Minh Dang Doan – 2021-11-13 14:45:35
**Nhận tiền đề tài của Nafosted, nhưng không phải là nội lực Việt Nam**
#
“Ăn tiền ba đầu”
Ở bài tuần trước (https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/594706488442854/), chúng tôi đã ghi nhận công sức của TS. Lê Văn Út trong việc chỉ ra những nhà nghiên cứu được trích dẫn cao nhưng không xứng đáng được tuyên dương cùng với các nhà nghiên cứu nội lực ở Việt Nam. Theo cộng đồng bỏ phiếu, những trường hợp có nghi vấn vi phạm liêm chính cũng nên được nêu ra ở diễn đàn LCKH, nên hôm nay chúng tôi lọc lại danh sách những người có thể không liêm chính mà TS. Út đã loại ra, để cộng đồng có thể đánh giá lại.
Trong danh sách thành tích trích dẫn trọn sự nghiệp, có một nhà nghiên cứu ở Việt Nam được TS. Út loại ra, là GS. Hoàng Ngọc Long (đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng, nhưng thực ra công tác ở Viện hàn lâm KHCN VN).
Trong danh sách thành tích trích dẫn cho riêng năm 2020, những tên người Việt được TS. Út loại ra gồm (xem bài https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/su-that-ve-noi-luc-viet-nam-trong-trich-dan-khoa-hoc-hang-dau-the-gioi-2021-20211030083557165.htm và danh sách gốc ở https://elsevier.digitalcommonsdata.com/datasets/btchxktzyw/3 để đối chiếu):
Tien Bui, Dieu – Duy Tan University
Nguyen, Duc Khuong – Vietnam National University Hanoi
Bach, Quang vu – Ton-Duc-Thang University
Nguyen, Minh Tho – Ton-Duc-Thang University
Pham, Viet Thanh – Ton-Duc-Thang University
Thong, Duong Viet – Ton-Duc-Thang University
Dinh, Hai Q. – Ton-Duc-Thang University
Nguyen, Minh D. – Ton-Duc-Thang University
Nguyen, Van Huy – Ton-Duc-Thang University
Le, K. C. – Ton-Duc-Thang University
Long, Hoang Viet – Ton-Duc-Thang University
Ho-Huu, V. – Ton-Duc-Thang University
Le, Khai Q. – Ton-Duc-Thang University
Long, H. N. – Ton-Duc-Thang University
Le, Tien Thinh – Duy Tan University
Tran, Thao T.D. – Duy Tan University
Trinh, Quoc Nam – Duy Tan University
Hien, N. T. – Ton-Duc-Thang University
Vien, V. V. – Ton-Duc-Thang University
Khá bất ngờ khi có nhiều người đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng bị loại ra khỏi danh sách công nhận “nội lực” (bingo cho sự công tâm của TS. Út, không thiên vị cho chính cơ quan mình đang làm việc), nên chúng tôi thử tìm hiểu xem họ là ai. Bắt đầu từ trường hợp của GS. Hoàng Ngọc Long (Long, H. N.), có các dữ kiện đáng lưu ý:
– GS. Hoàng Ngọc Long là trưởng một nhóm nghiên cứu về vật lý lý thuyết ở Viện hàn lâm KHCN (VAST), cũng là thành viên hội đồng khoa học ngành vật lý của Quỹ Phát triển khoa học & công nghệ Quốc gia (Nafosted) ở nhiệm kỳ đầu tiên (từ 2009). Thành tích nghiên cứu của ông có lẽ là xuất sắc ở Việt Nam (lưu ý là ở đây chúng tôi xin nhường sự đánh giá chính xác năng lực của các nhà khoa học cho những người cùng chuyên ngành, nên khi nhận định thành quả của ai tốt hay không thì chúng tôi dùng chữ “có lẽ”), ông cũng liên tục được nhận tài trợ của Nafosted (đến nay là 4 đề tài, theo kết quả tra cứu ở https://nafosted.gov.vn/danh-muc-tai-tro/).
– Trong đề tài Nafosted gần nhất của GS. Hoàng Ngọc Long, có những bài ông ghi địa chỉ của mình là ở ĐH Tôn Đức Thắng, và ghi cám ơn đề tài Nafosted mã số 103.01-2017.356:
https://journals.aps.org/prd/abstract/10.1103/PhysRevD.100.015004
https://journals.aps.org/prd/abstract/10.1103/PhysRevD.99.015035
https://link.springer.com/article/10.1007%2FJHEP07%282018%29144
https://doi.org/10.1016/j.nuclphysb.2019.114629
https://journals.aps.org/prd/abstract/10.1103/PhysRevD.97.115008
https://doi.org/10.1088/1361-6471/aaace7
Những bài báo này đều đăng ở tạp chí có chất lượng cao, vấn đề chỉ là: GS. Long chỉ ghi tên ĐH Tôn Đức Thắng nhưng không nhắc đến VAST, và ghi cảm ơn đề tài Nafosted mà VAST là cơ quan chủ trì:
Mã số: 103.01-2017.356
Tên đề tài: Chuyển pha điện yếu trong các mô hình mở rộng 3-3-1 cải tiến
Cơ quan chủ trì: Viện Vật lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chủ nhiệm đề tài: GS.TS Hoàng Ngọc Long
Thời gian thực hiện: 2018 – 2020
Tại sao đề tài Nafosted này ghi cơ quan chủ trì là VAST mà các bài báo thì GS. Long lại ghi tên ĐH Tôn Đức Thắng? Có phải là ông đã chuyển cơ quan nên mang đề tài đi theo chăng? Chúng tôi tìm hiểu thêm thì thấy GS. Long có là trưởng một nhóm nghiên cứu của ĐH Tôn Đức Thắng, theo thông tin ở link:
Nhóm nghiên cứu lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học (TPPC, AIMaS) – https://aimas.tdtu.edu.vn/en/personnel/Research-Groups
Như vậy, nếu đến nay GS. Long vẫn còn thực sự làm việc ở VAST, thì ông đang là trưởng của 2 nhóm nghiên cứu ở cả VAST lẫn TDTU. Chỉ có điều là có những bài báo ông ghi tên TDTU mà VAST mới là đơn vị phải chịu trách nhiệm với cơ quan tài trợ Nafosted. Lý do gì mà GS. Long hơi có phần thiên vị cho TDTU? Liệu có phải như thiên hạ đồn đại là mỗi một bài báo mà GS. Long ghi tên TDTU và chỉ ghi tên trường này thôi, thì ông sẽ được TDTU thưởng cho một số tiền?
Tức là ở đây có vấn đề về liêm chính, có lẽ chúng ta đang tiến gần đến lý do mà TS. Út loại GS. Long ra khỏi danh sách “nội lực”. GS. Long vừa nhận được lương hàng tháng của VAST, vừa nhận được tiền tài trợ của Nafosted (có lẽ là vài trăm triệu, qua hình thức trả thù lao nghiên cứu), vừa nhận được tiền thưởng bài báo của TDTU. Nói nôm na là “ăn tiền ba đầu”, quá hời rồi, nên TS. Út (là bên trả tiền thưởng) loại GS. Long ra khỏi danh sách chỉ cần cười mím chi “xin GS. L hết sức thông cảm” là xong, chả lo GS. Long phản ứng gì.
# “Người đi trước giúp người đi sau”
Từ hiện tượng GS. HNL đăng ký đề tài Nafosted với đơn vị của mình mà lại ghi tên cơ quan khác trong kết quả nghiên cứu (bài báo), chúng tôi thử tìm hiểu xem vấn đề này liệu có phổ biến hay không. Ngay lập tức có một đầu mối nữa, là ở trong nhóm nghiên cứu tại TDTU mà GS. Hoàng Ngọc Long làm trưởng nhóm, có thêm TS. Võ Văn Viên (xem hình chụp từ web TDTU), người này cũng có tên trong danh sách trích dẫn cao năm 2020 (Vien, V. V.).
Tìm hiểu xem TS. Võ Văn Viên là ai, thì chúng tôi được biết ông là học trò của GS. Hoàng Ngọc Long, như bài phỏng vấn này trên trang tin của VAST, GS. Long có nhắc đến TS. Viên:
http://isi.vast.vn/isivast/serviceView_324__658.html
Trích:
> ”
**PV**: Với vai trò là người thầy, người trưởng nhóm, GS đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò. Xin GS chia sẻ kinh nghiệm đào tạo của mình?
**GS.TS. Hoàng Ngọc Long**: Trong cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của mình, tôi đã có những học trò tài năng tâm huyết như GS. Đặng Văn Soa, TS. Phùng Văn Đồng, TS.Đỗ Thị Hương, TS. Lê Đức Ninh…cũng là những thành viên quan trọng tạo nên thành công của nhóm. Thật là khiếm khuyết nếu tôi không nhắc đến ba học trò hiện tại: TS. Lê Thọ Huệ (Viện Vật lý), TS Võ Văn Viên ở Đại Học Tây Nguyên – người vừa đoạt giải thưởng nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt nam (P. V. Đồng và Đ. T. Hương là người thứ nhất và thứ hai đoạt giải) và NCS Võ Quốc Phong ở ĐH QG tp. HCM – những người đang tích cực nghiên cứu và cho ra đời nhiều công bố khoa học giá trị. Hàng năm tôi hướng dẫn rất nhiều NCS, học viên Cao học, SV, nếu một mình tôi mà làm công việc như vậy là không thể. Bí quyết của tôi là: người đi trước giúp người đi sau. Nghĩa là: hãy dạy cho những người ban đầu thật cẩn thận, sau đó các bạn này dạy lại cho các bạn sau. Khi giảng lại cho người khác cũng là một lần giúp mình khắc sâu thêm kiến thức.
”
TS. Võ Văn Viên công tác lâu năm tại trường ĐH Tây Nguyên, nay đã là phó giáo sư, cũng là một nhà vật lý tài năng với nhiều bài báo khoa học đăng ở tạp chí có uy tín. Được sự dìu dắt của người thầy của mình, ông cũng cùng lúc tham gia nhóm nghiên cứu ở TDTU, cũng có đề tài Nafosted, và cũng…
Thông tin đề tài Nafosted của PGS. Võ Văn Viên:
Mã số: 103.01-2017.341
Tên đề tài: Khối lượng và trộn lẫn Fermion trong các mô hình chuẩn mở rộng với nhóm đối xứng gián đoạn
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Tây Nguyên
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Võ Văn Viên
Thời gian thực hiện: 2018 – 2020
Các bài báo là kết quả của đề tài (có ghi cảm ơn đề tài Nafosted mã số 103.01-2017.341), có thể chia làm 2 gói:
– Những bài báo PGS. Viên đứng tên trường đại học Tôn Đức Thắng:
https://doi.org/10.1134/S1063778819020133
https://doi.org/10.1142/S0217732319501980
https://doi.org/10.1016/j.physletb.2019.134979
https://doi.org/10.1093/ptep/ptz119
– Những bài báo PGS. Viên đứng tên trường đại học Duy Tân đồng thời với trường đại học Tây Nguyên (khác biệt một cách có hệ thống với kiểu chỉ đứng tên duy nhất ĐH Tôn Đức Thắng):
https://doi.org/10.1140/epjc/s10052-018-6284-0
https://doi.org/10.1134/S1063778819010198
https://doi.org/10.1134/S1063778818060303
https://doi.org/10.1142/S0217732319500056
Như vậy là tinh thần “người đi trước giúp người đi sau” của GS. Hoàng Ngọc Long đã phát huy không chỉ trong nghiên cứu khoa học, mà cách thức “ăn tiền ba đầu” cũng được người học trò của ông thực hành, hơn nữa còn đa dạng hóa, có bài thì đứng tên TDTU, có bài thì đứng tên DTU. Chúng tôi cũng hơi tò mò, liệu thế hệ học trò của PGS. Võ Văn Viên có tiếp tục con đường của “sư phụ” và “thái sư phụ” không?
Hai trường hợp được chúng tôi nêu ra đây, họ làm nghiên cứu về vật lý lý thuyết, có lẽ ở Việt Nam thì họ cũng chỉ có cách cắm đầu vào làm nghiên cứu theo đam mê và khá nghèo về vật chất (chủ yếu nhận lương, khó có thể thương mại hóa công trình nghiên cứu hoặc được ai đó mời tư vấn trả tiền). Kể ra nếu có việc họ mang bài báo khoa học của mình “bán” cho đơn vị khác để kiếm thêm thu nhập, thì số tiền mà họ nhận được cũng chỉ cải thiện chút ít chứ không làm họ giàu lên được. Nếu so với những kiểu tham nhũng, tiêu tiền ngân sách lãng phí mà báo chí phản ánh khắp nơi ở Việt Nam thì các nhà khoa học này còn “sạch” hơn nhiều và cũng chẳng gây hậu quả kinh tế đáng kể. Có lẽ khi nhìn nhận như thế, thì các đồng nghiệp làm khoa học ở Việt Nam cũng phần nào thông cảm cho các nhà khoa học làm như thế này, có gì đó giống như những người dân khó khăn mà thỉnh thoảng phải đi “bán máu” để có tiền sinh sống.
Tuy vậy, nhìn ở góc độ ảnh hưởng đến đạo đức của các thế hệ nghiên cứu trẻ, chúng tôi cũng thấy lo ngại là hiện tượng “ăn tiền ba đầu” này có thể lan tràn ra thêm, làm nhiều người trẻ cảm thấy điều đó không bất thường, hoặc tệ hơn là vô tư làm theo và nghĩ là mình dám làm dám chịu, chẳng ảnh hưởng đến ai. Trong các trường hợp này, cơ quan mà nhà nghiên cứu làm việc chính thức chắc chắn có thiệt hại (không có tên trong bài báo và vẫn phải chịu trách nhiệm với quỹ tài trợ, có thể còn phải trả lương cho nhân lực lấy giờ làm việc của mình để tạo ra sản phẩm cho đơn vị khác).
Còn quỹ tài trợ như Nafosted thì có thiệt hại gì không? Có lẽ nếu chỉ xét nhiệm vụ tài trợ của Nafosted là đưa đến bài báo “của Việt Nam” thì ghi đơn vị này hay đơn vị khác ở Việt Nam cũng không ảnh hưởng đến Nafosted. Nhưng liệu vai trò của Nafosted chỉ đơn giản như thế?
Statistics:
Likes: 232, Shares: 35, Comments: 48
Like Reactions: 189, Haha Reactions: 19, Wow Reactions: 15, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 5, Angry Reactions: 0