Quý Hiên Lê – 2023-03-07 13:10:20
# **Kh ông có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam**
Có ít nhất 2 nhà khoa học nữ, họ không quen biết nhau, làm ở các cơ quan khác nhau, lĩnh vực khác nhau, có cùng quan điểm trên.
Sau đây là một đoạn trích trong bài phỏng vấn TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BKAI), Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội), do báo Thanh Niên thực hiện:
*Nhà báo hỏi: Nói đến việc phụ nữ làm khoa học, nhất là ở một nước châu Á như VN, người ta thường băn khoăn, các chị đã phải vất vả như thế nào để vượt qua các rào cản xã hội, chẳng hạn như định kiến phụ nữ “chân yếu tay mềm”?*
TS Nguyễn Phi Lê: Phụ nữ làm khoa học ở VN không bị các rào cản đó. Đúng là ở nhiều nước châu Á khác (như Nhật Bản, Hàn Quốc…), xã hội thường có những định kiến về phụ nữ. Ở Nhật chẳng hạn, người phụ nữ truyền thống không tham gia các công việc ngoài xã hội, chỉ làm việc trong gia đình. Nên khi phụ nữ đi làm, nhất là làm nghiên cứu thường được xem như một người có gì đó khác biệt. Khi thành công, họ sẽ được nhận những lời “khen” kiểu như “cô ấy là phụ nữ đấy, thế mà…” Còn trong môi trường nghiên cứu khoa học ở VN, tôi nhận thấy dường như phụ nữ không bị coi là “phái yếu”. Không biết như thế là thiệt thòi hay không thiệt thòi cho chị em, nhưng điều này khiến cho đánh giá của xã hội về thành công của phụ nữ có sự bình đẳng như với nam giới.
*Hỏi: Nghĩa là họ sẽ thấy cô ấy giỏi, có năng lực chứ không phải vì cô ấy là nữ nên được ưu ái giúp đỡ? *
TS Nguyễn Phi Lê: Đúng vậy, tôi không nhìn thấy có định kiến đó.
Còn đây là trả lời của TS Nguyễn Thị Ánh Dương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện HL Khoa học công nghệ VN, khi nhà báo hỏi “*Cơ quan của chị có nhiều nhà khoa học nữ không?”: *
TS Nguyễn Thị Ánh Dương: Nếu tính trên phạm vi Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, chắc chắn tỉ lệ nam lớn hơn nữ. Nhưng riêng Phòng Tuyến trùng học, hiện nay chúng tôi có 4 chị em, trong khi tổng số nhân sự của phòng là 8 người; giai đoạn trước đây thì nam nhiều hơn. Nói vậy để cho thấy, nghề nghiên cứu khoa học, ít nhất là trong lĩnh vực sinh học, không phải là nghề dành riêng cho nam hay cho nữ.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi nhận thấy xã hội ngày nay khá cởi mở khiến cho người trẻ được tự do hơn, thoải mái hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Trong khi đó, cơ hội học tập giữa nam và nữ là như nhau, nghề nghiên cứu khoa học nhìn chung cũng không quá kén chọn giới tính nam hay nữ. Ở một góc độ nào đó, phụ nữ có những tố chất thiên bẩm mà tình cờ lại phù hợp với việc nghiên cứu khoa học, ít nhất là với tôi, chẳng hạn như sự chăm chỉ, tính cẩn thận, khả năng làm những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ…
Tuy nhiên, một khó khăn mà tôi cũng đã nhắc đến, ngành của tôi đòi hỏi nhà khoa học phải chịu khó đi thực địa, phải mang vác những bao đất nặng trong rừng (để lấy mẫu về nghiên cứu sinh vật trong đất). Nhiều khi, công việc của chúng tôi vất vả và lấm lem chẳng kém mấy thợ mỏ.
Nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng thế, phụ nữ vừa có những lợi thế, vừa có những khó khăn. Cho nên không cần phải quá so đo tính toán việc này, cơ bản là mình có thích hay không thôi.
*Hỏi: Như vậy, trong giới nghiên cứu khoa học không có chuyện kỳ thị nam – nữ?*
TS Nguyễn Thị Ánh Dương: Ở đâu tôi không rõ, nhưng ở Viện HL Khoa học công nghệ VN, nếu phải so sánh nam với nữ thì tôi thấy giữa hai giới cơ hội là ngang bằng, vấn đề là từng cá nhân có cố gắng hay không. Sự phát triển của mỗi người phụ thuộc vào chính họ, không phải do giới tính là nam hay nữ.
**Chúc mừng các nhà khoa học nữ!**
Statistics:
Likes: 256, Shares: 17, Comments: 75
Like Reactions: 208, Haha Reactions: 4, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 41, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0