Lê Ngọc Khả Nhi – 2023-12-23 13:44:29
Động lực – Tham vọng và Tham lam trong nghiên cứu khoa học
Động lực : như ý nghĩa của từ này, đây là một nguồn năng lượng, sức mạnh nội tại thúc đẩy nhà khoa học hành động (học tập, nghiên cứu và chia sẻ tri thức), để đạt được một mục tiêu hay nhiệm vụ.
Tuy hiện hữu và hoạt động bên trong chủ thể, nguồn gốc của động lực luôn là một yếu tố nằm bên ngoài – thường là một niềm đam mê với một lĩnh vực khoa học, một mục tiêu hay mơ ước, khao khát kiến thức… Trong nghiên cứu khoa học, động lực có nhiều hình thức, tương ứng với mục tiêu và yếu tố rất cụ thể đã khởi sinh ra nó. Ví dụ, một bác sĩ A theo đuổi một hướng nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề lâm sàng cứu giúp cho người bệnh, một bác sĩ B khác đặt ra mục tiêu xin được học bổng Tiến sĩ tại một trường đại học y khoa danh tiếng của Hoa Kỳ, một bác sĩ C khác cố gắng tự học thống kê để có thể lặp lại thành công một phương pháp, vẽ được biểu đồ đẹp như trong một bài báo nào đó, một bác sĩ D phấn đấu để công bố được trên một tờ báo danh tiếng, hoặc công bố nhiều bài báo để được nhận học hàm Giáo sư.
Động lực thường có ý nghĩa tích cực, nó thúc đẩy sự phát triển kiến thức, kỹ năng, sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ, đổi mới của xã hội. Cũng giống như năng lượng, nó có thể bị đốt cháy hết và cần bổ sung thường xuyên. Động lực không chỉ là nguồn năng lượng riêng lẻ cho từng cá nhân mà còn là nguồn cảm hứng chung cho cộng đồng.
Động lực duy trì được ý nghĩa tích cực khi nó tìm được sự cân bằng giữa mục tiêu cá nhân và lợi ích chung. Điều này đòi hỏi một nhà khoa học phải luôn ý thức về lợi ích chung của công việc nghiên cứu của mình. Nếu động lực không được điều tiết hay mục tiêu quá cao, phi thực tế, nó có thể dẫn đến áp lực tâm lý, có hại cho sức khỏe nhà khoa học.
Tham vọng cũng là một yếu tố nội tại khác, nhưng nó có ý nghĩa như một thái độ hoặc sự lựa chọn chủ động của chủ thể – khao khát đạt được thành tựu và sự công nhận trong sự nghiệp.
So với động lực, tham vọng có bản chất đơn giản hơn nhiều – bởi vì nó chỉ tập trung vào thành công cá nhân, và thành công trong cuộc đời nhà khoa học chỉ xoay quanh 3 yếu tố : Danh vọng, Tiền bạc và Quyền lực.
Dù hầu hết trường hợp, bộ ba này tương quan với nhau, ví dụ trong giới hàn lâm, chức danh Giáo sư gắn với quyền lợi về vật chất và danh tiếng ; tuy nhiên nhiều người xác định rất chuyên biệt một mục tiêu – họ có thể không quan tâm đến vật chất hay tiền bạc nhưng đặc biệt mưu cầu danh vọng, thậm chí có thể hy sinh tài sản cá nhân để đạt danh tiếng. Có người làm khoa học hoàn toàn để kiếm sống và có tiền, không cần danh tiếng, thậm chí có thể viết bài báo đem bán, xây dựng sự nghiệp cho người khác mà không cần đứng tên tác giả, phát ngôn và công bố có lợi cho tổ chức nào đó đổi lại quyền lợi vật chất như cổ phiếu hoặc thù lao. Có người chỉ đầu tư vừa đủ, dùng khoa học để đạt đến mục tiêu quyền lực và khi thành công, an toàn ở chức vụ đó thì họ ngừng không làm nghiên cứu nữa.
Tham lam là một sự biến chất
Tham lam cũng là một thái độ, một hình thái biến chất và cực đoan của tham vọng, khi mục tiêu cá nhân trở thành tối thượng và làm lu mờ mọi giá trị khác. Nó luôn mang ý nghĩa tiêu cực.
Trong bối cảnh khoa học, tham lam là thái độ và hành vi theo đuổi lợi ích cá nhân một cách quá đáng. Một mong muốn quá mức, thái độ không hài lòng với những gì hiện có nhưng luôn muốn có thêm, tích lũy thật nhiều lợi ích trong bộ ba Danh, lợi, quyền nói trên.
Đối với người tham lam, không có giới hạn của định nghĩa thành công. Về vật chất, họ tích lũy tài sản nhiều nhất có thể, về danh vọng – họ khao khát danh hiệu, được công chúng chú ý, tâm điểm của truyền thông, về quyền lực họ không hài lòng với một vị trí nào quá lâu, nhưng luôn muốn chức danh cao hơn nữa, cao nhất có thể. Khi có quyền lực rồi, họ không chia sẻ và có thể trỡ nên độc tài.
Tham vọng có thể tích cực hay tiêu cực, khi tham vọng của một người giữ được cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung thì vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên ranh giới giữa tham vọng và tham lam rất mờ nhạt.
Cùng một hiện tượng, đôi khi rất khó phân biệt được bản chất của nó. Ví dụ, hiện tượng một nhà khoa học B công bố quá nhiều bài báo trong một thời gian ngắn – có thể là hệ quả của một động lực to lớn (một cái máy nạp đầy năng lượng, chạy hết công suất), nhưng cũng có thể là biểu hiện của tham vọng đơn giản của một người trong cuộc chạy đua nước rút đến chức danh hay quyền lợi nào đó, hoặc tệ hơn, là triệu chứng của quá trình biến chất của anh/chị ta trở thành một kẻ tham lam.
Việc phân định rõ giữa yếu tố bên ngoài (nguồn gốc phát sinh động lực), và thái độ/lựa chọn chủ động của chủ thể là một điều quan trọng trong vấn đề liêm chính khoa học. Sự tồn tại của các chỉ số trắc lượng khoa học, các tạp chí OA, các bảng xếp hạng đại học, … đều là yếu tố bên ngoài, chúng không quyết định thái độ hay hành vi của chủ thể. Ý tưởng nếu loại bỏ được tất cả những yếu tố gây cám dỗ này có thể làm nhà khoa học chính trực hơn là quá đơn giản và ngây thơ, đôi khi lại triệt tiêu chính động lực của sự tiến bộ. Trong khi ba yếu tố Danh lợi, quyền lực và vật chất thì luôn tồn tại trong cuộc đời này.
Khi vượt qua ranh giới này, chỉ có lợi ích cá nhân tồn tại, bất chấp mọi hệ quả cho lợi ích chung của khoa học và cộng đồng xã hội. Khi tham lam chiếm lĩnh tâm trí, mục tiêu của nhà khoa học sẽ không còn là đóng góp cho khoa học mà trở thành việc đạt được lợi ích cá nhân bằng mọi giá. Tham vọng cực đoan dẫn đến hành vi xấu như ghen tị với đồng nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, ăn cắp ý tưởng, gian lận, ngụy tạo dữ liệu…
Tóm lại tham vọng trở nên xấu khi nó chỉ tập trung vào thành công cá nhân mà bỏ qua đạo đức nghề nghiệp và lợi ích cộng đồng. Một nền khoa học có quá nhiều người tham lam không thể phát triển lành mạnh được và sẽ tự hủy hoại chính nó.
Kết luận, trong khoa học, động lực, tham vọng, và tham lam là ba khái niệm với các đặc điểm và hậu quả rất khác nhau. Mỗi khái niệm trên đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý cá nhân của nhà khoa học và cả cộng đồng xã hội. Việc hiểu rõ và quản lý động lực, tham vọng, và tham lam là vô cùng quan trọng.
Động lực và tham vọng, khi được điều chỉnh và hướng dẫn đúng đắn, có thể tạo ra những đột phá lớn và thúc đẩy sự tiến bộ. Ngược lại, tham lam thường gây ra hậu quả tiêu cực, làm giảm niềm tin vào khoa học và gây tổn thương cho cộng đồng.
Để chuyển hóa từ các ý nghĩa tiêu cực sang tích cực, nhà khoa học cần phát triển ý thức tự chủ, đạo đức nghề nghiệp, và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm đối với cộng đồng.
Statistics:
Likes: 51, Shares: 7, Comments: 0
Like Reactions: 39, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 8, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0