Duong Tu – 2021-06-09 00:39:31
Xin giới thiệu loạt 3 bài tôi viết chung với TS Ngô Đức Thế Ryan vừa công bố trên báo Thanh Niên về thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học. Có thể xem đây là phần tiếp nối của bài viết “**Giặc ngoại xâm khoa học” **(https://www.fb.com/10157949903938757) và hai bài về “**Thủ thuật khai man nhiệm sở để thăng hạng đại học**”:
1. https://thanhnien.vn/giao-duc/thu-thuat-khai-man-nhiem-so-de-thang-hang-dai-hoc-1291186.html
2. https://thanhnien.vn/giao-duc/thu-thuat-khai-man-nhiem-so-de-thang-hang-dai-hoc-hien-tuong-cac-truong-viet-nam-1291462.html
Trong loạt bài này, các bác sẽ không chỉ gặp lại những nhân vật quen thuộc như “siêu nhân” Kittisak Jermsittiparsert, “ông vua bị rút bài” Shahaboddin Shamshirband hay đồng tác giả luân phiên đổi vai với người này là Timon Rabczuck mà còn biết thêm tác giả giả mạo David Ross và tác giả không thể xác định danh tính Narjes Nabipour. Ngạc nhiên thay, tất cả những cái tên này đều có liên quan và kết nối trực tiếp hay gián tiếp gần với nhau.
Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ của mạng lưới mafia khoa học khổng lồ đã và vẫn đang tiếp tục hút máu các trường đại học Việt Nam.
# **Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: ‘Chất độc’ bắt đầu phát tác**
***Một số bài báo ghi địa chỉ trường ĐH ở Việt Nam bị rút ra khỏi các tạp chí quốc tế là dấu hiệu cho thấy “chất độc” của chiêu trò tạo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học bắt đầu phát tác.***
Trong bài viết “*Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Các trường đại học Việt Nam có thể đang bị ‘ăn thịt*” đăng trên báo Thanh Niên hồi tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng nhiều đầu nậu thuộc mạng lưới mafia khoa học nước ngoài hút máu một số trường ĐH Việt Nam bằng cách đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám từ khắp nơi rồi bán cho các trường để phục vụ mục đích tạo thành tích khoa học ảo.
Ngoài những hậu quả tiềm ẩn, lâu dài, cần thêm thời gian mới biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt, kết cục nhãn tiền của hiện tượng mà chúng tôi gọi là “bệnh thành tích di căn” này là một loạt bài báo của những cai thầu nước ngoài ghi địa chỉ làm việc là các trường ĐH trong nước vừa bị nhiều tạp chí khoa học gỡ bỏ vì vi phạm tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
**Bị gỡ bỏ vì lén bổ sung tác giả liên hệ vào bài báo**
Mới đây, tạp chí Applied Surface Science thuộc Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) đã gỡ bỏ loạt 3 bài báo mà Kittisak Jermsittiparsert là tác giả liên hệ của cả 3 bài (tác giả liên hệ của bài báo khoa học thường là người chịu trách nhiệm nộp bản thảo cho tạp chí cũng như liên lạc với biên tập viên và phản hồi các chuyên gia bình duyệt). Trong 3 bài báo này, Kittisak đều ghi địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Điều đáng nói, ở cả 3 bài báo, tên tác giả Kittisak đều không có trong bản thảo ban đầu, mà chỉ được thêm vào trong quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện bài báo. Việc bổ sung tên tác giả trong các bài này không hề được thông báo cho biên tập viên tạp chí cũng như không được các tác giả đầu tiên chấp thuận một cách rõ ràng.
Thật vậy, bản thảo bài “*Tuning the structural and electronic properties of Ag/Au embedded arsenene monolayers and investigation of their adsorption behaviors for various gas molecules*” (đăng trên Tập 504, tháng 2.2020) và bài “*Structural, electronic and magnetic properties of the Ni/Cu-embedded S-vacancy defective MoS2 monolayers and their effects on the adsorption of SOx and O3 molecules*” (đăng trên Tập 517, tháng 7.2020) đều chỉ có một tác giả ban đầu là Wei Gao, địa chỉ tại ĐH Sư phạm Vân Nam, Trung Quốc.
Khi công bố, bài thứ nhất bổ sung thêm tên Kittisak Jermsittiparsert và 2 tác giả ghi địa chỉ ĐH Tây An, Trung Quốc; bài thứ 2 bổ sung thêm “siêu nhân” này và 2 nhà nghiên cứu khác của ĐH Nông nghiệp Hà Nam, Trung Quốc.
Bản thảo bài thứ 3, “*Enhancing the adsorption performance and sensing capability of Ti-doped MoSe2 and MoS2 monolayers by applying electric field*” (đăng trên Tập 512, tháng 5.2020), chỉ có một tác giả Lilin Jiang, Học viện Hạ Châu, Trung Quốc, nhưng khi công bố thì xuất hiện thêm tên của Kittisak cùng 3 tác giả mới ghi địa chỉ ĐH Nông nghiệp Hà Nam.
Việc bổ sung đồng tác giả trong quá trình bình duyệt bản thảo không phải hành vi bị cấm trong xuất bản hàn lâm, nhưng với điều kiện nó được thông báo và giải trình rõ ràng, minh bạch rồi được biên tập viên xử lý bản thảo chấp thuận. Nhưng trong 3 bài báo trên, tên của “siêu nhân” Kittisak và các đồng tác giả khác đã được thêm vào mà biên tập viên tạp chí không hề hay biết. Đặc biệt, việc tác giả được bổ sung về sau lại thế chỗ tác giả ban đầu để trở thành tác giả đầu mối là hết sức kỳ lạ và bất thường.
Vì lý do này, tạp chí Applied Surface Science đã quyết định gỡ bỏ cả 3 công trình với nhận định: “*Vấn đề với danh tính và đóng góp khoa học của các tác giả gây nghi ngờ về dữ liệu cũng như những kết luận rút ra từ dữ liệu trình bày trong bài báo*”. Tạp chí này cho biết, “*việc thay đổi tác giả sau khi nộp bản thảo mà không được biên tập viên chấp thuận đi ngược lại chính sách của tạp chí*” và đánh giá hành vi của các tác giả là “*biểu hiện của việc lạm dụng hệ thống xuất bản khoa học*”.
Ban biên tập tạp chí Applied Surface Science cũng nói rằng, “*cộng đồng khoa học giữ quan điểm nghiêm khắc về vấn đề này và xin cáo lỗi vì hành vi của các tác giả đã không được phát hiện trong quá trình xử lý bản thảo*”.
**“Siêu nhân” Kittisak là ai?**
Kittisak Jermsittiparsert là một “cai thầu săn mồi” tiêu biểu đã được nhắc đến trên báo Thanh Niên. Tuy mới hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành khoa học xã hội vào năm 2017 tại Thái Lan, “siêu nhân” này đã công bố tới 383 bài báo thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ tính toán lý thuyết đến thực nghiệm, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội (theo thống kê mới nhất của cơ sở dữ liệu học thuật Scopus).
Nếu như từ 2018 trở về trước, tác giả này chỉ công bố 1-6 công trình khoa học mỗi năm thì sang các năm 2019 và 2020, số bài báo của Kittisak nhảy vọt lên lần lượt 207 và 133 bài. Tính trung bình, gần như bất kỳ ngày làm việc nào “siêu nhân” Kittisak cũng xuất bản một bài báo.
Cho đến nay, Kittisak khai địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong 233 bài và Trường ĐH Duy Tân trong 35 bài.
Cả 3 bài báo mà siêu nhân này đứng tên tác giả đầu mối trên tạp chí Applied Surface Science vừa bị gỡ bỏ đều thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên ngành khoa học xã hội mà Kittisak chỉ vừa tốt nghiệp 4 năm trước.
Sau bài viết của chúng tôi trên báo Thanh Niên tháng 9 năm ngoái, phát biểu trên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, trường này đã ngừng “hợp tác” với Kittisak. Tuy thế, chúng tôi nhận thấy một số bài báo mới công bố của siêu nhân này vẫn tiếp tục lấy địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thằng và một trường ĐH Việt Nam khác.
Chẳng hạn, trong bài báo “*The step towards environmental mitigation in Pakistan: do transportation services, urbanization, and financial development matter?*” công bố trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research (Tập 28, tháng 1.2021), “siêu nhân” Kittisak ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng; trong khi ở bài “*Management of higher heating value sensitivity of biomass by hybrid learning technique*“ đăng trên tạp chí Biomass Conversion and Biorefinery (tháng 1.2021), nơi làm việc của “siêu nhân” này lại biến thành Trường ĐH Duy Tân. Cả 2 bản thảo đều được nộp cho các tạp chí vào thời điểm tháng 11.2020 với Kittisak Jermsittiparsert là tác giả liên hệ.
# **Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dấu hỏi về những tác giả ‘ma’**
***Trong những bài báo bị rút ra khỏi các tạp chí quốc tế, có những bài mà tác giả ghi địa chỉ trường ĐH ở Việt Nam bị nghi là tác giả “ma”, bịa ra nhằm mục đích bán một bài báo cho nhiều trường cùng lúc.***
**Bị rút bài vì sự hiện diện của tác giả giả mạo**
Tiếp tục tìm hiểu về những bài báo có địa chỉ từ Việt Nam bị các tạp chí gỡ bỏ trong thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện thêm nhiều thông tin choáng váng hơn. Chỉ trong vòng vài tháng qua, một loạt 4 bài báo khác có tác giả liên hệ làm việc tại 2 trường đại học trong nước vừa bị các tạp chí của Nhà xuất bản Elsevier rút bỏ.
Cụ thể, 2 bài báo của tác giả Narjes Nabipour từ Trường ĐH Duy Tân là “*Free convection and entropy generation in a nanofluid-filled star-ellipse annulus using lattice Boltzmann method supported by immersed boundary method*” công bố trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences (tập 176, tháng 6.2020) và bài “*Using of double distribution function LBM (DDF/LBM) and experimental rheological/thermal measurements of nanofluid for battery thermal management*” đăng trên tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification (tập 148, tháng 2.2020) đã bị gỡ.
Trong khi bài đầu tiên bị rút bỏ với lý do vắn tắt là “theo yêu cầu của tác giả và/hoặc biên tập viên tạp chí” thì lý do rút bài thứ hai cho thấy bài báo vi phạm liêm chính khoa học.
Theo thông báo từ tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification, bài báo của Narjes Nabipour bị gỡ bỏ bởi ba lý do: quan ngại về danh tính tác giả “David Ross” (là tên một đồng tác giả trong bài mà Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân làm tác giả liên hệ – NV) khi ĐH Texas tại Austin phủ nhận người này làm việc tại trường; tên của các đồng tác giả đã được thêm vào bản thảo chỉnh sửa mà không thông báo cho biên tập viên – một việc làm trái với chính sách của tạp chí về thay đổi tác giả; các tác giả không thể giải trình hợp lý đóng góp của họ trong bài báo.
David Ross còn là đồng tác giả trong 2 bài báo khác do Abdollahzadeh Jamalabadi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng tên tác giả liên hệ. Đó là bài “*Numerical modelling of free convection in a symmetrical cone using MRT LB model combined with experimental properties of TiO2-water*” trên tạp chí Physica E: Low-dimensional Systems and Nanostructures (tập 114, tháng 10.2019) và bài “*Natural convection heat transfer in a circle-square annulus using lattice Boltzmann method – Treatment of curved boundary conditions*” công bố trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences (tập 161-162, tháng 10/2019). Cả 2 bài báo này đều bị rút với cùng 3 lý do giống như bài của Narjes Nabipour trên tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification.
Riêng bài của Abdollahzadeh trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences còn có thêm lý do thứ tư khiến nó bị gỡ bỏ, đó là công trình này trùng lặp phần lớn nội dung với bài báo “*Mathematical modelling of free convection in an ellipse-rectangular annulus filled with nanofluid using LBM*” công bố ngay trước đó trên tạp chí Thermal Science and Engineering Progress (tháng 7.2019).
Chưa hết, chính bài báo trên Thermal Science and Engineering Progress cũng bị rút theo yêu cầu của tác giả và/hoặc biên tập viên.
Điểm bất ngờ nhất là 2 bài báo này có chung tác giả liên hệ duy nhất là David Ross, một cái tên được Retraction Watch, trang tin khoa học quen thuộc với giới nghiên cứu, cho là có khả năng giả mạo giáo sư vật lý David W. Ross của Đại học Texas tại Austin – người đã nghỉ hưu từ năm 2003.
Cho đến nay, vẫn không ai có thể xác định tác giả giả mạo David Ross trong loạt bài bị rút trên thực sự là ai. Có thể suy đoán rằng tác giả của những bài báo đó đã mạo danh một giáo sư ở ĐH Texas tại Austin danh tiếng để bài báo dễ được chấp nhận công bố.
Theo thống kê của Retraction Watch, David Ross còn 3 bài báo nữa cũng đã bị các tạp chí gỡ bỏ. Ngoài ra, một số bài báo khác của nhân vật mạo danh này có đồng tác giả từ Trường ĐH Duy Tân như “*Cooling of an electronic package using lattice Boltzmann/finite volume method with experimental rheological/thermal analysis of hybrid nanofluid properties*” trên tạp chí Journal of Molecular Liquids (tập 299, tháng 2.2020) và bài “*An experimental/numerical hydrothermal analysis on natural convection and TiO2-SiO2/W-EG nanofluid’s properties in a hollow/finned cavity*” trên tạp chí International Journal of Numerical Methods for Heat & Fluid Flow (tập 30, Số 10, tháng 1.2020).
Hai bài này tuy chưa bị gỡ bỏ, nhưng vì trong số các tác giả bài báo có tác giả giả mạo nên việc bị rút bài chỉ còn là vấn đề thời gian.
**Tác giả không thể xác định danh tính**
David Ross dễ dàng bị phát hiện là tác giả giả mạo một phần do tác giả này dùng địa chỉ thư điện tử công cộng là david.ross.texas@gmail.com. Còn Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân, người là đồng tác giả với David Ross trong 2 bài báo bị gỡ nói ở trên, sử dụng địa chỉ thư điện tử học thuật narjesnabipour@duytan.edu.vn, nhưng địa chỉ này có phải do Trường ĐH Duy Tân cấp hay không, là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Theo hồ sơ trong cơ sở dữ liệu học thuật Scopus, người này chỉ mới công bố bài báo đầu tiên năm 2019 với địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân. Ngay năm tiếp theo, số bài báo của Narjes Nabipour tăng vọt 11 lần, từ 5 bài năm 2019 lên 55 bài năm 2020. Sửng sốt trước “kỳ tích” đó, chúng tôi khó kìm nổi tò mò về lai lịch của vị “siêu nhân” từ trên trời rơi xuống này.
Cũng theo Scopus, trước khi đầu quân cho Trường ĐH Duy Tân, Narjes Nabipour là “nhà nghiên cứu độc lập” tại Tehran, Iran vào năm 2019 rồi chuyển sang Oslo, Nauy năm 2020. Câu hỏi đặt ra là trước thời điểm 2019, siêu nhân này đã được đào tạo ở đâu hay từng làm việc cho đơn vị nghiên cứu nào?
Ngay cả khi tiến hành tra cứu tên “Narjes Nabipour” không kèm theo bất kỳ giới hạn nào, máy tìm kiếm Google chỉ hiển thị 36 kết quả, tất cả đều hướng về tác giả Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân và không hé lộ thêm điều gì về lý lịch khoa học của người này trước năm 2019. Chúng tôi cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về nhân vật bí ẩn này trên trang web của Trường ĐH Duy Tân. Dường như Narjes Nabipour sở hữu cái tên cực kỳ đặc biệt, duy nhất trên đời mà chỉ người đặt tên cho “siêu nhân” này mới nghĩ ra.
Khi nhìn vào danh sách đồng tác giả của Narjes Nabipour, chúng tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc. Đầu tiên là Shahaboddin Shamshirband với 25 bài báo đứng tên chung cùng Narjes Nabipour. Độc giả báo Thanh Niên hẳn còn nhớ “ông vua bị rút bài” này với 50 bài báo đã bị các tạp chí gỡ bỏ, nằm trong danh sách những người bị rút bài nhiều nhất trong lịch sử.
Một điều trùng hợp hi hữu là Shahaboddin Shamshirband cũng có thời gian làm việc ở cả Tehran và Oslo rồi đầu quân cho Trường ĐH Duy Tân trong cùng khoảng thời gian giống hệt như Narjes Nabipour.
Đã vậy, tuy Shahaboddin Shamshirband có lúc khai nơi làm việc là Trường ĐH Duy Tân, nhưng trong các bài báo đứng tên chung với Narjes Nabipour (sử dụng địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân), “ông vua bị rút bài” này luôn lấy địa chỉ cơ quan là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Báo Thanh Niên cũng đã có dịp giới thiệu chiến lược đứng tên nhịp nhàng và bài bản này trong đó Shahaboddin Shamshirband luân phiên đổi địa chỉ với Timon Rabczuk, một người cũng có chung vài bài báo với Narjes Nabipour.
Tuy chưa thể quả quyết danh tính của siêu nhân Narjes Nabipour, chúng tôi không loại trừ khả năng Narjes Nabipour là một cái tên giả mạo do Shahaboddin Shamshirband (hoặc một đầu nậu khoa học khác trong mạng lưới của ông vua bị rút bài này) bịa ra nhằm mục đích bán một bài báo cho nhiều trường cùng lúc.
# **Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Cần đầu tư cho nội lực**
***Đã đến lúc các trường ĐH cần nhìn nhận nghiêm túc về việc bị bêu tên trong các bài báo bị gỡ bỏ, từ đó bỏ hẳn chủ trương sai lầm chạy theo thành tích ảo thông qua mua bán bài báo vô tội vạ.***
**Mạng lưới mafia khoa học**
Mặc dù chỉ là một tác giả không thể xác định danh tính, Narjes Nabipour dường như lại nằm ở trung tâm của mạng lưới bao gồm nhiều nhân vật đáng ngờ. Hình dưới đây thể hiện mối liên hệ giữa một nhóm tác giả đứng tên chung trong gần 2.000 bài báo khoa học. Mỗi tác giả trong mạng lưới có tối thiểu 10 bài. Đường cong nối tên 2 tác giả bất kỳ cho biết các tác giả đó có chung bài báo trong khi mức độ đậm nhạt của đường kết nối tỷ lệ với số lượng bài báo đứng tên chung.
Có thể thấy ngay tất cả những nhân vật được nhắc tên trong các phần trước đều kết nối trực tiếp với nhau hoặc chỉ thông qua một tác giả trung gian mà thôi. Thật vậy, siêu nhân bí ẩn Narjes Nabipour có quan hệ trực tiếp với cả đầu nậu Kittisak Jermsittiparsert, tác giả giả mạo David Ross lẫn Timon Rabczuck và – dĩ nhiên rồi – “cha đẻ” của mình là “ông vua bị rút bài” Shahaboddin Shamshirband.
Nếu lấy Kittisak Jermsittiparsert làm nhân vật chính, chúng ta lại thấy ngoài kết nối trực tiếp với Narjes Nabipour, để rồi thông qua đó liên hệ với Shahaboddin Shamshirband, cai thầu này còn có quan hệ với tác giả của cái tên Narjes Nabipour qua trung gian Yun Wang hoặc Sultan Noman Qasem.
Tương tự, Kittisak Jermsittiparsert cũng kết nối với tác giả giả mạo David Ross thông qua Dangquan Zhang hoặc Muhammad Aqeel Ashraf trong công trình “*Enhancing the adsorption performance and sensing capability of Ti-doped MoSe2 and MoS2 monolayers by applying electric field*” bị tạp chí Applied Surface Science rút bỏ kể trên.
Đến lượt David Ross, ngoài liên kết trực tiếp với Narjes Nabipour và Abdollahzadeh Jamalabadi trong loạt 4 bài bị rút bỏ mà chúng tôi đã trình này cũng như kết nối gián tiếp với Kittisak Jermsittiparsert như vừa nói, tác giả giả mạo này còn có quan hệ với Timon Rabczuk thông qua nhân vật trung gian là Meysam Jamshidian. Giữa Timon Rabczuk và Shahaboddin Shamshirband lại là quan hệ trực tiếp, chặt chẽ thông qua hàng chục bài báo hai người đứng tên chung.
**Có thể chỉ là sự khởi đầu**
Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng qua, 2 trường ĐH của Việt Nam đã bị xướng tên 7 lần (Tôn Đức Thắng 5, Duy Tân 2) trong loạt bài báo bị nhiều tạp chí gỡ bỏ vì gian lận tác giả. Cố nhiên, không phải bài báo nào bị gỡ cũng đáng chê trách, chẳng hạn như trường hợp tác giả phát hiện sai sót vô ý và chủ động đề nghị tạp chí cho rút bài, nhưng toàn bộ 7 bài báo trên lại bị gỡ bỏ vì hành vi sai trái, cố tình gian lận. Đó thực sự là hành vi mà ở nhiều nước coi trọng liêm chính và đạo đức khoa học, tác giả của những bài báo bị gỡ bỏ vì lý do này gần như chắc chắn bị sa thải.
Không thể không đặt câu hỏi có bao nhiêu “cai thầu” khác đã được lén lút thêm vào các bài báo rồi phù phép biến thành tác giả liên hệ cũng như bao nhiêu tác giả giả mạo, hoặc tác giả không thể xác định danh tính đã và đang đóng góp vào thành tích ảo của các trường mua bài. Với những phân tích trên đây, chúng tôi có cơ sở để lo ngại rằng danh sách bài báo bị rút có địa chỉ từ Việt Nam có thể sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Bảy bài báo vừa bị gỡ bỏ không phải hậu quả cuối cùng của vấn nạn mua bán bài báo khoa học mà có lẽ chỉ là khởi đầu của những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài hơn. Tuy các tạp chí cần thời gian điều tra và xem xét các hành vi sai trái khiến việc rút bài có thể xuất hiện trễ nhưng kết cục đó chắc chắn sẽ xảy đến một khi gian lận bị lộ.
Đã đến lúc các trường ĐH của Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc nguy cơ mất uy tín do bị bêu tên thêm nhiều lần nữa trong các bài báo bị gỡ bỏ vì gian lận, từ đó bỏ hẳn chủ trương sai lầm chạy theo thành tích ảo thông qua mua bán bài báo vô tội vạ, dành nguồn lực đầu tư cho nội lực nghiên cứu và hợp tác khoa học thực chất để phát triển lành mạnh, bền vững. Hãy thử ước tính kinh phí chi trả cho hàng ngàn bài báo được gắn tên các trường đại học ở Việt Nam chuyển cho các mafia khoa học như vậy được dùng để đầu tư cho các nhà khoa học đang làm việc ngay tại các trường đó sẽ mang lại hiệu quả thực chất lớn lao như thế nào.
Các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khoa học Việt Nam cũng cần quan tâm thúc đẩy liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu và công bố khoa học để các nhóm mafia khoa học nước ngoài, những tác giả giả mạo, những siêu nhân từ trên trời rơi xuống không còn cơ hội hút máu các trường đại học trong nước cũng như làm ô danh nền khoa học nước nhà bằng những chiêu trò gian lận đáng xấu hổ./.
Shared link: https://thanhnien.vn/giao-duc/thu-thuat-khai-man-nhiem-so-de-thang-hang-dai-hoc-1291186.html
Statistics:
Likes: 450, Shares: 115, Comments: 48
Like Reactions: 403, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 10, Love Reactions: 32, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0