Phuong Nguyen – 2021-07-19 00:42:56
MỜI THAM GIA:
1) TỔNG HỢP CÁC DỰ BÁO VỀ TÁC ĐỘNG CỦA QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ 2021
2) TỔNG HỢP CÁC VẤN ĐỀ CỦA QUY CHẾ 2021 VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CHO TỪNG VẤN ĐỀ
3) ĐỀ NGHỊ CHI TIẾT SỬA ĐỔI QUY CHẾ 2021
Cho đến hôm nay chúng ta đã trao đổi khá nhiều xung quanh việc Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ (tức Quy chế 2021). Trên các báo cũng đã có nhiều ý kiến ủng hộ và không ủng hộ, cùng các dữ liệu như tăng trưởng công bố quốc tế trong những năm qua. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần lập nhóm tình nguyện tổng hợp lại các trao đổi một cách hệ thống, và tôi gợi ý lập 03 nhóm cho ba đề mục trên.
Cho mục 1 và 2, chỉ cần nhóm vài người. Cho mục 3, chúng ta cần nêu đề xuất sửa đổi cụ thể dựa trên việc tổng hợp các luận điểm. Việc này khó hơn, cần phân tích các dữ liệu cũng như các vấn đề của chính các dữ liệu đó, lại mang chủ quan của nhóm, do đó cần nhiều người tham gia hơn.
Như minh hoạ dưới đây, gợi ý về yêu cầu tối thiểu đối với việc xuất bản của NCS là chủ quan của tôi sau khi tham khảo/tổng hợp các ý kiến. Cũng là dựa trên việc tổng hợp các ý kiến, nhưng nhóm làm việc có thể có gợi ý cụ thể khác, trong khi vẫn đảm bảo rằng: quy định tối thiểu về xuất bản không phân biệt tạp chí của Việt Nam với tạp chí nước ngoài, đồng thời vẫn mang tính quốc tế rõ nét. Sau khi các nhóm tổng hợp/soạn thảo xong, từng văn bản sẽ được đưa lên để mọi người góp ý chỉnh sửa.
Vì sao chúng ta cần làm những việc này? Do nhân lực của tổ soạn thảo Quy chế của Bộ có lẽ chỉ đủ để tổng hợp ý kiến từ báo chí, chứ không thể đủ để đọc từng post/comment ở đây. Nên, nếu chúng ta có các bản tổng hợp nói trên thì việc xem xét các ý kiến/trao đổi của chúng ta sẽ hiệu quả hơn. Trong trường hợp các văn bản đó không được xem xét trong thời gian sắp tới, và việc “làm thí nghiệm” ngay với Quy chế mới vẫn cứ diễn ra, thì chúng ta cũng có tư liệu lưu lại ở đây, để sau này có thể đối chiếu dự báo của chúng ta với kết quả/hậu quả trong thực tế, và khi chúng ta có cơ hội thì việc gợi ý sửa đổi Quy chế sẽ thuận lợi, không phải lặp lại các tranh luận đã có trong những ngày qua.
———————-
Gợi ý về yêu cầu tối thiểu đối với việc xuất bản của NCS:
Tổng hợp lại các ý trao đổi, tôi thấy nên sửa yêu cầu công bố tối thiểu của Quy chế 2017 thành:
i) 01 bài trên tạp chí của Việt Nam hay nước ngoài trong danh mục WoS/Scopus (hay chỉ WoS thôi?), hoặc 01 bài trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện
ii) 01 bài trên tạp chí của Việt Nam hay nước ngoài KHÔNG trong danh mục WoS/Scopus, được Hội đồng ngành chọn.
Có thể loại bỏ những tạp chí “nghi ngờ” trong danh sách WoS: cần bàn thêm về các chi tiết như tiêu chí để loại, định kỳ mấy năm, tính đến khả năng NCS đã xuất bản trên một tạp chí vào năm trước nhưng năm sau tạp chí đó bị loại ra khỏi danh sách.
Có thể giữ việc tính điểm cho bài trong mục ii) như sau: yêu cầu tổng số bài trong mục này phải đạt trên 1 điểm chẳng hạn, nếu bài được tính >= 1 điểm thì chỉ cần 01 bài, còn nếu tạp chí/bài được tính điểm thấp hơn thì cần nhiều bài hơn.
Như vậy sẽ không phân biệt tạp chí của Việt Nam với tạp chí nước ngoài, nhưng vẫn giữ được tiêu chuẩn công bố quốc tế, và đặt niềm tin vào các Hội đồng ngành cho việc lựa chọn các tạp chí ngoài WoS/Scopus, và loại các tạp chí “nghi ngờ” trong WoS/Scopus.
Ngoài ra, cần bàn thêm về cách xử lý cho các ngành đặc thù, và các ngành mà thời gian làm thí nghiệm hay thời gian bình duyệt dài như Tâm lý, Giáo dục…. Có thể cho phép bảo vệ luận án khi chưa có xuất bản quốc tế với điều kiện kế hoạch xuất bản của NCS được Hội đồng chấp nhận.
Statistics:
Likes: 79, Shares: 9, Comments: 11
Like Reactions: 78, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0