Minh Dang Doan – 2021-11-06 02:59:30
Không liêm chính thì khỏi tính
Tuần trước, tôi có phát hiện ra một trường hợp bất thường mà tôi cho là thiếu sót trong một bài trên báo Dân Trí (https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/591339322112904/), ở đó tôi có đặt câu hỏi liệu rằng đó là sơ sót hay có dụng ý. Trong thảo luận đó, có thông tin phản hồi từ tác giả bài báo, TS. Lê Văn Út, rằng trường hợp nhà khoa học thành tích cao bị loại ra khỏi danh sách ấy là vì ông ta không phải cán bộ cơ hữu ở địa chỉ mà ông ấy khai trên các bài báo.
Sau đó tôi khảo sát kỹ hơn bài ở báo Dân Trí, thì trong cái bảng thứ hai (Đối với thành tựu năm gần nhất, Việt Nam có tổng cộng 65 nhà nghiên cứu nội lực được liệt kê trong tốp 100.000 hoặc tốp 2% nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới), hóa ra cũng có nhiều người Việt đang làm việc tại Việt Nam nhưng cũng không được TS. Lê Văn Út tính là “nội lực” trong bảng vàng. Tìm hiểu thêm thì thấy những trường hợp đó cũng dính “phốt” là tên đơn vị của họ trên báo (affiliation) cũng không phải là nơi họ làm việc thực sự. Tức là theo dòng thảo luận về chuyện “mua bán bài báo khoa học” ở LCKH khoảng 1 năm nay, các trường hợp siêu nhân ấy là đối tượng nghi vấn “bán” bài.
Đến lúc này tôi mới hiểu thâm ý của TS. Lê Văn Út: không liêm chính thì khỏi tính. Thật tình thì khá khó coi nếu ở một bài báo viết cho đại chúng mang tính biểu dương thành quả, nói về niềm tự hào nội lực nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, những tên tuổi có dấu hiệu vi phạm liêm chính khoa học lại có thể được xếp chung mâm với những người làm việc nghiêm túc. Như vậy thì công chúng làm sao phân biệt được vàng thau, điều đó cũng sẽ làm phiền lòng những người làm khoa học nghiêm chỉnh. Ở điểm này, tôi khâm phục TS. Út đã có sàng lọc kỹ càng và dự liệu xa, tránh làm rối người đọc.
Với cách trình bày số liệu như bài báo đó, TS. Út đã vượt hẳn một bậc so với những phóng viên mảng khoa học viết về những thành tích của khoa học Việt Nam trên báo đại chúng. Có điều nghiên, chọn cách tiếp cận, và chỉ trình bày những thông tin có giá trị tốt thật sự để biểu dương, chứ không chỉ vồ lấy những tin tức có vẻ “quốc tế” mà thiếu tìm hiểu bản chất. Mong rằng các phóng viên viết về khoa học, giáo dục ở Việt Nam sẽ chịu khó đầu tư công sức tìm hiểu những thông tin khi làm những bài viết có tính chất tôn vinh thành tích của giới khoa học Việt Nam. Chúng ta nên khích lệ thành quả của giới khoa học VN trong hoàn cảnh vẫn nhiều khó khăn như hiện nay, chỉ mong là không tô hồng, viết cho đúng mực là các nhà khoa học vui rồi.
Nhân sự kiện này, tôi muốn đặt vấn đề về cách chúng ta – cộng đồng khoa học và báo chí đại chúng – nên ứng xử với các trường hợp vi phạm liêm chính học thuật như thế nào (tất nhiên là tùy hiểu biết và quan điểm của mỗi người để đánh giá thế nào là vi phạm liêm chính, sẽ cần nhiều thảo luận để dần đi đến đồng thuận, ở đây là giả sử rằng nếu bạn cảm thấy rằng một người nào đó vi phạm liêm chính thì bạn muốn hành xử như thế nào). Người đọc có thể chọn các lựa chọn trong bản trưng cầu ý kiến ở đây, gồm các cặp ý kiến đối lập:
Về việc đưa thông tin về các trường hợp không liêm chính [lắm] trên báo chí hướng đến đại chúng, có 2 lựa chọn:
Báo chí nên viết về các siêu nhân khoa học không liêm chính
Báo chí không nên nhắc đến các siêu nhân khoa học không liêm chính
Về việc bàn luận ở diễn đàn LCKH (có thể xem là người bàn luận có background khá hơn đại chúng về khoa học, và các thảo luận vẫn mở để mọi người tham gia), cũng có 2 lựa chọn:
LCKH nên “vinh danh” các siêu nhân không liêm chính
LCKH không nên quan tâm các siêu nhân không liêm chính
Cảm ơn mọi người quan tâm vấn đề này và bỏ phiếu thể hiện ý kiến ở đây. Các anh chị cũng cứ comment để thảo luận, gợi ý thêm, tôi nghĩ mục đích là chúng ta thúc đẩy sự tương tác của cộng đồng khoa học và cộng đồng phóng viên báo chí liên quan, để dần dần nâng cao việc truyền thông về khoa học, giúp khoa học Việt Nam phát triển lành mạnh.
Statistics:
Likes: 80, Shares: 1, Comments: 37
Like Reactions: 63, Haha Reactions: 14, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0