Duong Tu – 2022-04-08 02:01:15
Nhân một số thảo luận luận gần đây trong nhóm Liêm Chính Khoa Học về kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông và cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, xin chia sẻ lại bài viết “***Nuôi dưỡng đam mê khoa học ở trẻ em***” mà tôi đã đăng hồi đầu năm ngoái như một gợi ý tham khảo giúp các bạn nhỏ Việt Nam tiếp cận với khoa học một cách chuyên nghiệp, bài bản, thực chất, bền vững thay vì bị một số người lớn dẫn dắt vào con đường gian lận và chạy theo thành tích ảo.
Hiển nhiên không phải học sinh nào tham gia các cuộc thi này cũng gian lận, nhưng rõ ràng có không ít dự án đoạt giải chỉ cần đọc tên thôi sẽ thấy ngay chúng nhiều khả năng là sản phẩm của luận án tiến sĩ hay luận văn thạc sĩ. Một số bác đã chỉ ra những dự án như vậy, chẳng hạn:
– Dự án “*Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)*” của Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường, học sinh THPT Chuyên Thái Nguyên rất giống luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng “*Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gen kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày*” của Nguyễn Thị Hải Hồng do TS Lê Thị Thanh Hương ở Đại học Thái Nguyên hướng dẫn: https://123docz.net/document/6197818-nghien-cuu-tac-dong-cua-dich-chiet-la-khoi-ardisia-gigantifolia-stapf-len-su-bieu-hien-cua-cac-gen-kiem-soat-chu-ky-te-bao-cua-te-bao-goc-ung-thu-da-d.htm
– Dự án “*Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lí ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt*” của Đỗ Minh Quân và Nguyễn Thiên Lương, học sinh THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam có vẻ như là từ luận văn thạc sĩ chuyên ngành hóa dầu “*Tổng hợp và đánh giá hoạt tính quang của vật liệu xúc tác trên cơ sở g-C3N4*” của Đoàn Duy Hùng do TS Đặng Văn Đoàn và PGS TS Nguyễn Thanh Bình ở Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn: https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/65653
Trong môi trường khoa học mà cả năng lực lẫn năng suất nghiên cứu của nhiều giáo sư, tiến sĩ vẫn còn tương đối khiêm tốn, thì việc học sinh mang những đề tài vượt quá xa cả điều kiện nghiên cứu tại các trường trung học lẫn khả năng của các em để dự thi ngay lập tức gây cảm giác tương phản và bất thường.
Với những trường hợp gian lận, tuy giải thưởng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hay cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật có thể mang lại thành tích, niềm vui, niềm tự hào giả tạo nhất thời cho các bên liên quan – từ học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo đến nhà trường, các địa phương lẫn toàn ngành giáo dục – nhưng hậu quả của gian dối có thể kéo dài rất nhiều năm tháng sau đó, chẳng khác nào tìm cách say bằng rượu rẻ tiền trong chốc lát để rồi ngộ độc, suy gan, rối loạn tâm thần trong dài hạn.
Những học sinh không có thực lực nhưng được bố mẹ, thầy cô tìm mọi cách biến thành tài năng khoa học thì sớm hay muộn, khả năng thật của học sinh sẽ lộ rõ khi các em rơi vào những hoàn cảnh, môi trường không còn sự bao bọc, che đỡ của người lớn.
Điều đáng tiếc hơn nhiều là những gì xảy ra với các học sinh thực sự có năng lực, hoàn toàn có thể thành công bằng chính tài năng của các em mà không cần phải gian dối, nhưng vẫn buộc phải tham gia vào hệ thống gian lận của người lớn. Sau này khi các em trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, nhận thức tốt hơn, những gian dối thời niên thiếu sẽ mãi là vết thương, gánh nặng và sự mặc cảm âm ỉ mà các em phải mang theo và che giấu suốt cuộc đời, gần như không bao giờ dám nói ra để giải thoát cho chính mình, bởi sợ ảnh hưởng đến bố mẹ và thầy cô. Đó thực sự là một bi kịch lớn.
Tương tự, với những học sinh tham gia cuộc thi bằng tâm thế trung thực, thực hiện những dự án vừa sức, đúng với khả năng của các em nhưng không bao giờ có cơ hội tranh giải với các dự án gian lận, cả tình yêu của các em dành cho khoa học lẫn niềm tin vào sự trong sáng và liêm chính trong khoa học đều sẽ bị sứt mẻ và tổn thương nặng nề.
Những người lớn đứng sau gian lận trong các cuộc thi này có nên hủy hoại niềm kiêu hãnh và sự tự tin của con em mình vào năng lực thực sự của bản thân cũng như tình yêu của chúng dành cho khoa học để đổi lấy thành tích ảo, tự hào giả tạo nhất thời và những cơn say chốc lát bằng rượu rẻ tiền hay không?
Shared link: https://www.youtube.com/c/MangoVid
Statistics:
Likes: 248, Shares: 52, Comments: 8
Like Reactions: 210, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 35, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0