Ha-Duong Tuong – 2023-11-17 11:21:20
**Mua bán bài báo khoa học**
Mấy hôm nay rộn lên chuyện bán bài báo, tập trung vào nhân vật bán bài, tiến sĩ H., làm tôi liên tưởng tới một số vụ mua bán dâm nổi trội do sự có mặt của một bên là các hoa hậu, người mẫu…, bên kia là các đại gia, quan chức, nhưng thường thì chỉ các chị em bị điểm mặt chỉ tên, thậm chí đưa ảnh lên báo, còn các đại gia quan chức thì được lờ đi (1). Nhưng nếu không có kẻ mua thì anh bán cho ai ? Mở rộng ra các mặt hàng trao đổi trong xã hội, người ta cũng thấy chủ yếu là có cầu mới có cung, thảng hoặc mới có người nghĩ ra một mặt hàng mới rồi quảng cáo từ ít đến nhiều làm cho mặt hàng ấy trở thành phổ biến, tức tạo ra một nhu cầu mới cho xã hội.
Trở lại chuyện ồn ào mấy hôm nay, tôi đồng ý với GS Phùng Hồ Hải trong một comment anh viết dưới bài của GS Hy Luong ([https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/1039682837278548/](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/1039682837278548/)):
**« ** *chúng ta đang tập trung quá nhiều vào các cá nhân “bán bài” trong khi đối tượng vi phạm nghiêm trọng hơn là các đơn vị “mua bài”. Đối với một công trình thì điều đáng kể đầu tiên là chất lượng của nó. Vi phạm đáng kể nhất là tạo ra giá trị ảo cho công trình, ví dụ ngụy tạo trích dẫn, hay tệ hơn là ngụy tạo số liệu, ngụy biện dẫn đến công bố kết quả chưa xác thực* »
Nó dính tới câu chuyện các « siêu nhân » mà LCKH đã nhiều lần đề cập, và câu hỏi tại sao các siêu nhân đó phần lớn là ghi địa chỉ bài viết của mình ở một số đại học các nước « phía Nam » (tôi dùng từ nay khá phổ biên trên báo chí tiếng Anh: « the global South » thay cho « developping countries – các nước đang phát triển ») ? Câu trả lời rất dễ : anh ghi thế vì không thể ghi một đại học ở Mỹ, Pháp, Đức… khi anh không làm ở đó. Các đại học này không cho phép người không thực sự hợp tác với mình (tôi đang nói những người ngoài biên chế của họ) ghi địa chỉ của họ trên bất kỳ bài báo hay sản phẩm nghiên cứu nào. Cũng không sẵn sàng trả tiền cho anh làm việc ghi địa chỉ mạo danh đó, dù là trên một bài nghiên cứu nghiêm chỉnh, có giá trị, và dĩ nhiên càng không có lý do gì để chấp nhận các bài viết được sản xuất hàng loạt mà không ai có thì giờ bỏ ra để kiểm soát chất lượng thực sự (không phải kiểu kiểm soát hình thức qua câu hỏi bài viết được đăng trên tạp chí Q mấy).
Nói tóm lại, theo tôi việc « mua bán bài » (chứ không phải chỉ là việc « bán bài ») nên được đề cập tới theo hướng xây dựng các biện pháp để các đại học VN cũng không thể là địa chỉ để nhà nghiên cứu nào đó ghi trên bài của mình nếu không thực sự có sự hợp tác nghiên cứu giữa hai bên. Nếu một nhà nghiên cứu vi phạm quy định này, hãy để cho đơn vị chủ quản của anh/chị ta xử lý thay vì đưa ra « đấu tố », thay vào đó :
– các nhà báo nên tập trung tố cáo sai phạm của đơn vị mua bài và Bộ Giáo dục cần có chế tài phạt nặng để ngăn đe tái phạm (đây mới là biện pháp cơ bản để ngăn chặn việc ghi địa chỉ ảo) ;
– điều đó cũng có nghĩa là Bộ phải bãi bỏ những qui định cứng bắt mỗi đại học phải làm nghiên cứu khi họ không có điều kiện (theo tôi biết, đa số những đại học Hoa Kỳ cũng không phải là đại học nghiên cứu). Sự trung thực phải được bảo đảm nhưng chỉ có thể được bảo đảm khi thực tế được tôn trọng thay vì tìm cách che đậy hoặc bỏ qua. Thực tế đó (có người đã chỉ ra trong các bài tranh luận gần đây) là nhiều trường đại học không có khả năng hay không có ý muốn đầu tư công sức, tạo điều kiện cho giảng viên của mình tiến hành nghiên cứu và đại đa số giảng viên cũng chấp nhận điều đó. Chối từ thực tế đó là dọn đường cho những gian dối mà ta đang thấy.
– ngược lại, Bộ nên tập trung tài lực của mình cho một số đại học nghiên cứu đích thực, để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu nghiêm chỉnh, có ý nghĩa khoa học nếu là nghiên cứu cơ bản, và ý nghĩa thực dụng nếu là nghiên cứu ứng dụng. Các đại học thiên về giảng dạy cần được đánh giá, hỗ trợ theo những tiêu chí khác (tỉ số sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp sau 3 hay 6 tháng ra trường chẳng hạn).
Việt Nam cần xây dựng một nền khoa học tiên tiến, đúng. Nhưng đừng hiểu lầm là giá trị của nền khoa học đó có thể đo được chỉ qua những con số các bài báo công bố trên tạp chí này hay tạp chí khác. Ngay cả việc đánh giá một nhà khoa học hoặc một đơn vị nghiên cứu, việc dựa chủ yếu trên những con số đó cũng là nguồn của không biết bao gian dối.
Theo tôi, thay các qui định cứng về số bài báo trong việc phong GS/PGS bằng việc mời các nhà khoa học đã được thừa nhận, kể cả nhà khoa học từ nước ngoài, thẩm định một số giới hạn các công trình mà mỗi ứng viên tự chọn, cho là có ý nghĩa nhất, sẽ là một bước tiến có ý nghĩa. Tối thiểu là hạn chế các công trình ảo, vi phạm liêm chính như đạo văn, khai man địa chỉ, hay trầm trọng hơn là « ngụy tạo trích dẫn, hay tệ hơn là ngụy tạo số liệu, ngụy biện dẫn đến công bố kết quả chưa xác thực ».
Tôi nghĩ, thảo luận để đưa ra những biện pháp tích cực nhằm xây dựng nền khoa học đó có ích hơn nhiều so với việc tập trung quá nhiều bài vở chung quanh chủ đề khai man địa chỉ như hiện nay.
Hà Dương Tường
(1) Tôi hoàn toàn không có ý so sánh tiến sĩ H. với một chị em vì lý do nào đó đang (phải) đeo đuổi nghề nghiệp này. Mà chỉ nói lên sự kiện là, giữa các đối tượng của những thương vụ trái pháp luật (hay trái với đạo lý thông thường), nhiều nhà báo luôn luôn chọn tố cáo bên bán mà không nói gì tới bên mua.
Statistics:
Likes: 42, Shares: 4, Comments: 0
Like Reactions: 39, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0