Alméry Jacqueline – 2023-08-20 05:00:01
**Chạy theo các chỉ số trắc lượng và xếp hạng đại học khuyến khích khoa học rác**
*Theo BMJ*
Một trích dẫn đáng giá bao nhiêu tiền? 3 đô la? 6 đô la? 100.000 đô la?
Câu trả lời nào trên đây cũng đúng, theo các tính toán nhanh trong vài thập niên qua. Sự chênh lệch lớn giữa những con số này cho thấy không số nào chính xác, nhưng không thể phủ nhận rằng trích dẫn là đơn vị tiền tệ trong lĩnh vực học thuật.
Các chỉ số trắc lượng và xếp hạng đại học dựa phần lớn vào số lượng công bố và trích dẫn. Chẳng hạn, theo bảng xếp hạng Times Higher Education, số lượng bài báo và trích dẫn chiếm hơn một phần ba tổng số điểm. Hoặc bảng xếp hạng Thượng Hải với 60% điểm số dựa vào số lượng công bố và các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều. Bảng xếp hạng QS tính điểm trích dẫn trên mỗi giảng viên ở mức tương đối thấp là 20%. Nhưng bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu của US News tính các chỉ số liên quan đến số lượng bài báo và trích dẫn với trọng số tới 60%.
Các bảng xếp hạng này không đơn thuần là câu chuyện học thuật. Các cơ quan tài trợ, bao gồm nhiều chính phủ, sử dụng chúng để đưa ra quyết định phân bổ tiền tài trợ nghiên cứu. Trích dẫn là đơn vị tiền tệ của sự thành công trong học thuật. Giá trị của trích dẫn cũng thu hút thêm tiền của và nguồn lực cho các trường đại học và các nhà nghiên cứu.
Những chỉ số như vậy có thể giúp mang lại nhiều phần thưởng lớn. Thật không may, chúng cũng rất dễ bị thao túng. Và như vậy, theo định luật Goodhart – “Khi một thước đo trở thành mục tiêu, nó không còn là thước đo tốt nữa” – các trích dẫn bị lũng đoạn theo những cách ngày càng xảo quyệt. Các tác giả và biên tập viên tạo ra những băng nhóm trích dẫn lẫn nhau. Các công ty chộp lấy những tên miền trang web hết hạn để mạo danh những tạp chí được đánh chỉ mục, giả mạo danh tính các tạp chí này nhằm đánh lừa nhà nghiên cứu cả tin. Hoặc những nhà nghiên cứu biết rõ chiêu trò thao túng đã sử dụng lỗ hổng này trong hệ thống xuất bản để đăng các bài báo trích dẫn công trình của chính họ [nhằm bơm thổi số lượt trích dẫn cho bản thân và chiến hữu].
Nhiều trường đại học trả tiền thưởng cho các giảng viên đăng bài trên các tạp chí được xếp hạng cao. Một số trường thậm chí còn dùng chiêu trò thuê các nhà nghiên cứu nổi tiếng ghi tên trường vào bài báo của họ hoặc chuyển hẳn nơi làm việc. Điều này có nghĩa là bài báo của các nhà nghiên cứu đó cũng như số lượt trích dẫn kèm theo sẽ được tính vào xếp hạng của trường.
Các nhà nghiên cứu tự trích dẫn bài của mình rất nhiều. Không ít tạp chí khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu các tác giả phải trích dẫn những bài báo khác trên cùng tạp chí [nhằm tăng số lượt trích dẫn và hệ số ảnh hưởng cho tạp chí]. Các tạp chí còn tranh giành những bài báo mà họ nghĩ sẽ được trích dẫn nhiều để giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang về hệ số ảnh hưởng.
Các công ty làm dịch vụ bán mọi thứ từ vị trí tác giả đến các bài báo hoàn chỉnh đã phát triển nhanh chóng. Mặc dù không phải mới xuất hiện, chúng đã biến thành một ngành công nghiệp trong vài năm trở lại đây. Những công ty này đã tìm ra cách để đảm bảo rằng các tác giả sẽ tự bình duyệt bài báo của chính họ. Tại Mỹ, mánh khóe tuyển sinh đại học mới nhất là trả tiền để con bạn trở thành tác giả bài báo khoa học được bình duyệt.
**Chạy theo đồng tiền**
Trước những lời chỉ trích mà họ coi là mối đe dọa hiện sinh đối với sự nghiệp, một số nhà nghiên cứu đã viện đến tòa án, kiện những người phản biện và tạp chí để ngăn chặn các bài phê bình hoặc bày tỏ quan ngại. Mặc dù cả tạp chí và tác giả đều không bị mất số lượt trích dẫn của những bài báo đã bị gỡ bỏ khi tính toán hệ số ảnh hưởng hoặc chỉ số H, sự xuất hiện của bài báo bị rút bỏ trong hồ sơ của một nhà nghiên cứu được xem là hồi chuông báo tử cho sự nghiệp – bất chấp chằng chứng ngược lại [rằng nhà nghiên cứu thường không phải chịu hậu quả gì khi bài báo bị gỡ bỏ].
Tất cả những điều đó khiến việc gỡ bài diễn ra chậm, không minh bạch và thiếu nhất quán – giả định rằng việc gỡ bài có xảy ra. Ủy ban Khoa học, Đổi mới và Công nghệ của Hạ viện Vương quốc Anh gần đây đã khuyến nghị rằng việc sửa chữa và rút lại bài báo không nên kéo dài quá 2 tháng. Trên thực tế, chúng ta còn cách rất xa mục tiêu này khi mà việc rút bài thường mất nhiều năm.
Hãy tưởng tượng [sẽ tốt biết mấy] nếu tất cả những nỗ lực này hướng đến việc tạo ra những thí nghiệm chặt chẽ hơn, các biện pháp điều trị tốt hơn cho bệnh nhân hoặc cách làm cho những phương pháp điều trị đó rẻ hơn và công bằng hơn. Nhưng không. Nhà xuất bản, trường đại học và nhà nghiên cứu bị mắc kẹt trong vòng xoáy chạy theo đồng tiền. Các nhà xuất bản đáp ứng nhu cầu đăng bài bằng cách tạo ra một số lượng khổng lồ các số báo đặc biệt (special issues) còn các công ty làm dịch vụ bán bài nhắm vào những số báo dễ bị thao túng đó. Ngày càng nhiều bài báo rác được xuất bản, nhấn chìm khoa học nghiêm túc trong một biển tài liệu vô giá trị.
Thế giới đã bắt đầu bắt kịp [thực trạng chạy theo đồng tiền này], có lẽ là kết quả của sự chú ý và áp lực ngày càng tăng từ công chúng trên các phương tiện truyền thông và những diễn đàn khác. Các tạp chí dường như ngày càng sẵn sàng gỡ bỏ nhiều bài báo, trong đó có hàng ngàn bài bị nghi ngờ là sản phẩm của các dịch vụ bán bài báo dỏm. Nhiều tạp chí khác bị loại khỏi danh mục ISI của Clarivate, mất đi hệ số ảnh hưởng và khiến tương lai của chúng gặp nhiều rủi ro.
Nhưng tất cả những điều này giống như bắt cóc bỏ đĩa. Bất kì cách tiếp cận nào nhằm giải quyết vấn đề này đều không thể thành công nếu không loại bỏ các động cơ thúc đẩy [gian lận]. Một hành động tốt để bắt đầu tạo ra thay đổi là giảm bớt tầm quan trọng của số lượt trích dẫn trong việc đề bạt, cấp tài trợ và tuyển dụng. Hi vọng rằng nỗ lực này sẽ ăn khớp với việc các nhà xuất bản tránh xa những mô hình đòi hỏi công bố ngày càng nhiều để tăng lợi nhuận. Đồng thời, nếu chúng ta phải thay thế các chỉ số trắc lượng tồi bằng những chỉ số tốt hơn – điều này không nhất thiết như vậy và bất kì chỉ số nào cũng đều có thể bị thao túng – các trường đại học và cơ quan tài trợ có thể tìm cách thưởng cho những hành vi như chia sẻ dữ liệu hay sửa lại các công trình sai sót.
Một đề xuất thay đổi Khung đánh giá tính xuất sắc nghiên cứu (Research Excellence Framework) của Vương quốc Anh là hạn chế tầm quan trọng của số lượng công bố trong đánh giá, mặc dù chỉ ở mức 10%. Tuyên bố về Đánh giá Nghiên cứu (DORA) và Tuyên ngôn Leiden về các chỉ số trắc lượng nghiên cứu khuyến nghị không dùng hệ số ảnh hưởng của tạp chí khi đánh giá nghiên cứu – [đáng tiếc rằng] có hàng ngàn đơn vị đã ký các cam kết này nhưng rất ít đơn vị thực hiện. Trong khi đó, một số đại học Mỹ đang từ chối tham gia vào bảng xếp hạng của US News.
Những tiến triển non trẻ này rất quan trọng. Nếu muốn tạo ra một nền khoa học có tác động [tích cực đến cuộc sống], chúng ta cần khen thưởng các hành vi phù hợp với thực hành nghiên cứu tốt chứ không phải [những chỉ số như] hệ số ảnh hưởng của tạp chí.
Shared link: https://www.bmj.com/content/382/bmj.p1887
Statistics:
Likes: 89, Shares: 14, Comments: 1
Like Reactions: 85, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0