Duong Tu – 2021-11-28 03:33:19
**Quốc hội Anh tổ chức điều trần về liêm chính nghiên cứu**
Vào lúc ***4h30 chiều, giờ Việt Nam, ngày Thứ Tư tuần tới 1/12/2021***, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh sẽ tổ chức phiên điều trần chính thức về liêm chính nghiên cứu.
Trong bối cảnh Vương quốc Anh đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của Cơ quan phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh (UK Research and Innovation – UKRI), mỗi đồng chi cho nghiên cứu và phát triển sẽ tạo ra 7 đồng lợi ích về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, liêm chính nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực y khoa và khoa học xã hội, đang đối mặt với một nguy cơ lớn gọi là “***cuộc khủng hoảng tái lập***” (reproducibility crisis) khi kết quả nhiều nghiên cứu rất khó hoặc không thể lặp lại.
Trước thực trạng này, UKRI đang xúc tiến thành lập một hội đồng liêm chính nghiên cứu quốc gia theo khuyến nghị của Ủy ban Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ trước: https://publications.parliament.uk/pa/cm201719/cmselect/cmsctech/350/350.pdf
“*Sự minh bạch là nền tảng của một hệ thống liêm chính nghiên cứu lành mạnh. Hội đồng liêm chính nghiên cứu quốc gia mà chúng tôi khuyến nghị thành lập cần công bố báo cáo thường niên về thực trạng liêm chính nghiên cứu tại Anh Quốc, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghiên cứu, và thu thập thông tin về: các trường hợp bị rút bài, các vụ điều tra về hành vi sai trái trong nghiên cứu và kết quả điều tra, việc tuân thủ Giao ước về liêm chính nghiên cứu, cũng như việc tiến hành đào tạo về liêm chính khoa học*”.
Trước phiên điều trần tuần sau, Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh – nghị sĩ Greg Clark – cho biết:
“*Khoa học không nên là hoạt động bí mật. Khi các ý tưởng được kiểm tra bằng dữ liệu, các nhà khoa học khác phải có khả năng đánh giá phương pháp, chất vấn về các kết luận và lặp lại được nghiên cứu.*
*Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu cần tiếp cận được dữ liệu, lặp lại và xác thực các kết quả. Phiên điều trần này sẽ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi liệu có hay không một “cuộc khủng hoảng tái lập” trong khoa học, cũng như cần làm gì để tạo dựng và duy trì một môi trường nghiên cứu mở, có thể chất vấn và nghiêm túc*”.
Để chuẩn bị cho phiên điều trần, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh đã tiến hành thu thập ý kiến về các chủ đề sau:
1. Phạm vi của cuộc khủng hoảng tái lập và các lĩnh vực nghiên cứu bị tác động mạnh nhất;
2. Những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tái lập;
3. Vai trò của các bên trong việc giải quyết khủng hoảng tái lập:
– các cơ quan tài trợ
– các cơ sở nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu
– cá nhân các nhà khoa học
– các nhà xuất bản
– chính phủ
4. Những chính sách hoặc mô hình có thể tác động tích cực lên việc thực hiện những nghiên cứu có khả năng tái lập;
5. Việc thành lập một hội đồng quốc gia về liêm chính nghiên cứu có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc khủng hoảng tái lập.
Đã có 88 tổ chức và cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản tới Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh, phục vụ cho phiên điều trần, trong đó có nhiều ý kiến chi tiết và giá trị, rất đáng tham khảo: https://committees.parliament.uk/work/1433/reproducibility-and-research-integrity/publications/written-evidence/
4 người được mời tham gia phiên điều trần gồm
* GS Marcus Munafo, Đại học Bristol: https://en.wikipedia.org/wiki/Marcus_Munafo
* GS Dorothy Bishop, Đại học Oxford: https://en.wikipedia.org/wiki/Dorothy_V._M._Bishop
* TS Ivan Oransky, Đồng sáng lập Retraction Watch: https://retractionwatch.com/meet-the-retraction-watch-staff/about/
* GS Neil Ferguson, Đại học Hoàng gia London: https://en.wikipedia.org/wiki/Neil_Ferguson_(epidemiologist)
Thông tin chi tiết về buổi điều trần: https://committees.parliament.uk/work/1433/reproducibility-and-research-integrity/
Toàn bộ phiên điều trần sẽ được tường thuật trực tiếp trên website của Quốc hội Anh: https://parliamentlive.tv/event/index/e4fa2fa3-7f11-4dfa-b077-68795defbe8c
Đây là cơ hội tuyệt vời để những ai quan tâm đến liêm chính khoa học cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tham khảo kinh nghiệm lập pháp và thể chế hóa chính sách quản lý khoa học của Vương quốc Anh.
Shared link: https://committees.parliament.uk/work/1433/reproducibility-and-research-integrity/
Statistics:
Likes: 100, Shares: 12, Comments: 25
Like Reactions: 94, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0