Lê Ngọc Khả Nhi – 2023-12-29 11:38:08
Sự phân hóa trong nghiên cứu khoa học : gốc rễ của mọi vấn đề
Chào anh chị em. Đây là một bài tiếp nối chuỗi bài mà Nhi từng viết, với mục tiêu chia sẻ một số suy nghĩ tích cực, nhân văn và mang tinh thần xây dựng, từ đó tạo nên một không khí thân thiện và lành mạnh trong nhóm; dung hòa cho những thông tin tiêu cực khác.
Do Nhi là bác sĩ, nên những gì Nhi chia sẻ trong bài này có thể chỉ phù hợp với Y học, nhưng nếu nó áp dụng được cho những lĩnh vực khác, cũng là điều đáng quan tâm.
Là một người trăn trở về nền y học hàn lâm, và số phận của những bạn bè đồng nghiệp trong ngành y khoa ở quê hương mình, sau 12 năm đồng hành với họ – Nhi nhìn thấy có sự phân hóa nghiêm trọng trong hoạt động nghiên cứu, và chính sự phân hóa này là gốc rễ sinh ra tất cả những vấn nạn và hệ lụy khác mà chúng ta đang phải chịu đựng.
Đầu tiên là phân hóa về kiến thức, kỹ năng và trình độ nghiên cứu, giữa ngành y khoa và các ngành khoa học kỹ thuật khác. Có một nghịch lý, là ở đầu vào tuyển sinh, sinh viên y khoa nằm trong nhóm có năng lực trí tuệ và lý luận tốt nhất – những người giỏi nhất trong số những học sinh giỏi. Tuy nhiên, sau 6 năm học ở trường đại học, sản phẩm đầu ra lại có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học thấp kém đến mức đáng lo ngại. Sự nhạy cảm khoa học, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích vấn đề, khả năng lập luận, sáng tạo, diễn đạt và truyền thông khoa học, kiến thức và kỹ năng về thống kê … của bác sĩ, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành Y thấp hơn rất nhiều so với ngành kinh tế, kỹ thuật và cả một số ngành khoa học xã hội.
Sự phân hóa trình độ không chỉ giữa ngành y khoa và chuyên ngành khác, mà còn tồn tại giữa thế hệ người đi trước và thế hệ trẻ. Ngoài phân hóa về trình độ, còn có phân hóa về nguồn lực, môi trường làm khoa học giữa các bệnh viện, trường đại học, giữa khu vực công và tư, giữa các phe nhóm và cá nhân trong cùng ngành y với nhau.
Không phải tự nhiên mà bác sĩ ở các tỉnh phía Nam và cả ở TP.HCM không chọn học nghiên cứu sinh gần nhà, nhưng phải chạy ra Huế, Hà Nội để học. Trong khi các bệnh viện tư, đại học tư dư dả tài chính và nguồn lực cho nghiên cứu lâm sàng, thì việc nghiên cứu ở bệnh viện công là một con đường gian khổ. Sự hợp tác nghiên cứu đa trung tâm gần như không tồn tại, bởi vì mỗi nhóm nghiên cứu là một bộ lạc riêng biệt, họ cạnh tranh với nhau. Những ai có mạng lưới quan hệ với ngoại lực nước ngoài sẽ có ưu thế hơn và không bao giờ chia sẻ với đối thủ. Ở một số chuyên khoa, hiệp hội chuyên môn chia hẳn ra hai nhóm cho 2 miền Nam Bắc.
Sự phân hóa dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hại.
Trong khi một số ít cá nhân và mạng lưới ở tầng lớp trên trong hệ thống tự hào về thành quả của mình, sự phân hóa tạo ra tâm lý tiêu cực, chán nản và bi quan ở những người yếu thế. Đối với hầu hết bác sĩ, nghiên cứu khoa học là một thứ gì xa xỉ, không đáng quan tâm. Ưu tiên trong sự nghiệp phải là sống còn trước đã, với thu nhập ít ỏi như ta đều biết. Người ta chỉ đi học nghiên cứu sinh khi đã ngoài 40 tuổi, để hợp thức hóa một bước tiến nào đó trong sự nghiệp – không phải vì đam mê nghiên cứu khoa học. Sau đó, hiếm người tiếp tục làm nghiên cứu sau khi đã có học vị. Khi bắt tay vào làm nghiên cứu, bác sĩ phải chịu đủ rào cản, đôi khi từ chính nội bộ bệnh viện. Nhiều bệnh viện không hề có chuyên viên thống kê để hỗ trợ cho đồng nghiệp. Không ít hoàn cảnh nghiên cứu sinh phải tự bơi trong vấn đề và trở ngại kỹ thuật trong khi giáo viên hướng dẫn chỉ có vai trò trên danh nghĩa.
Phân hóa tạo ra mâu thuẫn cạnh tranh không lành mạnh giữa tổ chức và tổ chức, đại học này với đại học khác, cá nhân và cá nhân, thậm chí trong chính nội bộ một khoa cùng bệnh viện, cùng bộ môn, cùng trường đại học. Thiếu sự chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong giới khoa học.
Khi chênh lệch quá xa về trình độ, không có sự hỗ trợ hay quan tâm, tất nhiên những người yếu hơn sẽ phải chọn dùng tiểu xảo, thực hiện những hành vi gian lận – chỉ để sinh tồn và được chia phần lợi ích. Khi không đủ khả năng làm khoa học nghiêm túc, người ta chọn con đường dễ, đơn giản mà đi, đi theo lối mòn, lặp lại những gì y giới nước ngoài đã làm, chọn những đề tài vô vị, những tạp chí kém phẩm chất, chạy theo số lượng, cắt nhỏ đề tài, nhân bản bài báo. Sinh viên thì sao chép lại khuôn mẫu luận văn, tiếp nối cách làm sai, dở như một vòng lặp bất tận. Tệ hơn nữa, là thuê người khác học hộ, làm hộ luận án cho mình, mua bán bài báo, đạo văn và ngụy tạo dữ liệu.
Phân hóa và bất công tạo ra xung đột và mâu thuẫn… Chỉ cách đây khoảng 10 năm đã có hẳn sự thù nghịch và đối đầu giữa thế hệ tiền bối và những bạn trẻ có trình độ – tiếp cận được với giáo dục đại học nước ngoài. Người ta làm hẳn một trang web “Giáo sư dỏm” để chế giễu những thế hệ đi trước vốn dựng sự nghiệp trên nền tảng kinh nghiệm lâm sàng hơn là nghiên cứu khoa học. Ngược lại, từng có thời mà những ý tưởng nghiên cứu sáng tạo, những phương pháp mới bị vùi dập bởi hội đồng chấm luận văn với tư duy bảo thủ và lạc hậu. Đến mức học viên nghiên cứu sinh phải chọn giải pháp an toàn, hạ thấp trình độ của quyển luận văn xuống theo một khuôn mẫu nào đó.
Nhưng dần dần theo thời gian, khi sự phân hóa trình độ bị thu hẹp, thì trình độ chung của bài báo y học bắt đầu tiệm cận với thế giới, phẩm chất luận văn tốt hơn, các tiêu chí về hiệu suất công bố quốc tế được thừa nhận và đầu tư…
Nhưng bất mãn và mâu thuẫn vẫn còn tồn tại … Hàng năm cứ đến mùa xét công nhận học hàm GS, PGS thì giang hồ lai nổi phong ba bão táp, với những đơn thư tố cáo nhân vật này, kia. Nó như phần nổi của tảng băng, như núi lửa phun trào. Nhưng còn tầng mâu thuẫn, bất mãn ngầm bên dưới còn to lớn đến mức nào ?
Nhi tin rằng nếu có thể giải quyết từ gốc rễ, nâng cao trình độ nghiên cứu của sinh viên, phục hưng được nền tảng của y học hàn lâm, tạo dựng được không khí hợp tác lành mạnh trong y giới, cải thiện được cuộc sống y bác sĩ, phân chia công bằng hơn nguồn lực cho nghiên cứu… thì sự phân hóa sẽ giảm, và hàng loạt vấn đề khác sẽ tự nhiên được giải quyết, thay vì chỉ tập trung chữa cho phần ngọn.
Mong lắm thay !
Statistics:
Likes: 78, Shares: 7, Comments: 9
Like Reactions: 61, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 8, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0