Minh Dang Doan – 2023-12-25 07:49:45
Trong các bài viết liên quan đến vấn đề Liêm chính khoa học gần đây, GS Phung Ho Hai có phát biểu ý này:
“Tuy nhiên, để có được môi trường nghiên cứu khoa học liêm chính trước tiên là phải làm sao để nhà khoa học có được mức lương đủ để yên tâm làm việc. Tiếp theo, việc tài trợ và triển khai nghiên cứu khoa học phải được thực hiện trên những tiêu chí thực chất, hội đồng xét duyệt, đánh giá cần được quốc tế hóa ở mức cao. Cuối cùng mới là các hình thức xử lý sai phạm, các quy định, quy chế rõ ràng về liêm chính trong nghiên cứu.”
https://thanhnien.vn/trung-thuc-trong-khoa-hoc-la-tieu-chi-toi-quan-trong-185231221010730709.htm
“Ông Hải phân tích thêm: “Tại sao nhà khoa học lại vi phạm liêm chính. Hoàn cảnh tạo ra, thì bây giờ phải thay đổi hoàn cảnh. Như chống tham nhũng, đầu tiên phải là không cần, không muốn, không dám, không thể tham nhũng. Giờ với khoa học cũng thế, phải tạo cơ chế để làm sao nhà khoa học không cần, không muốn, không dám, không thể gian dối. Mà cái gốc là không cần. Nghĩa là nhà khoa học phải đủ ăn đã”.”
https://thanhnien.vn/liem-chinh-nghien-cuu-khoa-hoc-da-den-luc-co-quan-quan-ly-phai-vao-cuoc-185231219231549534.htm
Tôi muốn phân tích thêm từ gợi ý này, tóm tắt như hình chụp bảng đính kèm. Dưới đây tôi diễn giải bằng lời cho dễ hiểu.
Chúng ta có thể nghĩ đến 4 mức ngăn ngừa người ta vi phạm liêm chính như GS Hải dẫn lại từ cách chống tham nhũng, với kỳ vọng là nếu làm người ta thấy “không cần” thì ngăn được 90% ý muốn vi phạm, tiếp đó là để người ta thấy “không muốn” thì giảm thêm 9%, “không dám” giúp giảm 0.9% và “không thể” xóa nốt 0.1% còn lại. Các con số ở đây là ước tính, sự chênh lệch giữa chúng thể hiện mức độ tác động khác nhau. Cột thứ ba giải thích sự chênh lệch: khi nhu cầu càng cơ bản không được đáp ứng thì người ta càng có nhiều khả năng vi phạm. Do vậy ưu tiên lớn nhất cần là đáp ứng nhu cầu an toàn cuộc sống tối thiểu, như GS Hải phát biểu là “phải đủ ăn đã”, đáp ứng được điều đó thì đã có phần lớn thấy không cần gian dối.
Tôi nghĩ các nỗ lực để đề phòng vi phạm liêm chính nên tập trung vào hai dòng đầu, làm người ta “không cần” và “không muốn” vi phạm, để đạt hiệu quả cao (giảm được phần lớn ý định gian dối). Chuyện đảm bảo được cho nhà khoa học chỉ cần làm việc nghiêm túc đàng hoàng cũng đủ ăn, có lẽ cũng không có nhiều giải pháp để tìm kiếm. Điểm nghẽn là tổng tiền đầu tư cho khoa học ở Việt Nam bị hạn chế, cái bánh chia cho càng nhiều người thì trung bình mỗi người càng được ít. Tất nhiên vẫn còn tồn tại cả vấn đề chia không công bằng, có những nhóm được chia nhiều hơn hẳn và chèn ép nhóm khác để giành phần hơn, chuyện này cũng cần được giải quyết để duy trì niềm tin cho những người hoạt động khoa học (nếu họ mất niềm tin về sự công bằng, thì khó hy vọng họ có tinh thần hợp tác vì lợi ích chung).
Đối với mục đích đảm bảo cho các nhà khoa học “đủ ăn”, tôi nghĩ hướng đi bắt buộc là cần tăng nguồn tiền đầu tư cho khoa học. Để đất nước phát triển thì cần có lực lượng làm khoa học đông và mạnh nhằm giải quyết các vấn đề khó, nên không thể làm lực lượng đó teo lại mà vẫn cần tăng số lượng người làm khoa học. Như vậy để “miếng bánh” có thể lớn hơn thì khoa học Việt Nam cần nhận được nguồn tiền đầu tư nhiều lên. Việc làm khoa học cũng sẽ cần góp phần làm tăng nguồn tiền đó, tức là “khoa học đẻ ra tiền” sẽ trở thành một mục tiêu cần hướng đến, đặc biệt đối với những lĩnh vực khoa học ứng dụng.
Tôi dành nhiều sự quan tâm vào dòng thứ hai trong bảng, với suy nghĩ rằng ở đó có nhiều dư địa để giải quyết. Các thảo luận diễn ra ở diễn đàn Liêm Chính Khoa Học, kể ra cũng khó tác động được vào vấn đề nêu ở dòng thứ nhất (đảm bảo cuộc sống cho các nhà khoa học), nên hiệu quả nhất thì là để tác động vào dòng thứ hai (làm cho người ta không muốn gian dối). Ở đây ta gặp mâu thuẫn liên quan đến lợi ích của phương pháp dùng “phần thưởng” để tăng hiệu quả hoạt động: chúng ta dùng “phần thưởng” ở khắp nơi với mục đích làm tăng năng suất, tăng chất lượng công việc của đội ngũ, trong khoa học Việt Nam thì có các loại phần thưởng phổ biến như: thưởng cho sản phẩm khoa học (các trường thưởng nhân viên dựa trên bài báo khoa học, bằng sáng chế), thăng cấp với nhiều quyền lợi (nếu ai được thăng làm PGS, GS thì có ngạch bậc lương cao hơn nhiều), thưởng các danh hiệu để tôn vinh những người xuất sắc. Giá trị của phần thưởng càng lớn thì mặt tích cực là càng kích thích động lực làm việc, mặt tiêu cực là càng làm nhiều người muốn gian dối để giành những phần thưởng đó.
Giải pháp cần có khi sử dụng các loại phần thưởng (nhằm kích thích phấn đấu) là quan tâm kỹ đến việc đánh giá để thưởng đúng người, đúng sự việc. Nói cụ thể, thì việc hoàn thiện cơ chế xét GS/PGS, hay xây dựng cơ chế đánh giá cẩn thận công trình khoa học (như khi các trường làm chính sách thưởng đối với bài báo khoa học) là cần thiết.
Hướng tiếp cận “loại bỏ phần thưởng” cũng không tồi, ít nhất là những loại phần thưởng dễ bị thao túng, dễ làm thành tích giả, hoặc cơ chế xét trao quá dễ dãi. Kinh nghiệm ở một số nước khác cho thấy họ cũng gặp vấn đề khi dùng phần thưởng để kích thích làm việc, một số nơi đã bỏ chuyện thưởng cho bài báo khoa học (hoặc chỉ thưởng rất hạn chế cho những công trình xuất sắc), một cách làm khác là thay vì dùng phần thưởng thì họ dùng cơ chế phạt để đảm bảo chất lượng: các giáo sư tập sự nếu không chứng tỏ được năng lực làm nghiên cứu tốt thì có thể mất việc, giáo sư không duy trì được năng suất khoa học cao thì lab bị cắt giảm nguồn tiền đầu tư, giáo sư làm bậy (như đạo văn, hoặc bán bài cho trường bên ngoài) thì mất việc.
Rào cản đối với việc loại bỏ phần thưởng là lối nghĩ rằng “cần dùng tác động từ bên ngoài để kích thích người ta làm việc tốt hơn”. Giống như thuốc phiện tạo nên con nghiện, dần dần tạo cho người ta tâm lý là đợi có phần thưởng thì mới nỗ lực làm việc, chẳng hạn cái tư tưởng “trường tôi không yêu cầu làm nghiên cứu, viết bài báo không có thưởng thì thôi tôi chẳng làm nghiên cứu”. Tác động từ bên ngoài nên được nhìn nhận là chỉ tạm thời, khó có hiệu ứng bền vững bằng tác động do chuyển biến từ bên trong. Như anh Duong Tu có phát biểu trong hội thảo về liêm chính khoa học mới đây: các nhà khoa học cần coi trọng niềm vui trong nghiên cứu, khám phá tri thức mới, cần tự thấy trách nhiệm tạo cảm hứng sáng tạo cho xã hội, là đi vào vun đắp động lực bên trong những nhà khoa học. Nói một cách hình tượng, họ nên là những đại sứ cho khoa học chứ không chỉ đơn thuần là người làm nghề khoa học. Một bài mới đây của Lê Ngọc Khả Nhi cũng bàn về vai trò của yếu tố bên trong: động lực, và thậm chí sự tham lam được kích thích từ những yếu tố bên ngoài, kết quả cuối cùng như thế nào là tùy thuộc thái độ, lựa chọn do phẩm chất bên trong quyết định (https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/1060354555211376/).
Một gợi ý cho việc bồi dưỡng sự trưởng thành ở bên trong các nhà khoa học là xây dựng hệ giá trị đạo đức, vun đắp lòng tự tôn và tự trọng của một người được (có điều kiện) làm khoa học. Nói thế không phải là phủ nhận chuyện nên có những quy định về một số điểm thuận lợi để luật hóa, mà là tôi muốn bàn về hướng giải pháp bổ sung đối với khía cạnh khác. Một trạng thái lý tưởng là người ta tự nhìn nhận việc làm khoa học bình thường và đàng hoàng như một loại phần thưởng, giúp họ duy trì động lực làm khoa học. Trạng thái lý tưởng này khó đạt được khi xã hội còn đầy rẫy những vấn nạn về giá trị. Dù sao, nếu chúng ta giải quyết xong chuyện đáp ứng nhu cầu cơ bản thì đây cũng nên là mục tiêu hướng đến tiếp theo, chí ít thì nó cũng giúp có thêm nhiều nhà khoa học an tâm (với ý thức rõ ràng) về ý nghĩa của mình trong xã hội.
Shared link: https://thanhnien.vn/trung-thuc-trong-khoa-hoc-la-tieu-chi-toi-quan-trong-185231221010730709.htm
Statistics:
Likes: 104, Shares: 6, Comments: 33
Like Reactions: 94, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 9, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0