Quý Hiên Lê – 2021-11-22 11:57:06
**ĐỂ CÓ “TIẾN SĨ THẬT”**
**”Trả lương” cho nghiên cứu sinh **
Cách đây vài tháng, trên diễn đàn này có tranh luận về quy chế đào tạo tiến sĩ, trong đó nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định cứng yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế sẽ có nguy cơ cho ra lò hàng loạt TS rởm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để có tiến sĩ thật thì có một số yếu tố chi phối, trong đó quan trọng là làm sao để NCS có điều kiện toàn tâm toàn ý học nghiên cứu, mà trả lương cho NCS là một giải pháp. Cũng trong mạch ý kiến này, một số nhà khoa học cho rằng chất lượng đào tạo tiến sĩ nên để các cơ sở đào tạo tự chịu trách nhiệm, từng cơ sở sẽ có cách nâng cao chất lượng của mình nếu muốn khẳng định đẳng cấp trong hệ thống GD ĐH. Các cơ sở đào tạo muốn có chất lượng thực thì sẽ đầu tư cả về cả con người (người thầy) lẫn nguồn lực cơ sở vật chất – tài chính để thu hút người giỏi theo học, từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.
Thực tế cách đặt vấn đề này không viển vông, bởi ngay khi diễn đàn đang tranh luận sôi nổi thì một trường ĐH tư thông báo tuyển sinh tiến sĩ mà người học được “trả lương”.
Hoặc mới đây thôi, ĐH Quốc gia Hà Nội ra quyết định ban hành quy định xét cấp học bổng cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có năng lực nghiên cứu xuất sắc. Mục đích để thu hút, khuyến khích người học có thành tích, năng lực nghiên cứu tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ, thực tập sau tiến sĩ; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo quyết định này, từ năm 2022, mỗi nghiên cứu sinh được xét cấp học bổng sẽ được cấp tối đa 100 triệu đồng/năm (12 tháng), đơn vị đào tạo có thể xem xét quyết định miễn học phí cho nghiên cứu sinh; mỗi thực tập sinh được cấp tối đa 120 triệu đồng/năm.
Với nghiên cứu sinh, để được đăng ký xét cấp học bổng, ứng viên là thí sinh dự tuyển đào tạo tiến sĩ hoặc đang là nghiên cứu sinh đang tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ tại đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội; có năng lực nghiên cứu tốt, có khả năng công bố quốc tế và cam kết đạt các chuẩn đầu ra mà ĐH Quốc gia Hà Nội quy định.
Theo GS Van Vu, việc ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo đại học lớn nhất của cả nước, sẽ phê duyệt học bổng rất có giá trị giành cho nghiên cứu sinh và thực tập sau tiến sĩ là một tin rất vui, thể hiện bước đột phá về nhận thức và hành động với hoạt động đào tạo tiến sĩ. “Rất hy vọng những chương trình tương tự sẽ được thực hiện bởi các đại học lớn trong nước trong một ngày không xa, và tấm bằng tiến sĩ sẽ được trở lại giá trị thật của nó”, GS Văn nói.
https://thanhnien.vn/nhung-nghien-cuu-sinh-nao-se-duoc-dh-quoc-gia-ha-noi-xet-cap-hoc-bong-post1403896.html
**Không chỉ là nhận thức**
Thật ra, Trước ĐH Quốc gia Hà Nội, trước cả khi VINIF bắt đầu thực hiện chương trình tài trợ tiền sinh hoạt phí cho người học sau ĐH, một số đơn vị đào tạo cung đã nghĩ tới cơ chế “trả lương” cho người học sau ĐH như một điều kiện cơ sở để có những chương trình đào tạo thực sự có chất lượng.
Hồi tháng 12.2018, PGS Nguyễn Việt Dũng (lúc ấy là Phó viện trưởng Viện Toán học VN, giờ anh Dũng nghỉ quản lý rồi) cho tôi biết, viện đang chuẩn bị thực hiện cho chương trình đào tạo hoàn toàn trong nước mà vẫn đạt chuẩn mực quốc tế, thông qua Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu và đào tạo dưới sự bảo trợ của UNESCO (gọi tắt là Trung tâm UNESCO) mới được thành lập hồi tháng 4.2018.
Để làm được điều này, trước hết viện phải tuyển sinh được những người trẻ giỏi, thích làm nghiên cứu. Muốn vậy thì phải có chế độ học bổng hấp dẫn, đủ để thu hút những người trẻ giỏi ấy bước chân vào con đường học thuật. Mức học bổng mong muốn mà lãnh đạo viện đề xuất với Chính phủ là 5 triệu đồng/tháng với học viên cao học, 8 triệu đồng/tháng với người học tiến sĩ, 12 triệu đồng/tháng với người làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong quá trình học, người học còn được tham gia chương trình intership (thực tập ngắn hạn) ở nước ngoài.
“Với chương trình đào tạo của Trung tâm UNESCO, chúng tôi đang trông đợi Chính phủ duyệt. Hy vọng là chương trình có thể bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019. Nhưng ngay lập tức trong năm học 2018 – 2019 này, chúng tôi đã thực hiện việc cấp học bổng 3 triệu đồng/tháng”, PGS Nguyễn Việt Dũng nói.
Nhưng cho đến giờ Chính phủ vẫn không phê duyệt đề xuất này, lý do là nguồn kinh phí đào tạo Trung tâm UNESCO là ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước không được dùng để trao học bổng cho NCS.
Như vậy ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có thu, nên có thể dùng cơ chế thông qua quỹ để “trả lương” cho NCS. Nhưng các viện hàn lâm, viện nghiên cứu, những nơi mà về mặt lý thuyết sẽ có điều kiện đào tạo tiến sĩ rất tốt, thì lại lâm vào cảnh có tiền (có nhận thức, đương nhiên) mà không được chi.
Vậy đấy. Haiz!
https://thanhnien.vn/hoc-thac-si-duoc-tra-luong-va-cap-bang-quoc-te-xin-post809000.html
Shared link: https://thanhnien.vn/hoc-thac-si-duoc-tra-luong-va-cap-bang-quoc-te-xin-post809000.html
Statistics:
Likes: 212, Shares: 9, Comments: 57
Like Reactions: 202, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 8, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0