Alméry Jacqueline – 2023-03-29 00:03:14
Bài mới trên Financial Times về ngành công nghiệp khoa học rởm ở Trung Quốc.
Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng khoa học. Theo thống kê của ISI, Trung Quốc xuất bản 3,7 triệu bài báo trong năm 2021, chiếm 23% số lượng bài báo toàn thế giới, chỉ sau Mỹ với 4,4 triệu bài. Năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ về số lượng bài báo được trích dẫn nhiều.
Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng số lượng bài báo là vấn nạn nghiên cứu rởm.
Trung Quốc có hơn 2 triệu nhà nghiên cứu cạnh tranh tài trợ từ chính phủ. Các nhà nghiên cứu chịu áp lực lớn phải đăng nhiều bài báo nếu muốn thăng tiến trong các trường đại học hay bệnh viện. Điều này tạo ra động lực gian lận nhằm đạt chỉ tiêu về số bài báo và số lượt trích dẫn. Để đạt KPI đăng bài, nhiều người phải làm giả nghiên cứu hoặc mua bài báo từ các paper mill.
Tỷ lệ bài báo rởm được ước tính dao động từ 2% đến 20%. Doanh thu của các paper mill chuyên bán bài báo rởm tối thiểu là 1 tỷ USD. Khách hàng của các paper mill không chỉ đến từ Trung Quốc, nhưng quốc gia này là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp khoa học rởm.
Nhà nghiên cứu từ các trường đại học xếp hạng thấp thường mua bài từ các paper mill rẻ tiền với các bài báo được làm giả qua loa nên dễ bị phát hiện. Những người làm việc ở các đại học danh tiếng hay mua dữ liệu thừa từ các nhà nghiên cứu khác hoặc từ các paper mill giả mạo kết quả tinh vi hơn.
Trung Quốc đã ban hành quy định phạt những người mua bài từ các paper mill như cấm nhận tài trợ nghiên cứu từ chính phủ. Tuy nhiên, việc thực thi những quy định này kém hiệu quả khiến các paper mill vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Các nhà xuất bản và tạp chí thường không có nhu cầu và không đủ năng lực dọn sạch những bài báo gian lận. Việc rút bỏ bài báo rởm có thể kéo dài nhiều năm và hiếm khi xảy ra. Trong khi đó, các nhà khoa học có thể dựa trên kết quả của những bài báo rởm để phát triển nghiên cứu của họ. Điều này rất nguy hiểm trong những lĩnh vực như y sinh khi nghiên cứu rởm trở thành nền tảng để phát triển các liệu pháp điều trị bệnh.
Giân lận khoa học và nghiên cứu rởm làm mất niềm tin vào khoa học. Những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của việc mất niềm tin không phải những kẻ gian lận mà là các nhà khoa học trung thực. Quá nhiều bài báo rác từ Trung Quốc khiến không ít nhà nghiên cứu trên thế giới ngầm thừa nhận với nhau rằng họ không đọc những bài báo có tác giả Trung Quốc. Các nhà khoa học không có thời gian để đọc rồi điều tra và xác định xem bài báo nào từ Trung Quốc là hàng thật hay hàng rởm.
Statistics:
Likes: 88, Shares: 13, Comments: 7
Like Reactions: 84, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0