Duong Tu – 2021-11-04 00:35:47
**ỦY BAN ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN THẢO LUẬN VỀ VẤN NẠN MUA BÁN BÀI BÁO
**
Ủy ban Đạo đức Xuất bản (Committee on Publication Ethics – COPE) là một trong những định chế quan trọng nhất về xuất bản khoa học trên thế giới với hơn 13 ngàn thành viên – bao gồm 86 nhà xuất bản, 13.193 tạp chí, 42 tổ chức và 56 cá nhân – ra đời từ năm 1997 với mục tiêu đảm bảo liêm chính của hoạt động xuất bản học thuật cũng như thúc đẩy để thực hành đạo đức trở thành quy tắc tiêu chuẩn của văn hóa xuất bản khoa học: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/569466597633510
Trong buổi thảo luận định kỳ diễn ra vào ngày 14/10 vừa rồi, lần đầu tiên trong lịch sử, COPE đã chính thức thảo luận về chủ đề mua bán bài báo, một vấn nạn được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam thời gian gần đây: https://publicationethics.org/case/institutions-paying-authors-be-named-papers
**Tình huống được đưa ra thảo luận như sau:
**
Một số trường đại học trả tiền để các tác giả ghi tên trường vào các bài báo nhằm mục đích tăng số lượng công bố khoa học. Khi nhận tiền từ các trường này, tác giả gọi đó là khoản tiền “tài trợ” cho nghiên cứu, nhưng bản chất không phải như vậy.
Tác giả công bố bài báo khoa học trên tạp chí với hai địa chỉ làm việc và giải thích trong mục acknowledgment rằng nơi trả tiền cho họ đã cung cấp một phần “tài trợ” nghiên cứu – cách gọi với mục đích ngụy trang bản chất của khoản tiền này.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu loại hành vi bất chính này, cũng như cần áp dụng biện pháp nào trong quá trình nộp bản thảo để kiểm tra việc gian lận địa chỉ làm việc, hoặc ban biên tập các tạp chí có thể làm gì để xử lý chúng?
**Khuyến cáo của COPE:
**
COPE ghi nhận rằng loại hành vi này tương đối phổ biến, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, hay được dùng để bơm thổi vị trí xếp hạng đại học.
Việc một tác giả có nhiều địa chỉ làm việc gắn với một trường đại học, một bệnh viện hay một cơ sở nghiên cứu thường không có vấn đề gì. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi tác giả ghi nhiều địa chỉ của các trường khác nhau, có thể với mục đích tạo thành tích ảo cho trường mua bài.
Nếu tác giả ghi địa chỉ nhiều trường đại học, biên tập viên tạp chí có thể đề nghị tác giả đưa ra lý do và giải trình đóng góp của các trường này cho nghiên cứu. Các biên tập viên cũng có thể liên hệ với cơ quan chủ quản của tác giả để hỏi xem họ có biết về trường thứ hai không và trường này có liên quan gì đến nghiên cứu của tác giả.
Ngoài ra, biên tập viên có thể đề nghị tác giả cung cấp bằng chứng về việc “tài trợ”. Mặc dù thư xác nhận “tài trợ” có thể giả mạo, nó cản trở phần nào các tác giả muốn gian lận địa chỉ làm việc. COPE đặt vấn đề các tạp chí cần có chính sách không cho phép nơi tài trợ nghiên cứu được sử dụng làm địa chỉ của tác giả trong bài báo.
COPE cũng nhắc đến một vấn nạn liên quan là các tác giả ghi địa chỉ (duy nhất) là một cơ sở nghiên cứu mà tác giả không có bất kỳ quan hệ chính thức nào.
***
Do buổi thảo định kỳ của COPE bao gồm nhiều nội dung, các thành viên tham gia chỉ có thể dành khoảng gần 10 phút để trao đổi về tình huống mua bán bài báo này. Mặc dù thông điệp của COPE rất rõ ràng – coi việc mua bán bài báo là gian lận và bất chính – tôi cho rằng những biện pháp đối phó mà COPE khuyến cáo trên đây có rất ít tác dụng trong trường hợp đám đầu nậu khoa học chỉ ghi địa chỉ duy nhất là nơi mua bài: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/558121238768046
Tôi đã trao đổi với lãnh đạo của COPE và đề xuất rằng các nhà xuất bản và tạp chí khoa học cần có hệ thống xác minh địa chỉ làm việc thực sự của các tác giả, chẳng hạn đề nghị tác giả cung cấp địa chỉ đến hồ sơ cá nhân trên website của trường mỗi khi nộp bản thảo.
Việc này không chỉ hạn chế phần nào vấn nạn khai man nhiệm sở để bán bài, mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến gian lận địa chỉ làm việc khác, chẳng hạn ghi địa chỉ giả là một trường đại học danh tiếng, hoặc ghi tên đồng tác giả là một nhà khoa học uy tín, để giúp bản thảo được đánh giá cao hơn và dễ được chấp nhận đăng hơn. Trên thực tế, hệ thống xuất bản hiện nay có một lỗ hổng nghiêm trọng là chưa có bất kỳ cơ chế nào để xác minh nơi làm việc chính thức của các tác giả, để mặc cho tác giả muốn khai địa chỉ tùy ý thế nào cũng được.
Một mặt, tôi đồng tình với lãnh đạo COPE khi trao đổi với tôi rằng “*… giống như các vấn đề đạo đức khác, tệ nạn mua bán bài báo có nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn vài dòng ghi địa chỉ trong bài báo, và cần có giải pháp cho gốc rễ của vấn đề*” (nguyên văn: “*… like other ethical issues, the problem is much more deeply seated than a by line in a journal article, and the solution needs to go the root cause*”). Mặt khác, tôi cho rằng khi chưa tìm ra cách hiệu quả để điều trị nguyên nhân, việc điều trị triệu chứng vẫn có giá trị nhất định trong việc giữ cho tình trạng gian lận địa chỉ làm việc và mua bán bài báo không tồi tệ thêm.
***
Buổi thảo luận định kỳ tiếp theo của COPE sẽ diễn ra vào ngày 9/12 sắp tới. Tôi sẽ tham gia và nhắc lại chủ đề mua bán bài báo này, đồng thời đề nghị các nhà xuất bản, các tạp chí thành viên của COPE xem xét nghiêm túc và có biện pháp đối phó với vấn nạn này.
Rất mong các bác cho ý kiến và đề xuất thêm giải pháp để tôi trao đổi lại với COPE. Giả sử các bác đang vận hành một nhà xuất bản hay một tạp chí, các bác sẽ làm gì để phát hiện và ngăn chặn việc gian lận địa chỉ nhằm tạo thành tích ảo, bơm thổi vị trí xếp hạng đại học?
Shared link: https://www.mdpi.com/about
Statistics:
Likes: 327, Shares: 29, Comments: 39
Like Reactions: 303, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 23, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0