Alméry Jacqueline – 2022-11-11 04:48:05
**’Khoa học rác’: Các công trình khoa học giả mạo ở Trung Quốc, một xu hướng đáng lo ngại**
Gần đây, một báo cáo từ Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cho thấy 52 bài báo có vấn đề vào năm 2022, chẳng hạn như thuê viết, đạo văn và giả mạo dữ liệu.
Điểm đáng chú ý là nhiều vụ việc liên quan đến các trường đại học hàng đầu như Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán, Đại học Nam Đài, Đại học Giao thông Thượng Hải.
Vấn đề gian lận trong các bài báo khoa học ở Trung Quốc đã thu hút chú ý của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau.
Vào tháng 5, Retractionwatch.com cho biết Association for Computing Machinery (ACM) đã gỡ bỏ 323 bài báo của Trung Quốc khỏi cơ sở dữ liệu của ACM. Dữ liệu trong các bài báo này được cho là do máy tính tạo ra hoặc do con người bịa ra.
Vào tháng 3, tạp chí của Nature cho biết họ đã gỡ bỏ 370 bài báo của Trung Quốc kể từ tháng 1 năm 2020. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2021, Nature báo cáo rằng con số đã tăng lên 665, tăng gần gấp đôi chỉ trong bảy tháng.
Cùng với đó, gian lận cũng đã trở nên “công nghiệp hóa”.
Các phóng viên của CCTV đã điều tra ngành giả mạo công trình khoa học của Trung Quốc vào năm 2016. Họ đến làm việc tại chi nhánh của Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Thợ thủ công Nổi tiếng Quảng Châu, có trụ sở tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, thông qua một đơn ứng tuyển.
Dịch vụ của công ty này đã viết thuê khóa luận đại học, luận văn thạc sĩ và thậm chí là luận án tiến sĩ.
Công ty này có năm bộ phận cốt lõi: bộ phận đấu thầu, bộ phận kế hoạch, bộ phận tư vấn, bộ phận tài chính và bộ phận sáng tạo.
Suy cho cùng, việc giả mạo công trình khoa học là vi phạm pháp luật, vậy họ làm cách nào để thu hút khách hàng? Họ có thể quảng cáo trực tuyến.
Để khách hàng tìm thấy mình tốt hơn, các công ty giả mạo công trình khoa học này đã cạnh tranh khốc liệt cho các từ khóa như “xuất bản bài báo” hoặc “công bố trên tạp chí”.
Khi công ty có khách hàng mới, bộ phận tư vấn có trách nhiệm tiếp nhận và tìm hiểu người mua cần loại bài báo gì và anh ta muốn đăng trên tạp chí nào.
Phóng viên đã nhận được bản tóm tắt cuối năm 2015 của công ty trong giai đoạn bí mật làm việc tại đây. Tài liệu này cho thấy công ty đã hoàn thành gần 5.000 đơn đặt hàng trong năm 2015. Và chỉ tính riêng trong tháng 1 năm 2016, công ty đã hoàn thành gần 1.400 đơn đặt hàng.
Giám đốc Zheng của công ty này giới thiệu rằng ngành công nghiệp giả mạo công trình khoa học đang phát triển nhanh chóng và không có gì lạ khi các nhân viên bán hàng nhận được hàng chục đơn đặt hàng trong một ngày.
Thật vậy, một nhân viên bán hàng đã nhận được một đơn đặt hàng lớn với 35 bài báo cùng một lúc. Theo thỏa thuận, những bài báo này sẽ được xuất bản trên tám tạp chí học thuật do khách hàng chỉ định trong vòng ba tháng sau đó.
Sau khi người mua chọn chủ đề, yêu cầu được chuyển cho bộ phận sáng tạo. Một bài báo dài 5.000 từ có thể được gửi cho khách hàng chỉ trong một ngày. Làm thế nào mà họ có thể hoàn thành bài báo nhanh như vậy?
Quản lý Zheng nói rằng họ sẽ sao chép các tài liệu từ khắp nơi trên thế giới.
Vậy, làm thế nào mà các bài báo do các công ty sao chép lại có thể vượt qua vòng kiểm tra đạo văn?
Những bài báo được sao chép này sẽ được viết lại, chẳng hạn như điều chỉnh thứ tự từ và thay thế từ đồng nghĩa từ các bài báo khác trên toàn thế giới.
Ví dụ, phóng viên nhận được một hợp đồng viết luận án tiến sĩ do công ty ký gần đây. Hợp đồng thuộc về một nghiên cứu sinh từ một trường đại học ở Đông Bắc Trung Quốc.
Toàn văn của luận án này dài 120.000 từ, với giá là 70.000 nhân dân tệ hoặc khoảng 9.500 đô la. Phóng viên được biết qua cuộc phỏng vấn rằng nghiên cứu sinh hài lòng với luận án.
Trong quá trình điều tra, phóng viên cũng nhận thấy có không ít công ty giả mạo công trình khoa học như vậy. Công ty Quảng Châu chỉ là một công ty nhỏ. Nhiều công ty lớn đã mở rộng kinh doanh của họ một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là họ sẽ tích cực tìm kiếm khách hàng.
Ví dụ, Jiupin Culture Communication Co., Ltd., nằm ở trung tâm thành phố Thành Đô, tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh chính của họ là dịch vụ xuất bản trên các tạp chí khoa học. Phóng viên cũng đã thâm nhập công ty thông qua một đơn ứng tuyển.
Công ty này có toàn bộ một khu văn phòng bốn tầng và hơn 500 nhân viên. Phần lớn trong số hơn 500 người của công ty là nhân viên bán hàng, những người tìm kiếm khách hàng trực tuyến.
Những người bán hàng này sẽ đếm các mẫu đăng ký của khách hàng cho một số đợt giao dịch. Có 2.000 đến 3.000 mẩu thông tin khách hàng trong mỗi mẫu đăng ký. Trường học, phòng ban và mục đích luận văn của khách hàng sẽ được đánh dấu trong mỗi thông tin giao dịch. Vào thời điểm đó, có một danh sách khách hàng liên quan đến sinh viên từ hơn 500 trường cao đẳng.
Ngoài ra, phóng viên cũng nhận được 11 biểu mẫu theo dõi tiến trình viết thuê luận văn thạc sĩ. Tiến độ cho người mua luận văn đã được đánh dấu trong lịch trình. Báo cáo viên đã thống kê sơ bộ khoảng 300 luận văn thạc sĩ trong 11 lịch trình này. Điều đó có nghĩa là ít nhất 300 sinh viên sau đại học theo học chương trình thạc sĩ đã trả tiền mua luận văn của họ để lấy bằng.
Các phóng viên của CCTV cho biết họ chỉ nhìn thấy tình hình kinh doanh của công ty trong vòng chưa đầy nửa năm. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đối với khối lượng kinh doanh khổng lồ của toàn ngành.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhu cầu về công trình khoa học giả mạo ở Trung Quốc lại lớn như vậy?
Lý do đầu tiên là Trung Quốc có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Theo dữ liệu từ tạp chí Statista, khoảng tám triệu sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đại học ở công lập của Trung Quốc vào năm 2020. Trong số đó, khoảng 4,2 triệu có bằng cử nhân. Ở cấp độ sau đại học, khoảng 729.000 bằng thạc sĩ và tiến sĩ đã được cấp. Con số này gần gấp đôi số lượng bằng được cấp ở tất cả các cấp học bậc cao ở Hoa Kỳ.
Lý do thứ hai là quá trình thăng tiến trong các cơ quan nhà nước Trung Quốc.
Ví dụ, các bác sĩ ở Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của các công ty giả mạo bài báo vì họ thường cần xuất bản các bài nghiên cứu để được thăng chức.
Như Nature đã đưa tin, vào tháng 8 năm 2020, cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh đã công bố chính sách quy định chi tiết về việc thăng chức của bác sĩ. Theo đó, chức danh trưởng khoa bắt buộc phải có ít nhất ba bài báo đã công bố. Và một bác sĩ điều trị muốn được thăng chức lên phó khoa, anh ta phải có ít nhất hai bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Và những chức danh này sẽ ảnh hưởng đến tiền lương và quyền hạn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nó cũng quyết định những ca phẫu thuật mà họ được phép thực hiện.
Các bác sĩ bận rộn ở bệnh viện đến mức có thể không có thời gian nghiên cứu khoa học nên tìm đến dịch vụ giả mạo bài báo là biện pháp tiện lợi nhất.
Về tác hại của các bài báo giả, Changqing Li, một cựu bác sĩ cao cấp và nhà nghiên cứu tiêu hóa tại một bệnh viện Trung Quốc, cho biết, “Kho tài liệu xuất bản bằng tiếng Trung đã bị hủy hoại, vì hầu như không ai tin chúng hoặc tham khảo các nghiên cứu từ chúng.” “Bây giờ bệnh dịch này đã lây lan tới các tạp chí y khoa quốc tế.”
Futao Huang, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, chỉ ra rằng vấn đề giả mạo tài liệu nghiên cứu cũng ảnh hưởng đến danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc.
Một bài xã luận được xuất bản vào tháng 2 năm 2021 trên tạp chí Molecular Therapy gọi những tài liệu này là khoa học rác của Trung Quốc. Bài xã luận viết, “Quy mô ngày càng tăng của‘ khoa học rác’ này đang tàn phá uy tín của các nghiên cứu xuất phát từ Trung Quốc và ngày càng gây nghi ngờ đối với khoa học nghiêm túc trong khu vực”.
Frank Redegeld, Tổng biên tập Tạp chí Dược lý Châu Âu do Elsevier xuất bản cũng đồng tình với các ý kiến trên. Ông nói, “Họ đang làm xói mòn niềm tin của chúng tôi vào các bản thảo khác nhận được từ các nhóm nghiên cứu từ Trung Quốc.”
Statistics:
Likes: 83, Shares: 7, Comments: 2
Like Reactions: 72, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 8, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0