễu loạn do chính con người tạo ra làm vẩn đục môi trường học thuật, ta sẽ có cơ hội tìm về bản tính chân thực và giản dị của việc công bố khoa học, nhận ra rằng không quá khó để đánh giá phẩm chất của bài báo khoa học (từ bây giờ, Nhi xin phép được giới hạn trong phạm vi ngành y khoa và nghiên cứu y học).
Nhi nhiều lần nói về thái độ làm việc thuận theo tự nhiên, điều này có ý nghĩa gì ? Quá trình tiến hóa của Y học chính nhờ vòng tuần hoàn giữa thực tiễn và NCKH. Một cách đơn giản, có một con đường tự nhiên dẫn từ thực tiễn đến nghiên cứu và ngược lại, ứng dụng kết quả nghiên cứu tạo ra sự thay đổi quy trình thực hành lâm sàng. Công bố khoa học có giá trị cao là những công trình trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến giải pháp cho vấn đề lâm sàng – bao gồm công nghệ chẩn đoán mới, phát hiện cơ chế bệnh lý mới, mục tiêu trị liệu mới, chứng cứ về phác đồ can thiệp mới hiệu quả hơn …
Hiển nhiên, không phải người bác sĩ giỏi nào cũng đồng thời là nhà khoa học giỏi, và không phải ai cũng có thể mỗi ngày phát minh ra ngay tức thì một phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng xuất phát điểm của một nghiên cứu y học tốt chắc chắn vì lợi ích của người bệnh. Nghiên cứu tốt được khởi sinh bằng thái độ tự nguyện, chủ động và hứng khởi, với động lực nhằm giải quyết những vấn đề mình thực sự trải nghiệm trên lâm sàng; tìm câu trả lời cho những giả thuyết/câu hỏi của bản thân từ thực tiễn.
Ngược lại, những bài báo được tạo ra chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của bản thân, lặp lại một cách vô nghĩa những kết quả đã được thiết lập, những đề tài vô vị – ngay từ xuất phát điểm đã không có giá trị nào hữu ích cho thực tiễn.
Thực tiễn là nguồn tài nguyên vô tận cho ý tưởng nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu tốt sinh ra từ sự nhạy cảm khoa học – một trong những tố chất của một bác sĩ làm khoa học giỏi. Anh chị ta biết đặt câu hỏi xác đáng cho một hiện tượng; nhận ra những vấn đề/bất cập/trở ngại trong công việc chuyên môn mà người khác không quan tâm; có khả năngđặt ra những giả thuyết khoa học tốt; xác định được chính xác đối tượng cần nghiên cứu… Anh chị ta lại có khả năng phân tích toàn diện cấu trúc vấn đề, lập kế hoạch dài hạn để giải quyết từng bộ phận nhỏ bên trong; chuyển mỗi bộ phận thành hệ thống mục tiêu nghiên cứu, từ đó thiết lập được học thuyết, lộ trình chuyên biệt và nhất quán cho sự nghiệp khoa học của bản thân, và của nhóm nghiên cứu.
Trái lại, một tác giả chỉ tiếp cận ở bề mặt, thiếu chiều sâu, hoặc chạy theo số lượng, nghiên cứu loạn xạ không có một lộ trình hay học thuyết nào rõ ràng trong sự nghiệp thì chỉ có thể tạo ra hàng loạt bài báo tầm thường và không thể là nhà khoa học giỏi.
Người ta thường đặt ra những tiêu chí về phẩm chất của thiết kế nghiên cứu, dữ liệu … để đánh giá một bài báo. Thậm chí chúng trở thành tiêu chuẩn cứng để chọn lọc bài ở một số ban biên tập. Tuy nhiên, Nhi có một cái nhìn tương đối mở về những tiêu chí này, và từng có bài viết giải thích về ý nghĩa tương đối và độc lập của thiết kế thí nghiệm, của cỡ mẫu, tính đồng nhất trong quần thể, cách thức thu thập dữ liệu, tiến trình theo dõi và yếu tố thời gian, mục tiêu của phân tích thống kê…. Tự thân những yếu tố này không quyết định tuyệt đối giá trị của nghiên cứu. Một nghiên cứu RCT chưa chắc đã có ích lợi và tốt hơn một nghiên cứu quan sát thực nghiệm.
Tên tuổi của một tờ báo hay nhà xuất bản cũng không có ý nghĩa thực sự quan trọng. Ít người nhận ra rằng một trong những công năng của bài báo khoa học – là chúng phải thú vị và làm cho người đọc cảm thấy thích thú, hào hứng. Không hiếm bài báo trên những tờ báo y học danh tiếng đọc rất chán. Nhưng một người có thể thích thú vì đọc một bài báo của nhà xuất bản MDPI. Điều này hoàn toàn có thực.
Một bài báo trở nên thú vị khi nó mang lại cảm giác mới lạ, độc đáo cho người đọc. Ngay cả những tờ báo danh tiếng, cũng không thể đăng toàn một đề tài trong cùng một số báo, nhưng phải chủ động sắp xếp để nội dung đa dạng, phong phú, nhiều chuyên đề, bệnh lý khác nhau, cấp độ khác nhau (sinh lý học phân tử, lâm sàng, can thiệp ngoại khoa/nội khoa, chẩn đoán hình ảnh…), nhiều thiết kế nghiên cứu khác nhau. Có khi một bản thảo được nhận chỉ vì tính độc đáo của phương pháp tiếp cận mới – ví dụ như machine learning.
Cùng một vấn đề, nhưng có thể tiếp cận theo nhiều cách thức khác nhau. Một bài báo khoa học hay không bắt buộc phải khai phá một vấn đề hoàn toàn mới, đưa ra một thông điệp mới, nhưng có thể là sự tiếp cận cùng vấn đề đó nhưng theo nhiều cấp độ khác nhau, với giải pháp mới lạ, độc đáo. Giống như sự khúc xạ ánh sáng vậy.
Trái lại, một nhà nghiên cứu không có khả năng làm mới cho công trình của mình, nhưng đi theo lối mòn, dùng mãi cùng một phương pháp đo lường, cùng một đối tượng nghiên cứu, cùng kế hoạch phân tích …, sẽ dừng bước ở một giới hạn nào đó.
Có lần Nhi than phiền với thầy của mình về tiêu chí ngày càng khó khăn để có thể đăng được bài trên báo danh tiếng. Thầy chỉ cười và nói rằng mỗi người nên thành thực với bản thân và với đồng nghiệp. Nếu khả năng và điều kiện nghiên cứu của mình đến đâu, thì mình làm ra sản phẩm đến đó, làm mọi thứ một cách đúng mực và tốt nhất có thể. Và sự tương xứng, đúng mực không bao giờ là xấu. Mọi thứ chỉ tồi tệ khi người ta ở một đẳng cấp thấp nhưng lại dùng thủ đoạn và sự gian lận để ngụy tạo ra một kết quả trái với sự thực, chỉ để được chen chân vào một vị trí nào đó bất xứng.
Statistics:
Likes: 103, Shares: 10, Comments: 16
Like Reactions: 84, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 18, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0