Duong Tu – 2021-05-14 14:41:58
**NHÀ KHOA HỌC YÊU ÂM NHẠC**
Năm 1997, một nhóm nhà khoa học tại Karolinska Institute, Thụy Điển – nơi trao giải Nobel Y sinh thường niên – công bố một bài báo trên tạp chí Nature Medicine về khả năng phát hiện tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa thông qua đo đạc khí nitơ monooxit (NO) với tiêu đề “*Nitric oxide and inflammation: The answer is blowing in the wind*”: https://www.nature.com/articles/nm0197-30. Cả hai tác giả chính của bài review này là Jon Lundberg và Eddie Weitzberg đều mê Bob Dylan nên đã sử dụng lời của một trong những tác phẩm quen thuộc nhất của nhạc sĩ nổi tiếng này – *Blowin’ in the wind* – trong tựa bài.
+++
Hai ghi chú nhanh:
* Ngay năm sau đó, giải Nobel Y sinh 1998 đã được trao cho 3 nhà khoa học của Mỹ vì những khám phá liên quan đến vai trò của khí NO đối với hệ tim mạch: https://www.nobelprize.org/prizes/medicine/1998/summary
* Là một nhạc sĩ được biết đến với nhiều ca khúc phản chiến cũng như đề cập các chủ đề dân quyền, tôn giáo, triết lý và ca từ giàu chất thơ, nhiều người thường so sánh Bob Dylan với Trịnh Công Sơn, đúng hơn là ngược lại. Hai bài hát của cặp nhạc sĩ này hay được đặt cạnh nhau là “Blowin’ in the wind” và “Để gió cuốn đi”. Nhiều liên tưởng và đối chiếu thú vị được John C. Schafer, khi đó là giáo sư tại Humboldt State University trình bày trong cuốn “Trịnh Công Sơn, Bob Dylan: Như Trăng Và Nguyệt”: https://www.nxbtre.com.vn/sach/trinh-cong-son-bob-dylan-nhu-trang-va-nguyet-11968.html
+++
Lundberg và Weitzberg không phải là những fan duy nhất của Bob Dylan tại Karolinska Institute. Cũng trong năm 1997, một nhà khoa học khác tại viện này là Kenneth Chien công bố một bài review trên tạp chí Circulation với tiêu đề: “*Tangled up in blue: molecular cardiology in the postmolecular era*” lấy cảm hứng từ bài hát “*Tangled up in blue*” của Bob Dylan: https://europepmc.org/article/med/9416876
Vài năm sau, Lundberg và Weitzberg tình cờ phát hiện thêm hai đồng nghiệp ở Karolinska cũng đưa tác phẩm của Bob Dylan vào công trình khoa học. Bài bình luận của Jonas Frisén và Konstantinos Meletis về khả năng tế bào máu có thể biến đổi thành tế bào thần kinh đăng trên tạp chí Trends in Neurosciences năm 2003 kết hợp cả tên album lẫn tên bài hát của Bob Dylan trong tiêu đề: “*Blood on the tracks: a simple twist of fate?*”: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0166223603001255
Kết quả của phát hiện này là nhóm fan của Bob Dylan tại Karolinska đã liên lạc với nhau và rủ nhau đánh cược: ai viết được nhiều bài báo khoa học nhất có nhắc đến các bài hát của Bob Dylan trước khi nghỉ hưu sẽ được chiêu đãi một bữa trưa thịnh soạn tại một nhà ăn của trường.
*
Với 5 đối thủ cạnh tranh, cuộc đua bắt đầu trở nên quyết liệt. Năm 2009, Lundberg và Weitzberg nhắc đến một bài hát khác cũng vô cùng quen thuộc của Bob Dylan trong bài xã luận “*The biological role of nitrate and nitrite: The times they are a-changin*’” trên tạp chí Nitric Oxide: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1089860309001463
Không chịu thua kém, ngay năm tiếp theo, Frisén đáp trả bằng bài xã luận cũng lấy cảm hứng từ nhạc phẩm “*Tangled up in blue*” giống như trong công trình của Kenneth Chien, mang tựa đề “*Eph receptors tangled up in two: Independent control of cell positioning and proliferation*” đăng trên tạp chí Cell Cycle: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.4161/cc.9.10.11677
Sang đến 2011, Lundberg và Weitzberg lại tiếp tục vượt lên với bài bình luận “*Dietary nitrate – a slow train coming*” trên The Journal of Physiology: https://physoc.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1113/jphysiol.2011.220673. Hai tác giả này còn tham chiếu đến lời một ca khúc khác của Bob Dylan là “*Ballad of a thin man*” trong đoạn kết bài báo: “*We know something is happening, but we don’t know what it is – Do we, Dr Jones?*”.
Tháng 8/2014, 5 “đấu thủ” gặp nhau để tám chuyện về Bob Dylan và về vụ cá cược. Eddie Weitzberg cho biết ông tin rằng Bob Dylan xứng đáng được trao giải Nobel Văn học trong khi Kenneth Chien coi Dylan là Shakespeare trong âm nhạc. Quả thực, chỉ hai năm sau đó, Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên Bob Dylan là khôi nguyên Nobel Văn học 2016 vì đã “sáng tạo những cách biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống ca khúc Mỹ”: https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2016/dylan/facts
***
Không biết có phải được gợi hứng từ vụ cược của các nhà khoa học tại Karolinska không mà tháng 4/2015, một nhóm nghiên cứu tại Đức đã nhại tên ca khúc “*Knockin’ on heaven’s door*” của Bob Dylan trong công trình nghiên cứu (original research) mang tên “*Knockin’ on pollen’s door: live cell imaging of early polarization events in germinating Arabidopsis pollen*” công bố trên tạp chí Frontiers in Plant Science: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpls.2015.00246/full
Thật ra, ảnh hưởng của Bob Dylan trong giới nghiên cứu y khoa đã xuất hiện khá lâu trước đó. Ngay từ năm 1970, tức chỉ 8 năm sau khi Dylan ra mắt album đầu tay, một bài báo trên tạp chí Journal of Practical Nursing đã sử dụng tên ca khúc “*The times they are a’changin’*” của Dylan làm tiêu đề: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/5203179/. Nhạc phẩm này cũng được dùng làm tựa một bài xã luận trên tạp chí Burns năm 2002 với nhiều ca từ được tham chiếu để bàn về những thay đổi trong lĩnh vực xuất bản hàn lâm và tác động của chúng đến tạp chí này: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0305417901001188
Một ca khúc khác của Bob Dylan cũng được các nhà khoa học nhắc đến là “*Like a rolling stone*”. Trong bài review đăng trên tạp chí Biochimica et Biophysica Acta, một nhóm tác giả cũng đến từ Karolinska đã chơi chữ bài hát của Dylan trong tiêu đề: “*Like a rolling histone: Epigenetic regulation of neural stem cells and brain development by factors controlling histone acetylation and methylation*”: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0304416512002310
Trên tạp chí The Journal of Analytical Psychology năm 2013, đến lượt album “*Bringing it all back home*” phát hành năm 1965 của Dylan được dùng trong tựa bài báo “*Bringing it all back home: how I became a relational analyst*”: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1111/1468-5922.12028
Cũng trong năm 2013, João Carlos Winck, lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Portuguese Journal of Pulmonology đã dùng toàn bộ lời ca khúc “*I shall be released*” như một lời chia tay, ví mình như được “giải thoát” khi rời khỏi vị trí Tổng biên tập tạp chí này: https://www.journalpulmonology.org/en-the-editor-bob-dylan-i-articulo-S2173511513000134
***
Nếu tinh ý, ta sẽ thấy đa số công trình tham chiếu các nhạc phẩm của Bob Dylan thuộc lĩnh vực y sinh. Điều này có thể không hoàn toàn ngẫu nhiên.
Thật vậy, trong bài hát “*Don’t fall apart on me tonight*”, Dylan đã thể hiện sự trân trọng của ông đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực y sinh qua mong ước được trở thành bác sĩ:
*“I wish I’d have been a doctor*
*Maybe I’d have saved some life that had been lost*
*Maybe I’d have done some good in the world*
*’Stead of burning every bridge I crossed”*
Rất có thể các nhà nghiên cứu y sinh đã không chỉ bị thu hút bởi chất thơ trong ca từ của Bob Dylan mà còn đáp lại sự trân trọng của nhạc sĩ tài danh này đối với nghề nghiệp của họ bằng cách nhắc đi nhắc lại tác phẩm của ông trong các công trình khoa học.
*
Ảnh: nhóm fan của Bob Dylan tại Karolinska.
**References**
1. https://news.ki.se/here-comes-the-story-of-the-dylan-fans
2. https://www.thelocal.se/20140926/scientists-sneak-dylan-lyrics-into-medical-journals
3. https://www.bmj.com/content/351/bmj.h6505
Shared link: https://news.ki.se/here-comes-the-story-of-the-dylan-fans
Statistics:
Likes: 141, Shares: 18, Comments: 12
Like Reactions: 115, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 24, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0