Anonymous participant – 2023-12-20 09:43:53
Sau khi đọc các bài viết giá trị trên diễn đàn LCKH và báo chí, tôi nhận ra các bác trên diễn đàn, các phóng viên báo chí làm việc vất vả quá. Các bác muốn xây dựng nền khoa học phát triển trong sạch, bền vững thì tất nhiên phải phát hiện, xử lý các hành vi thiếu liêm chính trong hoạt động khoa học, đồng thời góp ý xây dựng chính sách khoa học phù hợp, hiệu quả đảm bảo đời sống cho các nhà khoa học. Các việc làm sai trái trong hoạt động khoa học được phản ánh trên đây rất đa dạng được các bác gọi chung là vi phạm liêm chính khoa học. Một số bác trên diễn đàn cho là không có quy định xử lý các vi phạm này là do chuyên ngành các bác không phải là ngành luật. Tất cả các hành vi sai trái được phản ánh trên diễn đàn đều có thể xử lý căn cứ theo các quy định của bộ giáo dục đào tạo, bộ khoa học công nghệ, nghị định chính phủ, bộ luật hình sự, luật phòng chống tham nhũng do Quốc hội ban hành, (nếu là đảng viên bị xử lý theo quy định của Đảng):
1) Khai khống, nâng giá hoá chất, máy móc thí nghiệm, sử dụng 1 bài báo khoa học (1 sản phẩm khoa học) nhận tiền từ nhiều nơi, …, là hành vi tham nhũng trong hoạt động khoa học-công nghệ.
2) Sử dụng tiền ngân sách hoặc từ đơn vị sự nghiệp nộp phí xuất bản cho nhiều bài báo có nội dung tương tự nhau trên các tạp chí chất lượng thấp là hành vi lạm dụng quyền hạn sử dụng kinh phí sai mục đích gây thất thoát lãng phí ngân sách, nguồn lực nhà nước, xã hội.
3) Sử dụng bằng giả lần đầu tuỳ mức độ vi phạm bị phạt hành chính từ 30 đến 100 triệu, bị buộc thôi việc. Vi phạm sử dụng bằng giả lần thứ 2 trở lên có thể bị phạt tù từ 2 đến 3 năm.
4) Đạo văn sao chép toàn bộ bài báo của người khác là hành vi vi phạm bản quyền. Nếu vi phạm lần đầu bị phạt tiền, phải khắc phục hậu quả, tuỳ mức độ vi phạm có thể nhận hình thức kỷ luật theo quy định nếu là cán bộ nhà nước. Vi phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
5) Các trường Đại học sử dụng học phí thu được của sinh viên ký hợp đồng bán cơ hữu với nhiều cán bộ ngoài trường để có tên trường trên bài báo khoa học là hành vi có tổ chức sử dụng kinh phí sai mục đích nhằm nguỵ tạo năng lực nghiên cứu của cơ sở giáo dục nếu có đầy đủ các bằng chứng cho việc này.
6) Bảo vệ, phi tang bằng chứng các vi phạm trên là hành vi che dấu tội phạm, không tố giác tội phạm.
Các hành vi thiếu liêm chính trong hoạt động khoa học-công nghệ rất đa dạng. Vì vậy việc soạn thảo một bộ luật riêng về quy định liêm chính trong hoạt động khoa học-công nghệ tổng hợp tất cả các quy định của bộ giáo dục đào tạo, bộ khoa học công nghệ, nghị định chính phủ, bộ luật hình sự, luật phòng chống tham nhũng do Quốc hội ban hành là cần thiết để thuận tiện trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi gian lận trong lĩnh vực này. Một số bác phát biểu nguyên nhân của hành vi thiếu liêm chính trong khoa học là do lương thấp là chưa đầy đủ bao quát hết các trường hợp. Đây chỉ là một trong các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng thêm hình thức xử lý các hành vi sai trái ở trên. Nếu lấy lý do lương thấp để biện minh cho hành vi thiếu liêm chính thì gần như người dân trong cả nước này đều có thể lấy lý do này để thực hiện hành vi tiêu cực như tham nhũng, làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, trộm cướp, buôn gian, bán lận, … Thực tế, nhiều người rất giàu vẫn gian lận nhằm vụ lợi cho bản thân như các vụ án FLC, Vạn Thịnh Phát…, nhiều người không có điều kiện về kinh tế vẫn chính trực, liêm chính. Qua đây mới thấy được sự vĩ đại của các thế hệ đi trước, những người sống trong hoàn cảnh điều kiện thiếu thốn vật chất, thiếu ăn thiếu mặc vẫn xây dựng và giữ nước, rất ít người lấy lý do thiếu thốn vật chất để bán nước cầu vinh.
Statistics:
Likes: 11, Shares: 3, Comments: 3
Like Reactions: 11, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0