Duong Tu – 2022-01-09 02:39:51
**CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN TRONG BÀI BÁO KHOA HỌC**
Đa số bài báo khoa học có độ dài vài đến vài chục trang, chứa hàng ngàn đến hàng vạn từ. Tuy nhiên, có những bài báo lại cực kỳ ngắn gọn.
Hơn 250 năm trước, nhà toán học Leonhard Euler đưa ra giả thuyết mang tên ông rằng cần ít nhất n lũy thừa bậc n để biểu diễn tổng của một lũy thừa bậc n khác với n>2. Giả thuyết này đứng vững suốt gần hai thế kỷ, tới tận năm 1966 trước khi bị bác bỏ bởi một bài báo chỉ gồm đúng 2 câu, 5 dòng của hai nhà toán học L. J. Lander và T. R. Parkin đăng trên tập san của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ (Bulletin of the American Mathematical Society).
Trong công trình này, Lander và Parkin đã bác bỏ giả thuyết Euler bằng cách nêu ra đúng một phản ví dụ: chỉ cần 4 lũy thừa bậc 5 của 27, 84, 110 và 133 là đủ để biểu diễn lũy thừa bậc 5 của 144 (Ảnh 1): https://www.ams.org/journals/bull/1966-72-06/S0002-9904-1966-11654-3. Bài báo ngắn gọn của Lander và Parkin đã được trích dẫn hơn 100 lần.
Nhưng công trình dài 2 câu này chưa phải bài báo ngắn nhất từng được công bố. Kỷ lục về độ ngắn của một bài báo khoa học thuộc về công trình “*The unsuccessful self-treatment of a case of “writer’s block*” – tạm dịch: “*Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng*” – của tác giả Dennis Upper, công bố trên tạp chí Journal of Applied Behavior Analysis năm 1974 (Ảnh 2): https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1901/jaba.1974.7-497a.
Bài báo phản ánh hết sức trung thực và là kết quả trực tiếp của thất bại trong việc tự điều trị tình trạng bí ý tưởng (writer’s block). Thật vậy, do bí ý tưởng nên tác giả Dennis Upper đã không viết được bất kỳ một chữ nào trong nội dung công trình. Tuy thế, bản thảo lại nhanh chóng được tạp chí chấp nhận công bố ngay mà tác giả không cần phải chỉnh sửa gì thêm (published without revision) – một kết quả vô cùng đáng thèm muốn với bất kì ai đã từng trải qua năm lần bảy lượt sửa tới sửa lui bản thảo để được các tạp chí đăng tải.
Chuyên gia bình duyệt bài báo của Dennis Upper cho biết người này đã nghiên cứu bản thảo rất kĩ lưỡng bằng cả nước chanh lẫn tia X và không phát hiện bất kì sai sót nào trong thiết kế nghiên cứu hoặc cách viết. Ngoài ra, chuyên gia cho rằng bài báo tuy ngắn gọn nhưng đã cung cấp đầy đủ chi tiết cho phép các nhà nghiên cứu khác lặp lại thất bại của tác giả.
Công trình cực ngắn này cũng đã được trích dẫn hơn 100 lần.
***
Không chỉ nội dung bài báo từng được rút ngắn đến mức tối giản, phần tóm tắt của các công trình khoa học (abstract) thường có độ dài vài trăm từ cũng có thể được rút gọn tối đa.
Một thí dụ tiêu biểu là bài báo được công bố cách đây 10 năm trên tạp chí Journal of Physics A: Mathematical and Theoretical, mang tên “*Can apparent superluminal neutrino speeds be explained as a quantum weak measurement?*” – tạm dịch: “*Liệu có thể giải thích vận tốc hạt neutrino nhanh hơn ánh sáng như là một phép đo lượng tử yếu?*” (Ảnh 3): https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1751-8113/44/49/492001.
Tuy nội dung công trình này dài hơn 4 trang với nhiều phương trình toán học phức tạp, phần abstract của bài báo chỉ bao gồm hai từ và đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi đặt ra trong tiêu đề bài báo: Probably not.
Một bài báo khác công bố năm 1974 trên tập san của Hiệp hội Địa chấn Hoa Kỳ (Bulletin of the Seismological Society of America) có abstract còn súc tích hơn nữa.
Tương tự bài báo về vận tốc hạt neutrino trên đây, công trình của hai tác giả Gardner và Knopoff đặt câu hỏi ngay trong tiêu đề: “*Is the sequence of earthquakes in Southern California, with aftershocks removed, Poissonian?*” – tạm dịch: “*Chuỗi động đất tại Nam California, sau khi đã loại bỏ dư chấn, có tuân theo phân phối Poisson hay không?*”. Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trong abstract chỉ gồm đúng một từ: Yes (Ảnh 4: https://pubs.geoscienceworld.org/ssa/bssa/article-abstract/64/5/1363/117341).
Bài báo với abstract không thể ngắn hơn này đã được trích dẫn tới gần 2000 lần, phải chăng phần nào nhờ tóm tắt độc đáo của nó?
Statistics:
Likes: 520, Shares: 78, Comments: 11
Like Reactions: 394, Haha Reactions: 68, Wow Reactions: 8, Love Reactions: 48, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0