Lê Ngọc Khả Nhi – 2023-11-13 15:45:27
Thân bất do kỷ và trường hợp của William Gosset
Gần đây có nhiều tranh luận về vấn đề nhà khoa học đang làm việc cho một tổ chức nhưng lại công bố bài báo dưới danh nghĩa một tổ chức khác. Nhi không tham dự vào cuộc tranh luận này dù ở phía nào, nhưng xin được kể về một điển tích mà chắc hầu hết mọi người đều biết – câu chuyện về William Gosset, qua đó chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều thú vị về nền khoa học 115 năm trước, và cách nhà khoa học thời đó giải quyết vấn đề mâu thuẫn về lợi ích.
Câu chuyện diễn ra vào đầu thế kỉ 20, ngành thống kê mới bắt đầu khai sinh, với ý tưởng chủ đạo của Karl Pearson về kích thước mẫu lớn và phân phối chuẩn (Gaussian). Tuy nhiên, William Gosset, khi đó là một nhân viên của nhà máy bia Guinness tại Dublin, phát hiện ra một phân phối hoàn toàn khác cho những cỡ mẫu nhỏ, trong quá trình phân tích dữ liệu nội bộ vào năm 1904 trong công việc của nhà máy bia. Trong báo cáo nội bộ, ông ghi nhận hiện tượng phân phối của sai số trở nên cao và hẹp khi kích thước mẫu giảm. Sau khi viết thư trao đổi cho Karl Pearson, Gosset tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này và công bố bài báo vào năm 1908 dưới bút danh tên giả “Student.”
Nguyên nhân Gosset sử dụng bút danh tên giả liên quan đến chính sách công ty Guinness không cho phép công bố dữ liệu nội bộ. Cần nhấn mạnh chi tiết là ông đã thông báo với công ty về giải pháp này và được công ty chấp thuận. Việc ẩn danh cho phép ông công bố kết quả nghiên cứu của mình mà vẫn đảm bảo giữ bí mật về dữ liệu của công ty.
Điều thú vị ta cần lưu ý ở đây, đó là từng có một thời xa xưa mà sinh hoạt khoa học mang ý nghĩa rất khác so với ngày nay. Danh tiếng và quyền lực trong giới hàn lâm vẫn luôn là những giá trị quan trọng và nguyên nhân của những xung đột lợi ích (câu chuyện giữa Karl Pearson, R. Fisher…), nhưng người ta làm khoa học một cách trong sáng hơn nhiều so với bây giờ. Lợi ích vật chất và danh tiếng không phải là động lực chính thúc đẩy nhà khoa học làm việc và công bố phát minh của họ. Báo chí khoa học thời đó cũng có ý nghĩa hoàn toàn khác so với ngày nay. Thời đó người ta dùng báo khoa học như các diễn đàn trao đổi học thuật giữa bằng hữu, không phải để đếm bài tính tiền thưởng hay xếp hạng cái gì cả.
Ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Gosset đã không chỉ công bố duy nhất 1 lần với bút danh giả, nhưng ông đã dùng cùng cách này để công bố đến 19 trong 21 bài báo của mình bằng bút danh Student. Hệ quả tiêu cực đó là trong lịch sử chỉ còn lưu lại Student’s t distribution, Student’s t test nhưng ít người biết đến tên tuổi của Gosset. Ông không nhận được sự công nhận xứng đáng cho đến khi Ronald Fisher chấp nhận và phát triển lý thuyết của mình, một sự bất công không nhỏ.
Xét về ý nghĩa khoa học, công trình nghiên cứu của Gosset là một đóng góp rất lớn và hữu ích cho ngành thống kê và khoa học dựa trên dữ liệu thực nghiệm. Cho đến ngày nay, phân phối Student’s t và kiểm định t của ông vẫn còn được áp dụng trong nghiên cứu nhiều chuyên ngành bao gồm y học.
Bài học từ hành động này là sự quyết tâm và khả năng sáng tạo có thể dẫn đến những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học, ngay cả khi có những hạn chế và rào cản đạo đức.
Ta cũng khó dùng quan điểm hiện đại để phán xét về hành động của Gosset. Ví dụ, ngày nay ta có thể phê bình rằng việc công bố dưới tên giả là không minh bạch, có thể khiến người đọc khó xác định nguồn gốc dữ liệu và độ tin cậy của kết quả. Rõ ràng là vẫn có những giải pháp khác để công bố phát minh mà thậm chí không cần dùng đền dữ liệu của nhà máy bia. Ví dụ, ông đã có thể dùng dữ liệu mô phỏng, hoặc một dữ liệu thực nghiệm trong lĩnh vực khác như nông nghiệp, xã hội học, sinh vật học, nhân trắc học… Nhưng, vào thời đại của mình, Gosset đã chọn giải pháp mà ông cho là tốt nhất, cho phép ông giữ được tuyệt đối quy tắc đạo đức và liêm chính theo quan điểm của riêng ông, ngay cả khi phải hy sinh danh tiếng và quyền lợi cho sự nghiệp hàn lâm.
Qua câu chuyện này, ta có thể rút ra nhiều điều và chạm đến bản chất của những khái niệm như “đóng góp cho khoa học”, “chất xám của bản thân”, “luật bất thành văn”, “quy tắc đạo đức”, “sự minh bạch”, “mâu thuẫn quyền lợi”. Từng có một thời xa xưa mà không điều gì là rõ ràng tuyệt đối, nhưng rất tiếc phải nói rằng người ta đã sống và làm việc một cách chính trực và trong sáng hơn rất nhiều so với ngày nay.
Shared link: https://web.archive.org/web/20150506212441/http://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/Biographies/De_L%27Hopital.html
Statistics:
Likes: 130, Shares: 10, Comments: 8
Like Reactions: 104, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 24, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0