Duong Tu – 2022-06-28 00:20:51
**NỘI LỰC NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG CAO CỦA VIỆT NAM**
Theo kết quả xếp hạng Nature Index căn cứ vào thành tích công bố khoa học trên nhóm tạp chí hàng đầu thuộc 4 lĩnh vực khoa học tự nhiên, Việt Nam xếp vị trí 46 toàn cầu và thứ 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là kết quả rất đáng khích lệ khi xét đến bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp cả nước suốt năm ngoái khiến các đơn vị nghiên cứu phải đóng cửa nhiều tháng và tỷ lệ đầu tư cho khoa học ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới lẫn nhiều nước trong khu vực: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/739751570605011](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/739751570605011)
Tuy nhiên, ở cấp độ đơn vị nghiên cứu, chưa trường, viện nào của Việt Nam lọt được vào Top 500 cơ sở nghiên cứu tốt nhất thế giới và chỉ có một đại diện nằm trong nhóm 500 cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ở vị trí 391.
Để đánh giá chính xác hơn nội lực nghiên cứu chất lượng cao của Việt Nam, chúng tôi thống kê tất cả các bài báo của nhóm 10 đơn vị nghiên cứu dẫn đầu cả nước rồi xác định những bài mà tác giả đầu và/hoặc tác giả liên hệ là cán bộ cơ hữu của các đơn vị này.
***
Trong tổng số 72 bài báo của 10 đơn vị dẫn đầu nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam, chỉ có 26 bài thể hiện nội lực nghiên cứu của các đơn vị này.
Trường ĐH Phenikaa dẫn đầu với 12 bài, đóng góp tới gần một nửa số bài nội lực của Top 10. Tuy nhiên, nội lực của Trường ĐH Phenikaa lại phụ thuộc nhiều vào một cá nhân khi riêng nhà khoa học này đã “*gánh*” tới 7/12 bài nội lực cho Phenikaa.
Một số đơn vị như Học viện Kỹ thuật Quân sự và Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam chỉ có ít bài công bố trên các tạp chí hàng đầu trong Nature Index, nhưng tất cả các bài báo của hai đơn vị này đều là bài nội lực.
Như vậy, tuy chưa lọt vào bất kỳ bảng xếp hạng phổ biến nào (QS, THE, ARWU), Trường ĐH Phenikaa vững chắc ở vị trí dẫn đầu Việt Nam khi đánh giá dựa trên các công trình khoa học chất lượng cao. Ngược lại, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng thường đứng đầu Việt Nam trong nhiều bảng xếp hạng lại có nội lực tương đối khiêm tốn theo Nature Index: Trường ĐH Duy Tân chỉ có 2 bài nội lực trong tổng số 15 bài báo được thống kê, trong khi Trường ĐH Tôn Đức Thắng không công bố được bất kỳ bài báo nội lực nào trên các tạp chí hàng đầu.
***
Mấy năm nay, cộng đồng khoa học và dư luận đã không còn xa lạ với chiêu trò bỏ tiền mua báo của một số trường đại học nhằm tạo thành tích ảo để gian lận xếp hạng, đánh lừa người học và xã hội.
Kết quả phân tích nội lực nghiên cứu chất lượng cao từ dữ liệu Nature Index cho thấy một sự thật giản dị: đổ tiền mua bài chỉ có thể mua được những bài báo rác hoặc chất lượng làng nhàng chứ không thể hoặc rất khó mua được bài báo xịn, chất lượng cao.
Lý do đằng sau sự thật này còn giản dị hơn thế: nghiên cứu chất lượng cao đòi hỏi viễn kiến và chính sách đầu tư dài hạn, kiên trì xây dựng năng lực nghiên cứu thực chất, bền vững chứ không dành cho những con buôn làm khoa học kiểu ăn xổi, đếm bài trả tiền, dùng chiêu trò gian lận để chạy theo thành tích ảo.
Đó là chưa kể các trường này đã mua phải không ít hàng dỏm – những bài báo gian lận từ đám mafia khoa học nước ngoài – để rồi vừa bị nhiều tạp chí rút bỏ hàng loạt, làm ô danh nền khoa học nước nhà: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/733982221181946](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/733982221181946) & [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/679927599920742](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/679927599920742).
Trên bình diện quốc gia, sự vươn lên mạnh mẽ của các đại học Trung Quốc trong nghiên cứu đỉnh cao có thể là bài học tham khảo tốt cho Việt Nam. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 vừa được ban hành tháng trước hy vọng sẽ được triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại.
Đáng ngạc nhiên là một chiến lược quan trọng như vậy định hình nền khoa học Việt Nam trong gần một thập niên tới lại rất ít được nhắc đến trên truyền thông hay thảo luận trong cộng đồng khoa học cả trước lẫn sau khi nó được ban hành: [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-569-QD-TTg-2022-Chien-luoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-512896.aspx](https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-569-QD-TTg-2022-Chien-luoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-512896.aspx)
Shared link: https://thanhnien.vn/top-10-don-vi-nghien-cuu-viet-nam-theo-nature-index-thuc-luc-den-dau-post1472648.html
Statistics:
Likes: 361, Shares: 26, Comments: 76
Like Reactions: 335, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 6, Love Reactions: 15, Sad Reactions: 3, Angry Reactions: 0