Trần Quang Đại – 2022-05-19 02:48:54
GIAN DỐI TRONG THI KHOA HỌC KỸ THUẬT: BÁO ĐỘNG ĐỎ CHO GIÁO DỤC
-Những người làm khoa học chân chính và những người có hiểu biết, đều không một ai tin học sinh phổ thông Việt Nam có thể là chủ nhân của các dự án khủng khiếp ngang tầm tiến sĩ quốc tế như dự án của GS Hà-ĐHSP Hà Nội và TS Hùng-Đại học Thái Nguyên hướng dẫn. Vì các dự án đó đòi hỏi kiến thức chuyên sâu từ bậc thạc sĩ trở lên, thực hiện nhiều kĩ thuật phức tạp và quá trình thực hiện rất công phu, tốn kém.
-Không chỉ có chừng đó, đã hàng chục năm trôi qua, đã có hàng vạn, hàng chục vạn “dự án” tương tự trên cả nước, được các thầy cô “hướng dẫn”, các ban giám khảo “đánh giá thông qua” và được các cấp các ngành khen thưởng, đã có rất nhiều học sinh vào thẳng ĐH và nhận học bổng du học thông qua các Dự án thi KHKT. Những dự án mà những người làm khoa học chân chính đều không tin rằng các em học sinh phổ thông là chủ nhân. Và một điểm chung nữa, là hầu như không có dự án nào có ứng dụng, được sản xuất ra thị trường.
-Không phải vì các em học sinh không thông minh, không giỏi. Ngược lại là khác. Thế hệ sau luôn thông minh, xuất sắc và tiến bộ nhanh hơn thế hệ trước, đó là quy luật tiến hóa. Tuy nhiên, học sinh phổ thông Việt Nam không thể làm được, bởi vì tất cả các em đang vật vã với một chương trình quá nặng, dàn trải quá nhiều môn, hầu hết đều nặng về lý thuyết, với khối lượng bài tập đồ sộ.
Hệ thống trang thiết bị thí nghiệm? Có, nhưng không đầy đủ và rất nhiều trường hợp kém chất lượng do tham nhũng. Thực chất hầu hết các nhà trường đều không chú trọng khâu thực hành thí nghiệm, vì nó không đem lại thành tích, không phục vụ nhiều cho việc thi cử, lên lớp, vào đại học.
Tất cả lao vào luyện thi, dạy thêm, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi để có thành tích trong các cuộc thi. Những đề thi học sinh giỏi mà độ khó đến mức khủng khiếp, muốn vượt qua thì ngoài yếu tố chọn học sinh xuất sắc ra, cần phải tìm đúng “thầy” để mà tầm sư học đạo. Đương nhiên là rất tốn kém.
-Theo cảm nhận của cá nhân tôi, giáo dục hiện nay là nền giáo dục “giải bài tập” và “luyện thi”, “học thuộc bài”, chứ không phải chú trọng phát huy cá tính sáng tạo như ở nhiều nước phương Tây. Hãy đọc đề thi môn Ngữ văn quốc gia, thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp nhiều năm qua, thì rõ: Học sinh phải làm đúng dàn ý của đáp án; đáp án cố định có sẵn và cho điểm chi tiết đến 0,25. Em nào làm bài “lạc đề”, “lạc tủ” là coi như ăn điểm zero, những bài xuất sắc, điểm 9-10 là những bài “đúng đáp án”, “đúng ý thầy”.
Trong khi văn chương, nghệ thuật là chuyện cảm nhận cá nhân. Một bài thơ, bức tranh, ông A có thể cho là đẹp, hay nhưng bà B cho là sổ toẹt, rất bình thường. Cái đó không tồn tại trong đề Văn ở VN. Thầy cho hay là trò phải khen hay, thầy chê xấu là toàn thể học trò phải lên án!
-Vì phương pháp, nội dung giáo dục như thế, nên tôi không thể nào giải thích được, tại sao học sinh lớp 9 – lớp 10 lại sáng chế “đầu dò nano để chữa ung thư”, rồi lại có sáng chế về nuôi tôm, ngao dầu, chữa bệnh ký sinh trùng cho trâu bò….và đủ thứ robot, thiết bị y tế, dược phẩm, rồi thiết bị cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn…Không phải các em không “có tâm” hay không giỏi, mà thực tế những lĩnh vực đó hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, với công việc, với nội dung học tập, kiến thức, kinh nghiệm của các em.
Mọi cái đều phải có nguồn gốc. Tài sản lớn mà không chứng minh được nguồn gốc nghĩa là “có vấn đề”, thường là do phạm tội mà có. Những dự án cao siêu, xa lạ, phức tạp, chuyên sâu vốn chỉ dành cho giới chuyên môn của người lớn, trí thức, chuyên gia… bất ngờ xuất hiện trong tay các chủ nhân là học sinh phổ thông để đi thi, điều này cần được giải thích một cách thuyết phục, nếu không cần phải loại bỏ ngay từ vòng sơ tuyển, vì đó là sản phẩm ăn cắp hoặc vay mượn, hay do người khác làm hộ.
-Thế mà, cuộc thi KHKT vẫn diễn ra êm ru, năm này qua năm khác, chấm điểm, khen thưởng, tôn vinh rầm rộ? Có phải thầy cô, hiệu trưởng, ban giám khảo, quan chức Bộ Giáo dục – Đào tạo không biết? Tôi không nghĩ là họ không biết.
Nếu thế thì quả là một báo động đỏ cho nền giáo dục, mà nếu không ngăn chặn, thì ngày càng nát, đất nước càng tụt hậu, thế hệ trẻ ngày càng hư hỏng.
Statistics:
Likes: 315, Shares: 28, Comments: 20
Like Reactions: 296, Haha Reactions: 5, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 9, Sad Reactions: 4, Angry Reactions: 0