Trịnh Minh Tuấn – 2022-09-07 13:59:41
Lịch sử chủ đề Triết lý giáo dục ở Việt Nam.
1/ Gần 20 năm trước đây, trên các diễn đàn, từ báo chí đến hội thảo cấp quốc gia, và cả ở nghị trường, chủ đề triết lý giáo dục được thảo luận sôi nổi. Người nêu chủ đề triết lý giáo dục là nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết từ 2004. Trong bài viết này ông đặt ra câu hỏi khắc khoải rằng: “Bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây?”
2/ Để trả lời câu hỏi này đã có hàng trăm bài viết (hầu hết trên báo chí và tham luận hội thảo) về chủ đề Triết lý giáo dục. Có thể kiểm chứng mức độ quan tâm của bạn đọc bằng cách search từ khóa “Triết lý giáo dục” trên Google. Kết quả là có tới 9.2 triệu kết quả về “Triết lý giáo dục VN” trong 0.44 giây. Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm chỉ ra rằng: có rất ít sách viết và sách dịch về chủ đề này. Hầu hết các bài báo và những tuyên bố về Triết lý giáo dục là của các trường, từ cấp mầm non, phổ thông và đại học. Vì vậy, có lẽ hiểu biết thật sự của chúng ta về Triết lý giáo dục còn khá khiêm tốn. Và để cung cấp cho bạn đọc thêm tư liệu, sau đây, tôi sẽ điểm qua các cuốn sách về “Triết lý giáo dục” từ 1954 trở lại đây.
3/ Có lẽ cuốn sách đầu tiên bàn về “Triết lý giáo dục” là của Kim Định, Nhà xuất bản (Nxb) Ra Khơi ấn hành năm 1965. Kim Định là một người Công giáo, tốt nghiệp Triết học ở Pháp, từng dạy ở Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt.
4/ Cuốn sách thứ hai về “Triết lý giáo dục” do Jean Château “chủ biên”, Lê Thanh Hoàng Dân và Trần Hữu Đức dịch. Giáo sư Lê Hoàng Thanh Dân vốn là trưởng ban kinh tế chánh trị Trường Sư phạm Sài Gòn 1967-1971. Hiện giáo sư Lê Hoàng Thanh Dân đang ở Hoa Kỳ.
5/ Sau 1975 cho tới tận những năm 2000, hầu như không có các ấn phẩm về chủ đề này. Mãi đến năm 2007, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội mới phát hành tựa “Triết học giáo dục Việt Nam” của tác giả Thái Duy Tuyên năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia (CTQG) phát hành tựa sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” của GS Phạm Minh Hạc. Năm 2020, Eduking phát hành tựa “Đi tìm triết lý giáo dục VN” của Nguyễn Quốc Vương. Tuy nhiên, tựa sách của Nguyễn Quốc Vương là một tuyển tập nhiều bài viết về chủ đề giáo dục VN, trong đó, có bài viết “Triết lý giáo dục ở VN và Nhật Bản – một cái nhìn từ lịch sử cải cách giáo dục” – dài 14 trang. Có lẽ, đây là bài “đinh” nên tác giả và công ty sách chọn tít như trên. Và mới đây, là tựa “Triết lý giáo dục VN – từ truyền thống đến hiện đại” của GS TSKH Trần Ngọc Thêm. Tựa sách này là “kết quả” đầu ra của công trình cấp nhà nước do GS làm chủ nhiệm đề tài.
6/ Điểm qua lịch sử chủ đề triết lý giáo dục ở VN để thấy rằng, sách vở của chúng ta về chủ đề này còn khá ít ỏi. Và hôm nay, IPER chính thức phát hành trên toàn quốc tựa “Triết lý và chính sách giáo dục” của giáo sư Christopher Winch ở Đại học King ‘s College London và giáo sư John Gingell ở Đại học Northampton, nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho các thầy cô, các nhà hoạch định chính sách và những độc giả quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Người chuyển ngữ là TS Nguyễn Thị Hạ Ni, lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Leeds, Anh quốc.
7/ Cuốn sách này bàn về hai chủ đề lớn: triết lý giáo dục và chính sách giáo dục. Triết lý giáo dục được tiếp cận tổng thể từ triết học, luật pháp và đạo đức; còn chính sách giáo dục tiếp cận từ chính trị, chính sách công và hành chính công (trong giáo dục). Để minh chứng cho các lập luận về triết lý và chính sách giáo dục, các bằng chứng được lấy từ hệ thống giáo dục Anh quốc. Và cho dù, Anh quốc là nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhưng hai tác giả vẫn không ngừng phê phán.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Statistics:
Likes: 66, Shares: 14, Comments: 6
Like Reactions: 55, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 10, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0