Duong Tu – 2022-03-26 00:46:11
**TRÍCH DẪN ĐA CẤP VÀ BĂNG NHÓM TRÍCH DẪN**
Trong bài viết về “giáo sư ngoại” Tim Chen của Trường ĐH Tôn Đức Thắng từng tham gia lừa đảo khoa học chấn động Đài Loan khiến Bộ trưởng Giáo dục nước này phải từ chức, tôi có nhắc đến khái niệm “***citation ring***” hay “***băng nhóm trích dẫn***” – một trong những bằng chứng gian lận khiến Journal of Vibration and Control và Nhà xuất bản SAGE rút bỏ đồng loạt 60 bài báo của hai anh em Tim Chen: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/679927599920742](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/679927599920742).
Trích dẫn (citation) là một chỉ số quan trọng đo lường mức độ ảnh hưởng của cả công trình khoa học lẫn cá nhân nhà nghiên cứu, cũng như chiếm trọng số lớn trong xếp hạng đại học. Nhiều cơ sở nghiên cứu sử dụng chỉ số trích dẫn để đánh giá nhà khoa học. Một số nơi còn thưởng tiền không chỉ cho việc công bố bài báo mà còn cho số lượt trích dẫn bài báo nhận được.
Một sự trùng hợp thú vị là blog mang tên Science Integrity Digest của TS Elisabeth Bik cũng vừa chia sẻ bài mới về hiện tượng gian lận trích dẫn. Elisabeth Bik là chuyên gia nổi tiếng thế giới về liêm chính khoa học được vinh danh với giải thưởng John Maddox hồi cuối năm ngoái: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/611783133401856](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/611783133401856).
Bài viết “***Citation Statistics and Citation Rings***” [1] của Elisabeth Bik dẫn lại một nhận định trên Nature rằng “*việc chú trọng các chỉ số trắc lượng khoa học cũng làm gia tăng các hành vi không phù hợp, chẳng hạn các tác giả công bố nhiều bài báo đạo văn hoặc gian lận dữ liệu, tự trích dẫn không hợp lý hay thông đồng trích dẫn lẫn nhau nhằm thổi phồng lượt trích dẫn*” [2].
Các băng nhóm chuyên trích dẫn bài của nhau nhằm gian lận số lượt trích dẫn được gọi là “***citation ring***”, “***citation cartel***” hay “***clubbing***”. Thí dụ minh họa về băng nhóm trích dẫn mà Elisabeth Bik đưa ra chính là trường hợp anh em Tim Chen bị gỡ bỏ cùng lúc 60 bài báo [3]. Dẫn chứng cụ thể hơn là một bài báo nơi hai anh em họ Chen này tự trích dẫn vài chục lần, trích dẫn cả những bài không liên quan của chính mình, chỉ trong một câu ở phần Conclusions [4].
TS Bik cũng nhắc đến một nghiên cứu trên tạp chí JASIST năm 2015 mang tên “***Is there a clubbing effect underlying Chinese research citation increases?***” cho thấy các bài báo được trích dẫn nhiều (highly cited paper) của tác giả Trung Quốc thường nhận được phần lớn trích dẫn cũng từ Trung Quốc, từ cùng nơi làm việc của tác giả, hoặc từ chính tác giả. Đây là hiện tượng quen thuộc ở Trung Quốc khi các mối quan hệ cá nhân khiến các tác giả hay phải trích dẫn đồng nghiệp cùng cơ quan hoặc trích dẫn các cây đa cây đề tại nước này – những người có ảnh hưởng đến việc đánh giá bổ nhiệm và xét duyệt đề tài của họ.
Một hình thức gian lận trích dẫn tinh vi và mang tính tổ chức cao hơn, đó là có những đại lý đứng ra bán trích dẫn cho các tác giả. Cách thức hoạt động của mô hình này như sau:
* **Bước 1**: Tác giả trả tiền cho đại lý để đưa các bài báo của tác giả vào “tổng kho” của đại lý.
* **Bước 2**: Khi có một bản thảo mới chuẩn bị công bố, tác giả thông báo cho đại lý biết tiêu đề và từ khóa của bản thảo. Đại lý yêu cầu tác giả trích dẫn một số bài báo nằm trong tổng kho. Các bài báo này có thể không liên quan trực tiếp đến nội dung bản thảo mà thuộc về chủ đề nghiên cứu chung rộng hơn.
* **Bước 3**: Đổi lại, đại lý sẽ yêu cầu các nhóm khác trích dẫn các công trình của tác giả. Các bài báo mới lại tiếp tục được bổ sung vào tổng kho.
Bằng cách này, danh sách tác giả và bài báo trong tổng kho của đại lý ngày càng dài thêm. Đại lý có thể cam kết với tác giả con số rõ ràng, chẳng hạn trong năm tới sẽ giúp tác giả có thêm 100 trích dẫn. Đó cũng chính là cách mà các đại lý tạo ra hàng loạt “ISI highly cited paper”, giúp số lượt trích dẫn của tác giả tăng vọt, đi cùng với nó là giải thưởng, tiền thưởng, tiền tài trợ và danh tiếng [5].
Khác với băng nhóm trích dẫn truyền thống nơi một nhóm tác giả quen biết nhau và thỏa thuận trích dẫn lẫn nhau, mô hình đại lý buôn bán trích dẫn này khiến những người tuy không hề quen biết nhưng vẫn có thể giúp nhau ngụy tạo trích dẫn, dưới sự quản lý và điều hành của các đại lý.
Mô hình đại lý buôn bán trích dẫn này được Elisabeth Bik gọi là “***trích dẫn đa cấp***” hay “***Ponzi citations***”.
Các băng nhóm trích dẫn hay trích dẫn đa cấp dễ dàng qua mặt quy trình bình duyệt bởi hầu hết chuyên gia bình duyệt thường không kiểm tra danh mục tài liệu tham khảo khi đánh giá các bản thảo. Có những trường hợp sau khi bản thảo bài báo đã được chấp nhận công bố, tác giả bổ sung thêm một vài câu kèm theo hàng loạt tài liệu tham khảo chỉ nhằm mục đích gian lận trích dẫn.
Trong bài viết “***Tam giác ma quỷ và vòng xoáy tha hóa***”, tôi cũng đã giải thích tại sao những kẻ lừa đảo như anh em nhà Tim Chen có thể thao túng quá trình bình duyệt ở các tạp chí ISI/Scopus để đăng hàng trăm bài báo rác rưởi: “*Quy bình bình duyệt của các tạp chí được tạo ra để chuyên gia bình duyệt nhận xét, góp ý, giúp tác giả cải thiện chất lượng nghiên cứu và nội dung bài báo. Quy trình này chưa bao giờ được thiết kế với mục đích phát hiện và loại trừ gian lận – bởi như đã nói – các chuyên gia bình duyệt đọc và đánh giá bản thảo dựa trên niềm tin mặc định về sự trung thực của tác giả*”: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/667848617795307](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/667848617795307/).
Việc phát hiện và giải quyết vấn nạn trích dẫn đa cấp hay băng nhóm trích dẫn đang và sẽ là một thách thức rất lớn đối với những ai quan tâm đến liêm chính khoa học và muốn làm trong sạch môi trường nghiên cứu.
**References**
1. https://scienceintegritydigest.com/2022/03/23/citation-statistics-and-citation-rings
2. [https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8](https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8)
3. [https://retractionwatch.com/2014/07/08/sage-publications-busts-peer-review-and-citation-ring-60-papers-retracted/](https://retractionwatch.com/2014/07/08/sage-publications-busts-peer-review-and-citation-ring-60-papers-retracted/)
4. [https://pubpeer.com/publications/B3B8EC36FB699CAB8B127F494BB49A](https://pubpeer.com/publications/B3B8EC36FB699CAB8B127F494BB49A)
5. [https://pubpeer.com/publications/940C291607CF03969C6A936F8BA5B9#2](https://pubpeer.com/publications/940C291607CF03969C6A936F8BA5B9#2)
***
Image credit: https://scholarlykitchen.sspnet.org/2016/09/26/visualizing-citation-cartels/
Shared link: https://scienceintegritydigest.com/2022/03/23/citation-statistics-and-citation-rings
Statistics:
Likes: 291, Shares: 36, Comments: 23
Like Reactions: 270, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 7, Love Reactions: 9, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 1