Duong Tu – 2022-09-01 12:30:02
**DIỄN ĐÀN LIÊM CHÍNH KHOA HỌC TRÒN 2 TUỔI**
Ngày này (1/9) đúng 2 năm trước, nhóm Liêm Chính Khoa Học ra đời từ mong muốn góp phần phát triển cộng đồng khoa học Việt Nam trong sạch và minh bạch hơn với tinh thần xây dựng và thái độ văn minh. Nhân dịp này, nhóm lao công xin gửi lời cám ơn đến tất cả các bác đã theo dõi, ủng hộ, đóng góp bài vở cũng như tham gia trao đổi, thảo luận suốt thời gian qua.
Nhiều chủ đề gần đây trong nhóm Liêm Chính Khoa Học cho thấy khủng hoảng tái lập và gian lận khoa học với hậu quả lâu dài là sự suy giảm, mất niềm tin của công chúng đối với khoa học cùng sự lên ngôi của thuyết âm mưu và giả khoa học đang dần trở thành những thách thức mang tính thời đại. Đó có lẽ là một phần lý do khiến nhiều quốc gia phải bắt đầu hành động: hồi cuối năm ngoái, [Quốc hội Anh](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/608026553777514) tổ chức điều trần về khủng hoảng tái lập và liêm chính nghiên cứu, [Thượng viện Pakistan](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/630222104891292) điều trần về đạo văn và chất lượng nghiên cứu; còn mới đây, [Hạ viện Mỹ](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/755307462382755) vừa điều trần về các công xưởng sản xuất bài báo dỏm và những hành vi sai trái trong nghiên cứu.
Ngoài sự cạnh tranh và áp lực công bố khắc nghiệt, không thể không nhắc đến vài [nguyên nhân vĩ mô](https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371%2Fjournal.pone.0127556) đằng sau khủng hoảng tái lập và gian lận khoa học, đó là chính sách quản lý khoa học, cách đánh giá nghiên cứu và rộng hơn là văn hóa khoa học. Giải quyết các thách thức hiện nay trong khoa học đòi hỏi sự phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan – từ cơ quan quản lý, tổ chức tài trợ, hiệp hội khoa học, nhà xuất bản và tạp chí đến trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng khoa học – nhằm cải cách thể chế và đánh giá khoa học cũng như xây dựng văn hóa liêm chính trong khoa học. Theo hướng này, trên 350 tổ chức từ hơn 40 quốc gia vừa thông qua thỏa thuận về cải cách đánh giá nghiên cứu ([Agreement on Reforming Research Assessment](https://research-and-innovation.ec.europa.eu/news/all-research-and-innovation-news/reforming-research-assessment-agreement-now-final-2022-07-20_en)) với nhiều thay đổi quan trọng có thể tái định hình nền khoa học toàn cầu những năm tới.
Tại Việt Nam, từ đầu năm nay đã diễn ra hai động thái đáng chú ý liên quan đến liêm chính khoa học, đó là việc [NAFOSTED](https://nafosted.gov.vn/ban-hanh-quy-dinh-ve-liem-chinh-nghien-cuu-ap-dung-doi-voi-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-do-quy-phat-trien-khcn-quoc-gia-tai-tro/) ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu và [đề tài về liêm chính học thuật](https://www.most.gov.vn/vn/pages/Thongbao.aspx?vID=106) trở thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường, viện bắt đầu quan tâm đến liêm chính khoa học và tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, đào tạo về những chủ đề liên quan. Ở cấp độ cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chú ý hơn đến các khía cạnh liêm chính trong hoạt động khoa học hàng ngày.
Những thay đổi tuy âm thầm, chậm chạp nhưng mạnh mẽ và bền bỉ này chính là bước đi quan trọng đầu tiên trên hành trình nhiều năm xây dựng một nền khoa học liêm chính. Có thể trong tương lai không quá xa, giống như nhiều nước khác, Việt Nam cũng sẽ thành lập văn phòng chuyên trách về liêm chính khoa học ở phạm vi quốc gia (Vietnam Office of Research Integrity – VORI) và tại mỗi đơn vị nghiên cứu, kết nối và liên hệ chặt chẽ với các thiết chế về liêm chính khoa học trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, việc đào tạo, phổ biến về liêm chính khoa học sẽ trở thành hoạt động thường quy tại mỗi trường, viện trong nước.
Chúng tôi hy vọng rằng việc kiên trì trao đổi và thảo luận về liêm chính khoa học cùng nhiều chủ đề đa dạng khác về khoa học trong nhóm Liêm Chính Khoa Học sẽ đóng góp có ý nghĩa vào việc nâng cao nhận thức và hiểu biết của mỗi thành viên, từ đó thúc đẩy quá trình thay đổi thể chế và chính sách quản lý, đánh giá khoa học cũng như xây dựng văn hóa khoa học diễn ra nhanh hơn. Việc kiến tạo môi trường khoa học liêm chính là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong cộng đồng khoa học chứ không phải và không nên đặt lên vai một nhóm nhỏ vài người.
Niềm tin của công chúng dành cho khoa học không phải từ trên trời rơi xuống mà chỉ có được thông qua quá trình gây dựng bền bỉ và thử thách lâu dài. Khi niềm tin đó đang trên đà suy giảm, nhất là đặt trong bối cảnh môi trường chính trị-xã hội còn thiếu minh bạch và chưa trong sạch, những người làm khoa học không nên chỉ nghiên cứu như một lựa chọn nghề nghiệp mà còn phải gánh trách nhiệm làm gương về sự trung thực và liêm chính như một nghĩa vụ học thuật để vực dậy niềm tin của công chúng và truyền cảm hứng cho xã hội.
Một lần nữa, nhóm lao công xin cảm ơn các bác đã quan tâm và dành thời gian cho nhóm Liêm Chính Khoa Học trong suốt hai năm qua. Rất mong các bác tiếp tục đóng góp bài vở và tham gia thảo luận với tinh thần xây dựng và thái độ văn minh nhằm góp phần phát triển cộng đồng khoa học Việt Nam trong sạch và minh bạch hơn.
Dưới đây là một vài con số thống kê tự động của Facebook về hoạt động của nhóm Liêm Chính Khoa Học trong thời gian gần đây để bác nào quan tâm tham khảo: [https://docs.google.com/spreadsheets/d/1yb6LgvagslTdrfvqllsvRFA3NScGcG1Y/](https://docs.google.com/spreadsheets/d/1yb6LgvagslTdrfvqllsvRFA3NScGcG1Y/)
Statistics:
Likes: 577, Shares: 7, Comments: 14
Like Reactions: 489, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 81, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0