Ngo Viet Trung – 2021-07-09 15:22:18
TIẾN SĨ VIÊT NAM: THẬT HAY RỞM?
(bài viết từ FB cá nhân được biên tập lại)
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật”, làm nức lòng xã hôi. Nhưng chưa đầy 2 tháng sau, Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới đi ngược yêu cầu của Thủ tướng.
TIẾN SĨ THẬT phải theo những tiêu chuẩn chung của thế giới. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án trong điều kiện trình độ khoa học của nước đó còn thấp. Quy chế mới hủy bỏ hoàn toàn yêu cầu luận án phải có công bố quốc tế của Quy chế cũ ban hành năm 2017 (mới được 4 năm).
Thậm chí, theo Khoản c Điều 14 của Quy chế mới, luận án chỉ cần có 3 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định đánh giá tới 0,75 điểm là có thể đem ra bảo vệ. Các tạp chí khoa học trong nước được các Hội đồng chức danh ngành chia làm 3 loại tốt, trung bình và kém, được tính tối đa lần lượt 1 điểm, 0,75 điểm, 0,5 điểm cho mỗi công bố. Phần lớn các tạp chí loại 0,75 điểm được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện. Nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn rất dễ dàng tác động để được đăng bài. Tôi đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo trường. Thử hỏi, có mấy ai trong chúng ta (chứ chưa nói đến quốc tế) đọc các bài báo trong các tạp chí trường. Qua đây có thể thấy chất lượng các tạp chí loại 0,75 điểm thấp thế nào. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn dễ dàng chạy đăng bài trong các tạp chí này.
So với Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 thì quy định mới là một bước THỤT LÙI ghê gớm. Quy chế năm 2017 yêu cầu luận án có công bố tối thiểu 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc đã công bố tối thiểu 2 bài công bố ở nước ngoài.
Tiêu chuẩn trên chỉ là bước đầu nhằm tiệm cận đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế, vẫn CÒN KÉM CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội 1 bài ISI:
https://engine.um.edu.my/img/files/CheckList%20-%20Doctoral%20by%20Research%20(2).pdf
ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án tiến sĩ có 1 bài ISI:
https://hsm.chula.ac.th/website/wp-content/uploads/2018/12/Process-of-PhD-Dissertation-Defense.pdf
Nên nhớ rằng yêu cầu đăng bài ISI của họ khó hơn đăng bài Scopus của Quy chế 2017 rất nhiều. Quy chế mới không những bỏ hẳn yêu cầu có công bố quốc tế mà còn bỏ cả yêu cầu viết bài bằng tiếng nước ngoài. Nhìn sang các nước quanh ta thì quy chế mới ban hành thực sự là một nỗi HỔ THẸN QUỐC GIA. Đáng nhẽ ra, quy chế mới cần nâng tiêu chuẩn có ít nhất 1 bài ISI-Scopus của Quy chế 2017 thành có ít nhất 1 bài ISI để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan.
Chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Chúng ta cũng bức bối vì có quá nhiều tiến sĩ ở các cơ quan hành chính mà không biết họ có thật sự nghiên cứu hay không. Quy chế 2017 đã phần nào giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn khó lòng “chạy” được. Các quy chế đào tạo tiến sĩ trước 2007 có khi còn chặt chẽ, nhiêu khê hơn về quy trình đào tạo, nhưng thiếu yêu cầu công bố quốc tế. Điều này cho thấy không thể chỉ dựa vào sự tự giác của các cơ sở đào tạo để tránh tiêu cực.
Quy chế 2017 không phải là không có những khiếm khuyết:
– Thứ nhất, không nên đánh đồng khoa học tự nhiên với khoa học xã hội. Đối với khoa học xã hội, có thể yêu cầu công bố quốc tế thấp hơn so với khoa học tự nhiên như quy định nghiệm thu đề tài của Quỹ Nafosted.
– Thứ hai là không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí không đảm bảo về chất lượng (các tạp chí “săn mồi”). Thực ra, chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín, còn thế nào là uy tín hãy để các hội đồng chức danh ngành quyết định. Tốt nhất là không chấp nhận ngay từ đầu một số nhà xuất bản đáng ngờ như Quỹ VINIF đang làm, phần còn lại hãy để cho các cơ sở đào tạo quyết định và phải công khai các tạp chí này (để xã hội kiểm tra).
Có những thế lực hay “nhóm lợi ích” đã dùng những khiếm khuyết này nhằm hạ thấp tiêu chuẩn công bố của Quy chế 2017. Ví dụ như không nên yêu cầu công bố quốc tế để nghiên cứu sinh đỡ phải bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí rởm! Có người lại còn nói Quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế. Ngụy biện như vậy thật trơ trẽn! Họ quên hay cố tình quên mất rằng dùng tiền để mua bài đăng hay thuê viết bài đăng trong nước còn dễ hơn đăng ở nước ngoài nhiều lần. Chính vì những loại tiêu cực này mới cần có điều kiện công bố ở các tạp chí quốc tế có uy tín là những nơi không thể dùng tiền để đăng hay thuê viết bài được.
Một trong những lý do ủng hộ việc chỉ cần có công bố trong nước nói rằng các công bố này được tính điểm khi xét hồ sơ chức danh. Nhưng họ quên mất rằng tiêu chuẩn chức danh yêu cầu ứng viên PGS hay GS phải là tác giả chính của ít nhất 3 hay 5 bài báo ISI/Scopus. So với tiêu chuẩn này thì yêu cầu luận án tiến sĩ phải có ít nhất 1 bài báo ISI/Scopus của Quy chế 2017 là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, quy định xét chức danh cho phép tính điểm các bài báo trong nước loại trung bình từ 0 đến 0,75 điểm. Điều này cho phép các hội đồng ngành cho điểm 0 đối với các bài báo không có giá trị. Nó khác hẳn với quy chế đào tạo tiến sĩ mới “bắt” tính nguyên số điểm tối đa 0,75, thậm chí còn không chia điểm khi có đồng tác giả. Tôi thật sự không hiểu logic chuyện phải tính điểm tối đa!
Lại có ý kiến là việc bỏ yêu cầu công bố quốc tế nhằm dồn bài để nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước. Chính vì lý do này mà Quỹ Nafosted đã yêu cầu các đề tài phải có công bố trong nước bên cạnh 2 công bố ISI. Thực tế ban đầu các đề tài chỉ viết lấy lệ các bài đăng trong nước ở các tạp chí kém nhất chứ không phải ở các tạp chí quốc gia. Để sửa sai, Quỹ Nafosted đã phải quy định lại là các đề tài phải có công bố trong các “tạp chí quốc gia có uy tín” do các hội đồng khoa học ngành đề xuất. Đúng ra, Quy chế mới chỉ nên chấp nhận công bố trong nước với điều kiện là các tạp chí này được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định đánh giá tới 1 điểm (bên cạnh điều kiện phải có ít nhất 1 công bố trong các tạp chí ISI/Scopus có uy tín).
Ý kiến ngây thơ nhất nói rằng nên để “sàn” công bố thấp để các cơ sở đào tạo tiến sĩ tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu xã hội chúng ta đã “giác ngộ” như vậy thì đã không có những lò đào tạo tiến sĩ rởm ở ngay những cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của đất nước hay hàng nghìn tiến sĩ rởm ở đang hiện hữu ở khắp mọi nơi. Sàn công bố của Quy chế mới thấp đến mức có cũng như không. Thực trạng xã hội ta hiện nay chưa cho phép bỏ đi yêu cầu công bố quốc tế như ở các nước phát triển.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trong các tạp chí quốc tế là TIÊU CHUẨN ĐÁNH GÍA KHÁCH QUAN DUY NHẤT đối với một “tiến sĩ thật”. Không có một tiêu chuẩn khách quan thì những quy định đầu vào, dù chặt chẽ đến đâu, hay các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật sẽ không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm” khi mà công bố trong nước dễ dàng chạy được. Điều tai hại nhất của Quy chế mới là tạo ra HÀNH LANG PHÁP LÝ cho việc này. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì thật giả sẽ lẫn lộn, thằng giả sẽ lãnh đạo thằng thật. Xã hội sẽ lại dậy sóng vì nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ. Vì vậy tôi thiết tha đề nghi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ra quyết định sửa Quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành theo tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật” để đem lại niềm tin của xã hội đối với phát biểu của thủ tướng. “Làm thật” bao giờ cũng cần lãnh đạo dũng cảm, dám đương đầu với những thách thức!
Shared link: https://engine.um.edu.my/img/files/CheckList%20-%20Doctoral%20by%20Research%20(2).pdf
Statistics:
Likes: 509, Shares: 81, Comments: 103
Like Reactions: 478, Haha Reactions: 4, Wow Reactions: 4, Love Reactions: 20, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 1