Trần Quang Đại – 2022-05-24 00:46:01
HÀ NỘI CHI TIỀN TỶ CỬ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐI HỌC THẠC SĨ, TIẾN SĨ, ĐỂ LÀM GÌ?
-Nghe tin Hà Nội sẽ chi 61 tỉ đồng cử cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Khoản đầu tư này từ ngân sách TP, đến năm 2025 là hơn 272,3 tỉ đồng chi cho nâng cao năng lực cán bộ Hà Nội, mà ngao ngán.
Chỉ tiêu trong 4 năm, tổng số học viên được đào tạo là 9.430 học viên. Trong đó, bồi dưỡng công chức các sở, ngành; UBND cấp huyện là 3.970 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chức cấp xã 2.100 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị đơn vị cho viên chức lãnh đạo quản lý là 3.090 học viên; đào tạo sau đại học 270 học viên.
-Riêng về đào tạo sau đại học, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ.
TP cũng sẽ cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người (40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ).
Tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.
TIẾN SĨ LÀ ĐỂ LÀM KHOA HỌC, KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM QUAN
-Hà Nội cho rằng việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
-Thật cơ khổ, thời đại công nghệ 4.0 rồi mà các vị ở Hà Nội vẫn bảo lưu quan niệm cần tiến sĩ để làm…quan. Nói chính xác là thay đổi học vị cho cán bộ công chức trong bộ máy hành chính. Hà Nội dù có to cỡ nào thì cũng là một bộ máy hành chính vận hành với nguyên tắc thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Nói nôm na là cần người thừa hành, thực hiện các nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
Tất cả theo luật, theo quy định, quy chế, nội quy, điều lệ, nguyên tắc…, tuyệt đối không được làm khác và làm trái (bao nhiêu vụ tướng tá, sư sĩ, lãnh đạo…to nhỏ đi tù vì cố ý làm trái các quy định của pháp luật, biết rõ mười mươi mà còn làm trái).
-Còn thạc sĩ, tiến sĩ là các học vị để phục vụ hoạt động NGHIÊN CỨU KHOA HỌC. Không rõ trước khi đặt bút ký Đề án, ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có dành chút thời gian vàng ngọc, để liếc qua Điều 5 – Luật Giáo dục đại học 2012, như sau:
-“Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;
-Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn”.
-Kính thưa ngài Chu Ngọc Anh, hoạt động KHOA HỌC hoàn toàn khác biệt với hoạt động HÀNH CHÍNH CÔNG VỤ. Một bên chân lý là tối thượng, sáng tạo là tuyệt đối, cái mới là mục tiêu, không có giới hạn (khoa học), một bên là nguyên tắc, quy định, thừa hành, mệnh lệnh, quy củ (hành chính công vụ).
-Đương nhiên trong bộ máy hành chính của Hà Nội hiện nay có nhiều cá nhân xuất sắc, đủ khả năng để học thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng khi đào tạo thành công, thì chỗ phù hợp với họ không phải là bộ máy hành chính, mà là môi trường khoa học chuyên nghiệp. Người có học vị tiến sĩ không giúp gì cho công việc hành chính, và công việc hành chính sẽ cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học.
-Bộ máy hành chính cần định biên cố định. Cán bộ đi học, phải nghỉ làm việc nhiều năm, lúc đó cần tuyển người thay thế. Đến khi công chức đi học về, bộ máy đã đủ, biết bố trí vào đâu? Kinh phí cử đi học, trả lương cho người làm thay, hết sức tốn kém.
-Tóm lại, sẽ vô cùng lãng phí và không có căn cứ đào tạo hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ sẽ làm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính công.
-Thạc sĩ, tiến sĩ tưởng là ghê gớm lắm nhưng thực chất là đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp. Đây là các chuyên gia trong các lĩnh vực họ nghiên cứu. Môi trường hoạt động phù hợp của họ là các trường phổ thông, trường ĐH, viện nghiên cứu, tạp chí khoa học, các tổ chức xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp hoặc trong một số tổ chức đặc thù của Nhà nước…chứ không phải là cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính bình thường.
-Thật đáng tiếc, đây là vấn đề sơ đẳng, đã có nhiều người lên tiếng phản đối, can ngăn, nhưng không hiểu sao ngài CHU NGỌC ANH vẫn hạ bút ký thông qua!
KIẾN NGHỊ: Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, với các quy định cụ thể. Nguyên tắc là chỉ cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với các lĩnh vực cần thiết cho nhiệm vụ, công vụ, tuyệt đối không chi ngân sách đào tạo cán bộ để “nâng cao trình độ” chung chung. Mặt khác, cần hạn chế tối đa việc cử cán bộ đi học, mà nên tuyển dụng những người có bằng cấp, năng lực phù hợp vào các vị trí cần thiết, sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều.
Shared link: https://tienphong.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-40-can-bo-thuong-vu-thanh-uy-co-trinh-do-thac-si-tien-si-post1342353.tpo
Statistics:
Likes: 299, Shares: 29, Comments: 39
Like Reactions: 233, Haha Reactions: 44, Wow Reactions: 5, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 10, Angry Reactions: 1