Quý Hiên Lê – 2021-11-18 13:30:32
**VÌ MỘT NỀN KHOA HỌC ĐÍCH THỰC **
*(Bạn nào sốt ruột, không muốn đọc những gì tôi viết, thì có thể di chuột nhanh xuống phía dưới để đọc bài “Chỉ số trích dẫn ISI và việc đánh giá khoa học Việt Nam” của GS Phung Ho Hai đăng trên Tạp chí Tia sáng từ hồi tháng 3.2011; và một đoạn trong bài PV anh Ngô Quang Hưng đăng trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần từ hồi tháng 3.2015).*
TÔI VIẾT
Cách đây khoảng 2 tuần, trên FB GS Nông Văn Hải, GS Dam Thanh Son đã có một đoạn trao đổi với chủ nhà và GS Phung Ho Hai mà sau đó đoạn còm này được chia sẻ khắp nơi, với bình luận khác nhau, nhưng đa phần là gật gù tâm đắc vì nhận xét chí lý của GS:
“Ý kiến cá nhân của tôi là đánh giá một nhà khoa học cần phải biết người đó làm được gì, vấn đề có quan trọng hay không, công trình có đúng không, ý nghĩa của nó như thế nào, có triển vọng ra sao… Nếu nhà khoa học trẻ thì còn phải hỏi tốc độ tiến bộ của người đó như thế nào, triển vọng người đó trong tương lai sẽ có những đột phá là bao nhiêu. Tôi có cảm giác một số đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam đang có một sự say mê không lành mạnh (thậm chí có thể nói là bệnh hoạn) về việc đăng tạp chí loại nào, chỉ số trích dẫn bao nhiêu mà quên mất là mục tiêu làm khoa học là để khám phá ra những cái mới. Tôi không rõ nguyên nhân tại sao lại như vậy, cũng có thể vì những lý do không phải do bản thân họ. Nhưng tôi muốn các nhà khoa học Việt Nam nhận ra điều này. Xin lỗi đây là ý kiến một người làm việc hoàn toàn trong môi trường ở nước ngoài, và cũng xin lỗi nếu có xúc phạm đến ai đó”.
Sau đó, hai giáo sư lại tiếp tục trao đổi với nhau với hướng đề cao đánh giá của chuyên gia đối với công trình khoa học. Cụ thể trao đổi thế nào, mời các bạn vào đọc ở đây: https:/\/www.facebook.com\/hai.nongv\/posts\/2275880819221776.
Tôi có may mắn là theo dõi mảng giáo dục – đào tạo từ rất lâu, nên tôi biết khá tường tận lịch sử các vấn đề đang được tranh cãi hôm nay. Tôi có may mắn khác nữa, là không quá bị thúc ép về tần suất bài vở, nên có thời gian đào sâu tìm tòi các thông tin về vấn đề mình quan tâm. Một may mắn lớn và rất quan trọng khác, tôi được tiếp cận từ rất sớm (so với các đồng nghiệp của mình) những quan điểm có tính chuẩn mực của những nhà khoa học có đẳng cấp thế giới, rất tâm huyết với nền giáo dục – khoa học Việt Nam (xin phép không kể tên họ vì tôi cũng không muốn trở thành người khoe khoang thái quá 😀 ). Nói như vậy để các bạn hiểu rằng, loạt bài liên quan tới đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo ĐH, đánh giá nhà khoa học đăng tải trên báo Thanh Niên hơn một năm qua không phải là nhận thức đến trong chốc lát.
Một trong những quan điểm mà tôi được tiếp cận rất sớm, đó là về tầm quan trọng của việc đánh giá công trình khoa học, nhà khoa học, dựa vào các chuyên gia, thay vì phụ thuộc vào các con số. Từ cách đây 4-5 năm, GS Lê Tuấn Hoa (GS không chơi FB nên không tag được 🙂 ) từng cho tôi biết, ngành toán từng loại một ứng viên GS vì anh ta có quá nhiều bài nhưng sự đóng góp của anh ta cho nền toán học VN không tương xứng với một GS. Về sau, trong một câu chuyện về mua bán bài báo, GS Ngo Viet Trung cho tôi biết, người mà GS Hoa nói đến là anh N.H.T (GS Trung từng viết một bài rất dài về anh N.H.T trên diễn đàn LCKH https:\/\/www.facebook.com\/groups\/LiemChinhKhoaHoc\/posts\/557736868806483).
Nhưng người đầu tiên giảng giải tỉ mỉ cho tôi về “tai hại” của việc chạy theo số lượng công bố là anh Ngô Quang Hưng (lúc đó là PGS của ĐH bang New York ở Buffalo, Mỹ). Tôi gặp anh Hưng trong hội thảo Đối thoại Giáo dục do nhóm GS Ngô Bảo Châu (tiếc quá, GS Châu không còn dùng FB để mà tag 😉 ) tổ chức tại TP.HCM tháng 8.2014. Nghe anh Hưng chia sẻ quan điểm này tôi rất tò mò nên đầu năm 2015 khi anh Hưng ra Hà Nội, khi phỏng vấn anh Hưng, tôi đã hỏi lại. Nội dung anh Hưng trả lời tôi sẽ post đoạn trích ở cuối bài đăng này.
Một người đồng quan điểm với anh Hưng là GS Phung Ho Hai, đó là lý do cả 2 người cùng viết chung một bài đăng trên báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tháng 9.2014) mà Duong Tu đã từng giới thiệu tên LCKH. (https:\/\/www.facebook.com\/groups\/LiemChinhKhoaHoc\/posts\/347709946475844\/)
Nhưng hoá ra, GS Phùng Hồ Hải từng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này khá kỹ càng trong một bài viết trên tạp chí Tia sáng hồi tháng 3.2011.
Ở bài viết này, tôi xin được giới thiệu đoạn phỏng vấn anh Ngô Quang Hưng, và toàn văn bài viết của GS Phùng Hồ Hải.
—
BÀI VIẾT CỦA GS PHÙNG HỒ HẢI
(Link nguồn: https:\/\/tiasang.com.vn\/-quan-ly-khoa-hoc\/Chi-so-trich-dan-ISI-va-viec-danh-gia-khoa-hoc-Viet-Nam-3889 )
**Chỉ số trích dẫn ISI và việc đánh giá khoa học Việt Nam**
***Điểm quan trọng nhất tạo nên tên tuổi của ISI chính là vì họ đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà quản lý khoa học, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Đó là việc đưa ra đánh giá tổng quan một công trình khoa học, một tạp chí khoa học hay một nhà khoa học chỉ bằng một con số. Việc đánh giá cũng tỏ ra hết sức khách quan và minh bạch. Vấn đề là ở chỗ nó có chính xác không và nó có thể bị lợi dụng không. Do vậy việc sử dụng dịch vụ của ISI trong đánh giá khoa học là cần thiết, nhưng việc dựa hoàn toàn vào dịch vụ này trong đánh giá nghiên cứu là sai lầm lớn hơn nhiều so với việc hoàn toàn không sử dụng nó.***
**ISI và những hệ lụy**
Được thành lập từ năm 1960, Viện Thông tin khoa học (ISI) ngày nay là một công ty con của Thompson Reuters Corporation. Công ty này cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin khoa học. Ý tưởng cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin khoa học không phải là ý tưởng mới của ISI. Chẳng hạn trong Toán học, nó đã được thực hiện từ năm 1931 bởi tạp chí mang tên ZentralBlatt MATH của Đức. Hiện nay trong toán học có tới 3 tạp chí tra cứu thông tin thường gọi là tạp chí review: ZentralBlatt MATH, Mathematical Review của Mĩ (xuất bản từ năm 1940) và Referativny Zhurnal của Nga (xuất bản từ năm 1952)1. Ngoài những thông tin cơ hữu về một công bố, dịch vụ quan trọng nhất mà các tạp chí này cung cấp là một bài bình luận (review) về nội dung của công bố đó, do một nhà khoa học gần chuyên ngành với các tác giả viết. Đã có không ít trường hợp các công trình “lọt lưới phản biện” được công bố nhưng cuối cùng bị phê phán hoặc chỉ ra chỗ sai trên các tạp chí review. Đối với một nhà toán học, bị phê phán trên một tạp chí review là một thất bại rất nặng nề, đôi người còn vì thế mà tiêu tan cả tiền đồ.
Cho tới cách đây 20 năm trong giới toán có lẽ không ai biết tới ISI. Điểm mới của ISI so với các tạp chí tra cứu ngành toán tại thời điểm đó là dịch vụ tra cứu điện tử. Có thể nói ISI đã đi trước một bước. Năm 1997 khi tôi tới làm việc tại ICTP tôi đã được các đồng nghiệp bên Vật lý giới thiệu về ISI. Khi đó họ cung cấp cho ICTP dịch vụ dưới dạng đĩa CD, với một cái giá cắt cổ mà chỉ có những trung tâm “thừa tiền” như ICTP mới chịu nổi. Tôi có thử tra cứu dịch vụ ISI nhưng chỉ cho vui. Vì dịch vụ này chỉ cho tôi biết một bài có bao nhiêu trích dẫn, còn bản thân nó nói gì thì không biết. Vì vậy nó gần như vô nghĩa cho việc nghiên cứu.
Mặc dù các nhà vật lý lý thuyết và các nhà toán học là những người đầu tiên ứng dụng Internet vào dịch vụ khoa học với website đăng tải tiền ấn phẩm xxx.lanl.gov của Mĩ. Các tạp chí tra cứu ngành Toán và Lý đã chậm chân hơn so với ISI trong việc ứng dụng Internet vào dịch vụ tra cứu khoa học. Nhưng điểm quan trọng nhất tạo nên tên tuổi của ISI chính là vị họ đã đáp ứng được yêu câu của các nhà quản lý khoa học, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Đó là việc đưa ra đánh giá tổng quan một công trình khoa học, một tạp chí khoa học hay một nhà khoa học chỉ bằng một con số. Việc đánh giá cũng tỏ ra hết sức khách quan và minh bạch. Không cần bất cứ một hội đồng nào, chỉ cần một cô thư ký thạo việc cũng có thể sắp hạng tất tật các nhà khoa học từ trên xuống dưới.
Không có gì phải phàn nàn về sự minh bạch cũng như khách quan của chỉ số này, nếu so sánh với những phương pháp đánh giá trước đó. Vấn đề là ở chỗ nó có chính xác không và nó có thể bị lợi dụng không. Hãy tưởng tượng tại một cuộc thi Piano, người thắng cuộc sẽ là người chơi lâu nhất. Rõ ràng tiêu chí “chơi lâu nhất” là một tiêu chí rất minh bạch nếu so sánh với các tiêu chí truyền thống khác. Và với tiêu chí này thì chẳng cần ban giám khảo nào nữa cả. Tất nhiên với thời gian ta sẽ cần bác sỹ, để kiểm tra xem các nghệ sĩ Piano có sử dụng doping hay không. Tình trạng “doping trích dẫn” cũng đang xảy ra trong khoa học.
Có lẽ các nhà toán học, trong đó có cả các nhà thống kê học, là những người dị ứng nhất với “chỉ số trích dẫn” của ISI. Liên đoàn Toán học thế giới (IMU), cơ quan có uy tín nhất của cộng đồng toán học thế giới , đã lập ra một ủy ban điều tra về sự lạm dụng chỉ số trích dẫn. Ủy ban này, năm 2008 đã đưa ra một báo cáo dài 26 trang, chỉ trích nặng nề chỉ số này. Những kết quả chính mà họ rút ra không nằm ngoài suy nghĩ chung của cộng đồng toán học: Chỉ số trích dẫn là một chỉ số cần thiết để góp phần đánh giá một công trình khoa học, một tạp chí hay một nhà khoa học. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số này để đánh giá, vì nó, như tất cả các chỉ số thống kê khác, không thể đưa ra được đánh giá chính xác cho một cá thể. Ngoài ra sự chính xác cũng như khách quan của nó cũng không được kiểm chứng.
Gần đây hơn ông Douglas Arnold, Chủ tịch Hôi toán Ứng dụng và Toán công nghiệp thế giới (SIAM) – một hội thành viên của IMU, có bài viết nhan đề “Khi sự chính trực bị tấn công”, đề cập đến những hệ lụy của chỉ số trích dẫn. Trong bài viết của mình Arnold đã chỉ đích danh một tạp chí của một nhà xuất bản uy tín đã ngụy tạo trích dẫn. Ông còn đưa ra cảnh báo về khả năng một nhóm các nhà khoa hay tạp chí cộng tác trong việc ngụy tạo trích dẫn: người này trích của người kia, tạp chí này trích của tạp chí kia, và ngược lại.
*BOX 1: Cho tới tận ngày hôm nay, đa số các nhà toán học ở Châu Âu hay Mĩ, Nhật, không quan tâm tới ISI. Cách đây vài năm tôi có trao đổi với vài đồng nghiệp gần gũi, đều là biên tập của hai ba tạp chí thuộc hạng tốt nhất trong ngành toán. Tôi phải giải thích khá lâu họ mới “à”, “ừ” và nhớ mang máng là có nghe đâu đó về Viện ISI. Xin mở ngoặc thêm rằng nhưng người này là những chuyên gia đầu ngành, vì thế họ biết rõ tạp chí nào là tạp chí tốt, thậm chí họ còn biết tạp chí nào triển vọng sẽ tốt lên hoặc ngược lại, tạp chí nào có tiếng nhưng đang trên đà đi xuống. Dĩ nhiên mối quan tâm của họ chỉ dừng lại ở vài chục tạp chí tốt nhất. Theo thiển ý của tôi, Toán học ở Châu Âu, Mĩ, Nhật, đã vượt qua “ngưỡng” ISI.*
**ISI để đánh giá khoa học Việt Nam?**
Việc Quỹ NAFOSTED sử dụng tiêu chuẩn có công trình đăng trên các tạp chí được ISI thống kê như là một tiêu chí cứng để quyết định việc tài trợ nghiên cứu cho một nhà khoa học, tuy còn thô, nhưng tại thời điểm được sử dụng nó là một tiêu chuẩn khá khách quan và minh bạch. Có thể ví tác động của tiêu chí này tới khoa học Việt Nam như một loại kháng sinh đặc trị cho một cơ thể bị bệnh. Tuy nhiên sẽ có một số nguy cơ xấu của việc chỉ dựa một mình vào tiêu chí này để đánh giá và xét duyệt đề án, cá nhân:
– Tất cả các chỉ số đều có thể được ngụy tạo. Một khi chỉ số trích dẫn theo ISI được coi là then chốt trong việc đánh giá khoa học, sẽ có rất nhiều tạp chí tìm cách được vào danh sách thống kê của ISI. Họ sẽ tìm nhiều cách để làm việc này, trong đó có thể có cả những cách không đàng hoàng như ngụy tạo trích dẫn, vận động hành lang với các hội đồng xét duyệt của ISI, đưa ra các điều kiện tài chính với ISI như cam kết sử dụng dịch vụ…
– Nếu chất lượng nghiên cứu được đo bằng số công trình, các tác giả sẽ có khuynh hướng chia nhỏ các kết quả để đăng thành nhiều công trình, chạy theo những vấn đề dễ để nhanh chóng có công bố. Đặc biệt phong cách này sẽ dễ được những nghiên cứu viên mới vào nghề tiếp thu, hệ quả là khoa học Việt Nam có thể tăng về lượng nhưng không tăng, thậm chí giảm về chất. Hãy lấy ví dụ của Ngô Bảo Châu. Công trình dày 200 trang của anh, nếu không được cộng đồng quốc tế công nhận qua giải Fields thì cũng chỉ được hội đồng toán của NAFOSTED cho tối đa là 2 điểm. Có nhà khoa học nào tại Việt Nam ở thời điểm này dám bỏ ra 2-3 năm viết một công trình 200 trang để nhận 2 điểm?
– Các tạp chí khoa học của Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi tiêu chí ISI. Khi mà không có một tạp chí khoa học nào của Việt Nam nằm trong danh sách ISI thì việc công bố công trình ở các tạp chí đó gần như là vô nghĩa đối với NAFOSTED. Vì thế thậm chí các công trình của nghiên cứu sinh cũng sẽ được gửi ra nước ngoài nếu chúng có một chút chất lượng. Thực tế này đang xảy ra tại hai tạp chí toán uy tín nhất của Việt Nam. Mặc dù Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang thực hiện các đề án nâng cao chất hai tạp chí này với kinh phí không hề ít so với tổng kinh phí mà NAFOSTED dành cho ngành toán trong 2 năm qua, tình hình cũng chưa có mấy khả quan.
Một số nhà khoa học cho rằng việc các tạp chí Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tiêu chí ISI chẳng có gì đáng quan tâm. Quan điểm của họ là: Tôi đăng nhiều bài trên tạp chí ISI chứng tỏ tôi giỏi, anh chỉ có bài trong nước rõ ràng anh kém, trắng đen rõ ràng. Nói cách khác, đối với họ, các tạp chí trong nước hoàn toàn không có ý nghĩa. Theo tôi, suy nghĩ có một phần đúng nhưng vô trách nhiệm. Mục đích cuối cùng của chúng ta là có một nền khoa học đích thực, có vị trí trong khu vực và trên thế giới, chứ không phải là một nhóm các nhà khoa học có nhiều công bố ISI được vinh danh dài dài. Nếu chúng ta khuyến khích các nhà khoa học trẻ tìm mọi cách công bố công trình với mác ISI để có nhiều tài trợ nghiên cứu, chúng ta sẽ chỉ lãng phí tiền để tạo ra một tầng lớp ăn bám cổ cồn trắng chứ không bao giờ đạt được mục đích về một nền khoa học tiên tiến. Tôi có thể chỉ ra đích danh một nhóm nghiên cứu trong một lĩnh vực hẹp của toán học ở một nước đang phát triển, có rất nhiều công bố, nhưng đa số là giấy lộn. Lý do của tình trạng này là số tiền tài trợ nghiên cứu của họ được tính theo số công bố khoa học.
Việc các nhà quản lý khoa học, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam, sử dụng các thông tin về trích dẫn từ ISI để đánh giá khoa học là điều dễ hiểu. Nền khoa học ở đó yếu, dễ xảy ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Bản thân các nhà quản lý chịu sức ép từ nhiều phía. Một cách tự nhiên họ sẽ thiên về sử dụng những hệ thống đánh giá “nhập khẩu”, đã có tên tuổi, nhãn mác. Cũng như với các mặt hàng “tầm trung” khác, các nước này trở thành thị trường tiêm năng nhất của ISI.
*BOX 2: Việc các nhà quản lý khoa học, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam, sử dụng các thông tin về trích dẫn từ ISI để đánh giá khoa học là điều dễ hiểu. Nền khoa học ở đó yếu, dễ xảy ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Bản thân các nhà quản lý chịu sức ép từ nhiều phía. Một cách tự nhiên họ sẽ thiên về sử dụng những hệ thống đánh giá “nhập khẩu”, đã có tên tuổi, nhãn mác. Cũng như với các mặt hàng “tầm trung” khác, các nước này trở thành thị trường tiêm năng nhất của ISI.*
**Một số kiến nghị**
Từ những suy nghĩ trên, tôi xin đưa ra một số kiến nghị với Quỹ NAFOSTED nói riêng cũng như cho công tác quản lý khoa học nói chung, theo thứ tự ưu tiên của tính cấp thiết.
1. Tiếp tục sử dụng tiêu chí cứng ISI để đảm bảo chất lượng sàn. Có thể yêu cầu các nhà khoa học chứng tỏ khả năng nghiên cứu của mình bằng khả năng công bố trên các tạp chí ISI, tối thiểu a công trình trong vòng b năm, các số a, b cụ thể phụ thuộc vào thực trạng khoa học của từng ngành. Nhưng ngoài đòi hỏi tối thiểu này cần có chính sách đặc biệt để động viên các nhà khoa học công bố trong nước, trên những tạp chí “điểm” của các ngành. Chẳng hạn coi các tạp chí này ngang hàng với các tạp chí ISI. Thậm chí đối với những nhà khoa học đã có thành tích công bố rất tốt, nên có cơ chế đặc biệt để khuyến khích họ công bố trong nước nhiều hơn.
2. Thực trạng của các ngành khoa học Việt Nam khác nhau, một số ngành tiếp cận hơn tới trình độ khu vực và thế giới như Toán học và Vật lý. Vì thế hệ thống tiêu chuẩn cần được cân nhắc sao cho phù hợp với từng ngành, tránh tình trạng cào bằng, đẩy anh này lên nhưng lại vô tình gạt anh kia xuống. Các hội đồng ngành là bộ phận tham mưu tốt nhất về các tiêu chí cho ngành của mình.
3. Cố gắng giảm tình trạng đếm cơ học trong đánh giá nghiên cứu (nếu chỉ đếm số công trình thì không cần gì tới chuyên gia). Với một vài ngành như Toán học và Vật lý, chuẩn ISI là quá thấp, vì thế cần có các chuẩn đánh giá mịn hơn. Cụ thể đưa ra phân loại tạp chí thành 4-5 nhóm để tham khảo trong việc đánh giá chất lượng công bố. Danh sách này có thể do hội đồng khoa học ngành lập và tham khảo thêm ý kiến của phản biện nước ngoài để tăng tính khách quan7 . Với những ngành khác cũng có thể lập bảng phân loại cho các tạp chí ở trình độ tương ứng với thực trạng của ngành.
Sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số ISI để đánh giá, vì nó, như tất cả các chỉ số thống kê khác, không thể đưa ra được đánh giá chính xác cho một cá thể. Ngoài ra sự chính xác cũng như khách quan của nó cũng không được kiểm chứng.
4. Chủ trương “thưởng theo công trình” có thể được sử dụng để động viên các nhà khoa học, đặc biệt là những người mới vào nghề, công bố ở các tạp chí có chất lượng. Tuy nhiên cần tránh tình trạng “đếm bài ăn tiền”. Chẳng hạn có thể hạn chế số bài được thưởng trong một năm, mặt khác chú ý nhiều hơn tới chất lượng của công trình như trong đề xuất 3. ở trên.
5. Hoàn thiện quá trình đánh giá khoa học theo hướng lấy chuyên gia đánh giá làm nòng cốt. Những đánh giá về một nhà khoa học cụ thể chính xác nhất là những đánh giá do những đồng nghiệp cùng chuyên ngành của anh ta, trong nước hoặc quốc tê, đưa ra. Đánh giá của một cá nhân bao giờ cũng có vẻ chủ quan hơn những con số thống kê, nhưng nếu những đánh giá đó được gắn liền với trách nhiệm và uy tín của người đánh giá thì nó chính xác hơn nhiều. Cuối cùng thì những nhà quản lý khoa học phải dựa vào chính những nhà khoa học để thực hiện công việc quản lý của mình. Vì bản chất của việc quản lý khoa học là để tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy được hết khả năng của mình.
*BOX 3: Sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số ISI để đánh giá, vì nó, như tất cả các chỉ số thống kê khác, không thể đưa ra được đánh giá chính xác cho một cá thể. Ngoài ra sự chính xác cũng như khách quan của nó cũng không được kiểm chứng.*
HẾT
—-
ĐOẠN TRẢ LỜI BÁO TTCT CỦA ANH NGÔ QUANG HƯNG
(link: https:\/\/tuoitre.vn\/quoc-te-hoa-dai-hoc-la-xu-the-khong-the-cuong-lai-715211.htm )
“Để đảm bảo giáo dục ĐH có chất lượng phải nghĩ đến việc giúp các giảng viên trẻ cải thiện năng lực, trình độ chuyên môn. Giải pháp quan trọng nhất là tạo cơ hội để họ được làm nghiên cứu. Làm nghiên cứu không nhất thiết phải như mong ước của xã hội, nghĩa là phải ra sản phẩm gì đó kiểu như Facebook thu hút 1,3 tỉ người dùng.
Chúng ta chỉ cần họ làm những công việc mà trong quá trình thực hiện họ có cơ hội để suy nghĩ một cách sâu sắc về chuyên môn của mình. Mỗi lần làm nghiên cứu dù có ứng dụng hay không đều là cơ hội để mỗi giảng viên cải thiện trình độ.
Cho dù hiện nay các trường ĐH đều có kinh phí dành cho việc nghiên cứu nhưng cách tổ chức nghiên cứu của ta hiện nay chưa tạo động lực để các giảng viên thực hiện hoạt động này một cách có chiều sâu. Trong khi đó, điều mà ai cũng biết là các nhà nghiên cứu phải có thời gian làm những nghiên cứu có chiều sâu thì mới cải thiện được khả năng khoa học của chính mình.
*Vì sao, thưa anh?*
– Hiện nay chúng ta đánh giá thành tích khoa học của những người làm khoa học bằng các tiêu chuẩn tương đối hời hợt.
Chẳng hạn như chúng ta đo bằng tổng số bài báo ISI. Thật ra tiêu chuẩn này là một bước tiến cực kỳ lớn so với trước đây, nhưng theo tôi thế chưa đủ, bởi đó chỉ là một thước đo hời hợt, thậm chí còn có tác hại tới các nghiên cứu có chiều sâu.
Chẳng hạn, khi nghiệm thu một đề tài, tiêu chuẩn được đưa ra là những người thực hiện phải có ba bài báo ISI. Một lẽ tự nhiên người ta sẽ chọn viết ba bài báo dễ nhất, miễn là đạt cái ngưỡng được đăng ISI. Trong khi đó mỗi một bài báo dễ, đồng nghĩa với nông, sẽ “ăn” vào thời gian cho mình làm một bài báo sâu.
Nếu nó cứ “ăn” liên tục như vậy mình sẽ không có thời gian để làm cái gì đó sâu sắc. Tôi cho rằng cơ chế đánh giá khả năng khoa học phải làm nhuyễn hơn như vậy nhiều và theo đó cần phải tốn rất nhiều thời gian để xem xét, đánh giá.
Rồi chúng ta còn đánh giá thành tích làm khoa học bằng số lượt được trích dẫn, trong khi đó chỉ số này thấp hay cao thể hiện ở cả hai cực: hoặc bài báo có chất lượng, hoặc có thể không.
Quy luật chung là cái nào khó thì ít người làm, ít người làm tự nhiên sẽ ít người trích dẫn. Tất nhiên những cái dỏm không ai thèm quan tâm cũng sẽ ít hoặc không có người trích dẫn. Vì thế như tôi nói ở trên, chỉ số lượt trích dẫn nằm ở hai cực.
Do đó mình chỉ nên xem đó là thước đo tham khảo chứ không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá chất lượng một bài nghiên cứu khoa học.
*Vậy theo anh phải “nhuyễn” như thế nào trong cơ chế đánh giá năng lực nhà khoa học để khích lệ họ trong việc dành thời gian và tâm trí cho những công trình có chiều sâu?*
– Nếu phải tóm tắt trong một câu thì tôi chỉ có thể nói thế này: các giảng viên ở Mỹ đạt được sự thăng tiến trong nghề nghiệp khi mà nhìn chung họ được đánh giá tốt từ các đồng nghiệp. Không phải là đồng nghiệp trong một khoa mà là đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.
Ví dụ trong hồ sơ xét thăng cấp giáo sư của một giảng viên sẽ có khoảng 8-10 thư nhận xét của những giáo sư đầu ngành trong chuyên ngành hẹp của người được xét. Những giáo sư này không phải do bản thân ứng viên đề xuất.
Bản thân ứng viên không biết những người được hỏi là ai. Khoa sẽ lựa chọn để gửi thư tới những giáo sư đầu ngành, hỏi anh có biết ứng viên này cũng như những công trình của anh ta không, anh đánh giá giá trị công trình đó thế nào? Khi công bố, các nhận xét sẽ được để khuyết danh để các đánh giá có tính độc lập”.
(HẾT TRÍCH DẪN)
Shared link: https:/\/tuoitre.vn\/quoc-te-hoa-dai-hoc-la-xu-the-khong-the-cuong-lai-715211.htm
Statistics:
Likes: 190, Shares: 62, Comments: 39
Like Reactions: 180, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 7, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0