Duong Tu – 2022-03-13 00:22:44
**VẤN NẠN TẠP CHÍ LỪA ĐẢO: TỪ VIỆT NAM ĐẾN PAKISTAN**
Pakistan không chỉ là quốc gia có mặt bằng khoa học khá tương đồng với Việt Nam, mà nước này còn phải đối mặt với tình trạng gian lận học thuật rất giống những gì chúng ta thảo luận gần đây về một số vấn nạn trong nền khoa học nước nhà.
Tôi đã từng giới thiệu nhiều bài viết về tình hình khoa học Pakistan, nơi đang diễn ra nạn chạy đua số lượng công bố khoa học, đăng hàng loạt bài báo rởm hay những mánh khóe gian lận xếp hạng đại học và đạo văn: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/630222104891292/](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/630222104891292/)
Tháng trước, một tạp chí cướp danh (hijacked journal) đã được nhắc đến rất nhiều cả trong nhóm LCKH lẫn trên báo chí như là nơi đăng bài cho không ít ứng viên giáo sư, phó giáo sư; đó là Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (tức TURCOMAT) với kẻ cầm đầu là Đinh Trần Ngọc Huy, một đầu nậu chuyên môi giới và thực hiện hành vi mua bán bài báo: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/655661662347336](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/655661662347336).
Mới đây, tờ The News vừa đăng bài phân tích về một tạp chí cướp danh cũng đang thực hiện trò lừa đảo tương tự tại Pakistan, với cái tên na ná TURCOMAT, đó là Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation (TJPR): [https://www.thenews.com.pk/print/937322-fraudulent-journal-impersonating-legitimate-one-deceives-both-hec-pakistani-academics](https://www.thenews.com.pk/print/937322-fraudulent-journal-impersonating-legitimate-one-deceives-both-hec-pakistani-academics).
Để đối phó với vấn nạn tạp chí săn mồi, vào tháng 7/2020, Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan (Higher Education Commission – HEC) đã lập một danh sách các tạp chí được chấp nhận mà các nhà nghiên cứu phải tham khảo trước khi đăng bài. Tuy nhiên, tờ The News phát hiện trong danh sách tạp chí của HEC có lẫn cả tạp chí cướp danh TJPR nói trên, khiến nhiều nhà nghiên cứu Pakistan công bố trên tạp chí này – một số dù biết đó là tạp chí lừa đảo nhưng vẫn cố tình đăng bài, số khác không biết nên đã lãng phí cả thời gian, công sức lẫn tiền của cho nó.
Tạp chí gốc ra đời từ năm 1974 và hiện xuất bản trên DergiPark, một nền tảng chung của nhiều tạp chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, tại địa chỉ [https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr](https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr); còn tạp chí cướp danh chỉ mới được tạo ra vào tháng 3/2021, lấy địa chỉ là [https://turkjphysiotherrehabil.org](https://turkjphysiotherrehabil.org/). Tạp chí cướp danh đã sao chép cả tên, mã ISSN lẫn thông tin nhận diện của tạp chí gốc. Trong khi tạp chí gốc nằm trong danh mục ISI, thì tạp chí cướp danh đã đánh lừa được Scopus để các bài báo của nó xuất hiện trong cơ sở dữ liệu Scopus.
Tờ The News đã kiểm tra bằng cách liên lạc với ban biên tập cả hai tạp chí. Trong khi tạp chí cướp danh không phản hồi thì tạp chí gốc cho biết họ không có quan hệ gì với tạp chí cướp danh và đã bị giả mạo tên tuổi. The News cũng phát hiện tạp chí cướp danh đăng hàng ngàn bài báo với nhiều tác giả công bố cả trăm bài trong cùng một số (issue). Chẳng hạn, trong Volume 32, Issue 2, một tác giả là giảng viên cao cấp tại một đại học và bệnh viện ở Ấn Độ đăng một loạt 98 bài. Trong một issue khác, người này đăng 46 bài.
Khi The News hỏi ý kiến những người phụ trách danh mục tạp chí của Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan, tờ báo này nhận được câu trả lời rằng “*hai tạp chí đó là một*”.
Như vậy, tạp chí cướp danh TJPR đã không chỉ qua mặt Scopus mà còn lừa được cả HEC. Trong khi đó, Beall’s List chỉ rõ tạp chí cướp danh này: [https://beallslist.net/standalone-journals](https://beallslist.net/standalone-journals) (vị trí thứ 4 từ dưới lên).
Trả lời The News, Chủ tịch đương nhiệm của HEC đổ lỗi vấn nạn gian lận học thuật tại Pakistan cho các chính sách giáo dục đại học trước đây của nước này: thưởng tiền cho công bố và đề bạt chức vụ dựa trên số lượng bài báo khiến nhiều người tìm mọi cách để đăng được càng nhiều bài càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng, cũng không thèm để ý tạp chí họ đăng bài là chính thống, săn mồi hay cướp danh. Điều này dẫn đến đạo văn và nghiên cứu giả mạo tràn lan tại Pakistan, chỉ để phục vụ cho việc đăng bài.
Sau khi bị The News nêu đích danh là lừa đảo, trang web của tạp chí cướp danh tại địa chỉ [https://turkjphysiotherrehabil.org](https://turkjphysiotherrehabil.org/) đã không còn truy cập được nữa (nhưng vẫn còn bản lưu trên Wayback Machine: [https://web.archive.org/web/20220202190330/https://turkjphysiotherrehabil.org](https://web.archive.org/web/20220202190330/https:/turkjphysiotherrehabil.org)).
Trong khi đó, tạp chí mạo danh TURCOMAT của đầu nậu Đinh Trần Ngọc Huy vẫn ngang nhiên hoạt động và tiếp tục trò lừa đảo của nó như một sự chế giễu cộng đồng khoa học và thách thức các cơ quan quản lý./.
***
Do bản tính tò mò nên tôi đã thử kiểm tra nhanh xem có ứng viên GS, PGS nào là nạn nhân của tạp chí mạo danh “Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation” hay không, bằng lệnh tìm kiếm đơn giản qua Google: [https://www.google.com/search?q=%22Turkish+Journal+of+Physiotherapy+and+Rehabilitation%22+site%3Ahdgsnn.gov.vn&rlz=1C1GCEU_enUS821US821&oq=%22tu&aqs=chrome.1.69i59l2j69i57j35i39j69i65l3j69i60.1720j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8](https://www.google.com/search?q=%22Turkish+Journal+of+Physiotherapy+and+Rehabilitation%22+site%3Ahdgsnn.gov.vn&rlz=1C1GCEU_enUS821US821&oq=%22tu&aqs=chrome.1.69i59l2j69i57j35i39j69i65l3j69i60.1720j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8)
Google cho biết có 2 ứng viên PGS năm 2021 đăng bài trên “Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation”, đó là:
– Ứng viên Phạm Văn Tài: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2021/ungvien_hdn/PHAM%20VAN%20TAI.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2021/ungvien_hdn/PHAM%20VAN%20TAI.pdf)
– Ứng viên Nguyễn Văn Chương: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2021/ungvien_hdn/NGUYEN%20VAN%20CHUONG.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2021/ungvien_hdn/NGUYEN%20VAN%20CHUONG.pdf)
Tôi kiểm tra tiếp xem “Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation” mà hai ứng viên này đăng bài là tạp chí gốc hay tạp chí cướp danh.
Ứng viên Phạm Văn Tài đăng 2 bài cạnh nhau trên Volume 32, Issue 2 (là bài thứ 57 và 58 theo Bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của ứng viên này, trang 18):
-Bài 1: A study of consumers’ decision in purchasing electric luxurious cars: The experience of Mercedez in Ho Chi Minh City, Vietnam, 32 (2) 8129-8143.
– Bài 2: Drives of customer satisfaction with the quality of technical services offered by Siemens healthcare company, Vietnam, 32 (2) 8144-8156.
Tuy nhiên, khi xem Volume 32, Issue 2 của tạp chí gốc tại địa chỉ [https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr/issue/65131](https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr/issue/65131) thì không thấy hai bài trên. Volume 32, Issue 2 của tạp chí gốc cũng chỉ có 12 bài, với trang cuối cùng là 199 chứ không lên đến hơn 8 ngàn trang.
Như vậy, có thể khẳng định ứng viên Phạm Văn Tài đã đăng hai bài trên tạp chí mạo danh “Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation” (tạp chí mạo danh hiện không còn truy cập được nữa sau khi bị bêu danh trên tờ The News).
Tương tự, ứng viên Nguyễn Văn Chương đăng một bài trên Volume 32, Issue 3, trang 6786-6791 (là bài thứ 36 theo Bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của ứng viên này, trang 13-14). Khi kiểm tra Volume 32, Issue 3 của tạp chí gốc tại địa chỉ [https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr/issue/68125](https://dergipark.org.tr/en/pub/tjpr/issue/68125) thì không thấy bài nào như ứng viên đã kê khai. Volume 32, Issue 3 của tạp chí gốc cũng chỉ có 120 trang chứ không lên đến gần 7 ngàn.
Hai ứng viên Phạm Văn Tài và Nguyễn Văn Chương còn đăng nhiều bài trên các tạp chí săn mồi và mạo danh khác nữa.
Lẽ ra nếu không tò mò, tôi đã không biết đến và khỏi phải buồn hay thất vọng về một số ứng viên GS, PGS của chúng ta. Nhưng vẫn còn may là sự thất vọng đã ngăn tôi tìm hiểu tiếp các trường hợp khác đăng bài trên tạp chí dỏm, không thì có lẽ tôi đã còn thất vọng hơn nhiều nữa. Vả lại, đó là chức trách và nhiệm vụ của các hội đồng.
Statistics:
Likes: 164, Shares: 14, Comments: 7
Like Reactions: 145, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 11, Angry Reactions: 1