Anonymous participant – 2023-10-19 10:58:31
**Xin chào các anh chị trong Group LCKH,**
5 ngày trước, tôi có đăng một bài viết trên Group LCKH bày tỏ sự băn khoăn về** mối hợp tác “bất thường” của Tiến sĩ người Nigeria (Ogunwande Isiaka Ajani) với các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam**. Mặc dù không có cá nhân, tổ chức nào có liên quan lên tiếng phản hồi, nhưng sau khi xem “**danh sách 606 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS năm 2023**” do Hội đồng GSNN vừa công bố (link: [https://tuoitre.vn/89-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-loai-o-hoi-dong-cap-nganh-20231019112150306.htm](https://tuoitre.vn/89-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-loai-o-hoi-dong-cap-nganh-20231019112150306.htm)), tôi xin khẳng định rằng: **Mối hợp tác của Tiến sĩ Ogunwande với các nhóm nghiên cứu Việt Nam hoàn toàn trong sạch!!!**
Cũng xin được chúc mừng gia đình vợ chồng PGS Lê Thị Hương (Trường Đại học Vinh) và Tân PGS Đỗ Ngọc Đài (Trưởng phòng quản lý Đào tạo – Khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An). Phải ghi nhận rằng nhóm nghiên cứu của 2 vợ chồng PGS rất mạnh là do năng lực chuyên môn sâu rộng của vợ chồng 2 PGS, cộng hưởng với sự hợp tác rất xuất sắc của Tiến sĩ Ogunwande.
**Năm 2020, PGS Lê Thị Hương là PGS trẻ nhất Việt Nam với bản kê khai gồm 54 bài báo quốc tế uy tín, trong đó Tiến sĩ Ogunwande là tác giả liên hệ 36 bài.**
**Năm nay (2023), Tân PGS Đỗ Ngọc Đài chính thức được Hội đồng GS ngành Sinh học xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS với bản kê khai gồm 89 bài báo quốc tế uy tín, trong đó Tiến sĩ Ogunwande là tác giả liên hệ 71 bài.**
Đây là niềm vui, niềm vinh hạnh to lớn cho gia đình 2 vợ chồng PGS ngành Thực vật học, cũng là niềm vui, niềm vinh hạnh cho cả Ngành Sinh học. Các ngành khác, các nhóm nghiên cứu khác nên học hỏi theo mô hình này.
**Qua sự kiện này, tôi mạn phép đề nghị xét khen tặng và phong Giáo sư danh dự cho Tiến sĩ Isiaka Ajani Ogunwande (Nigeria)**
Vốn là một nhà khoa học kiệt xuất của một quốc gia ở Tây Phi xa xôi, không nhiều người biết rằng, Tiến sĩ Ogunwande lại dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu của mình để cống hiến cho nền khoa học Việt Nam.
Với thâm niên gần 10 năm hợp tác và làm việc với các nhóm nghiên cứu Việt Nam, tính đến nay đã có hàng trăm công trình khoa học được công bố, hàng chục đề tài được triển khai và nghiệm thu thành công. Không ai khác, chính Tiến sĩ Ogunwande là đầu tàu, tác giả liên hệ, góp phần đưa khoa học Việt Nam (đặc biệt là ngành thực vật) tiến xa ra Thế giới.
**Năm 2019, do một sự cố “hy hữu” (bị cáo buộc quấy rối t/i/n/h d/u/c n/u s/i/n/h), Tiến sĩ Ogunwande đã bị Trường Đại học Lagos State University, Nigeria sa thải**. Song sự kiện đó không thể nào dập tắt được niềm say mê nghiên cứu, khát khao cống hiến cho khoa học Việt Nam của vị Tiến sĩ đáng ngưỡng mộ này. Ngược lại, việc không còn phải bận tâm đến nhiệm vụ giảng dạy và các công việc không tên khác ở Trường Đại học nơi quê hương mình, Tiến sĩ Ogunwande có thể dành toàn bộ thời gian và tâm huyết làm việc, công bố quốc tế, thực hiện vô số đề tài khoa học cùng với các nhóm nghiên cứu của Việt Nam.
Có thể nêu ra một số đề tài khoa học làm ví dụ minh chứng cho dấu ấn đậm nét của Tiến sĩ Ogunwande trong rất nhiều quỹ đề tài Việt Nam như sau:
– 03 đề tài NAFOSTED của vợ chồng PGS Lê Thị Hương Tân PGS Đỗ Ngọc Đài (mã số: **106.03.2014-23**; **106.03-2017.328**; **106.03-2018.02**).
– 01 đề tài NAFOSTED của ĐH QG HN (?) (mã số: **106.03-2020.28**).
– 01 đề tài Bộ GD Việt Nam của PGS Lê Thị Hương (mã số: **B2022-TDV-07**).
– 01 đề tài NAFOSTED của VAST (?) (mã số: **106.03-2019.315**).
– 01 đề tài Trường ĐH Huế (mã số: **DHH2022-04-177**).
– 01 đề tài của tập đoàn VINGROUP trao học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước cấp cho học viên ở Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế (mã số: **VINIF.2022.ThS.012**).
– …
Có thể thấy rằng, Tiến sĩ Ogunwande là gương mặt vô cùng thân quen trong các đề tài khoa học ở Việt Nam. Bằng tài năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn vững chắc của mình, thật không quá lời khi nói rằng Tiến sĩ Ogunwande đã nâng tầm cho rất nhiều đề tài khoa học Việt Nam.
**Bao nhiêu công sức, bao nhiêu đề tài, bao nhiêu kinh phí trong gần 10 năm cống hiến thầm lặng cho khoa học Việt Nam của Tiến sĩ Ogunwande, thật khó để mô tả được!**
**Cũng không thể quên được rằng, nhờ sự giúp đỡ của Tiến sĩ Ogunwande, nền Giáo dục – Khoa học Việt Nam đã sản sinh thêm nhiều PGS xuất sắc (vợ chồng PGS Lê Thị Hương và Tân PGS Đỗ Ngọc Đài là ví dụ tiêu biểu).**
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc xét phong Giáo sư danh dự đã được tiến hành từ lâu. Ở Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ. Thế nhưng, nếu như Việt Nam chúng ta thực hiện điều này, Tiến sĩ Ogunwande hoàn toàn xứng đáng được các Quỹ tài trợ, Trường Đại học, Viện nghiên cứu ở Việt Nam khen tặng và phong Giáo sư danh dự (nơi có các cán bộ, giảng viên hợp tác sâu rộng với Tiến sĩ Ogunwande) vì sự cống hiến, đóng góp không biết mệt mỏi đối với nền Giáo dục, Khoa học Việt Nam.
**Thế giới hơn 8 tỷ người, tìm đâu ra một người bạn quốc tế xuất sắc và yêu quý Việt Nam vô cùng như Tiến sĩ Ogunwande!!!**
Không giám so sánh với lãnh tụ Fidel Castro của đất nước Cuba anh hùng, cũng không dám so sánh với Giáo sư Wilfried Lulei (Nhà Việt Nam học người Đức, người luôn dành tình cảm to lớn cho dân tộc Việt Nam), thế nhưng với những đóng góp vô cùng to lớn cho nền Khoa học Việt Nam, **Tiến sĩ Ogunwande xứng đáng là sứ giả hòa bình, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Nigeria lên một tầm cao mới. **Điều mà hiện nay đất nước Việt Nam chúng ta đang rất quan tâm!!!
Statistics:
Likes: 62, Shares: 2, Comments: 1
Like Reactions: 28, Haha Reactions: 31, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0