Duong Tu – 2021-04-30 14:32:28
**GIAN LẬN HỌC THUẬT, TỐ CÁO & BÌNH DUYỆT ẨN DANH CÙNG VÀI VẤN ĐỀ KHÁC**
Xin giới thiệu một vụ án học thuật ly kỳ đã bắt đầu cách nay gần 8 năm nhưng hệ quả của nó vẫn còn dai dẳng tới tận hôm nay với hồ sơ dày hàng ngàn trang chứa vô số tình tiết và diễn biến phức tạp, đụng chạm đến rất nhiều vấn đề đáng quan tâm như:
* Bình duyệt ẩn danh hậu xuất bản (anonymous post-publication peer review)
* Vụ kiện PubPeer và Tu chính án thứ nhất của Mỹ về tự do ngôn luận
* Phản hồi của các tạp chí đối với những tố cáo ẩn danh
* Cách xử lý của các trường đại học đối với những tố cáo về misconduct
Những vấn đề này có thể liên quan đến triết lý hoạt động của nhóm Liêm Chính Khoa Học, vốn đôi khi được thảo luận rải rác ở nhiều bài viết tại nhiều thời điểm khác nhau trong nhóm này.
Tóm tắt dưới đây dựa trên bài viết tháng 8/2016 của RetractionWatch (https://retractionwatch.com/2016/08/12/meet-the-researcher-who-tried-to-take-on-pubpeer-commenters-fazlul-sarkar/) nhưng lược bỏ những thông tin không thiết yếu, đồng thời bổ sung thêm nhiều thông tin liên quan đến vụ án, nhất là những diễn biến sau thời điểm 2016.
**1. NHÀ KHOA HỌC THÀNH ĐẠT**
Fazlul Sarkar là một giáo sư rất thành công tại Wayne State University (WSU): ông đã nhận được hàng chục triệu đô la tiền tài trợ từ các quỹ nghiên cứu, công bố hàng trăm bài báo khoa học, nhiều bài trong số đó đã được trích dẫn hàng trăm lần.
Fazlul Sarkar bắt đầu sự nghiệp tại WSU với vị trí associate professor từ năm 1989. Sau gần 25 năm gắn bó với trường này, ông quyết định chuyển sang làm việc tại University of Mississippi (UM).
Ngày 13/9/2013, sau một thời gian trao đổi qua lại, Đại học Mississippi gửi Sarkar thư mời làm việc kèm theo các điều khoản dự kiến về quyền lợi. Theo đó, Sarkar được mời giữ vị trí giáo sư xuất sắc với mức lương 350 ngàn đô la hàng năm cùng một khoản tiền ban đầu 750 ngàn Mỹ kim để thuê vài phó giáo sư và nghiên cứu viên làm việc trong nhóm của ông này.
**2. PUBPEER LÀ NƠI BẮT ĐẦU**
**Bình duyệt hậu xuất bản**
Khác với bình duyệt truyền thống khi quá trình review diễn ra trước khi bài báo được công bố, bình duyệt hậu xuất bản được tiến hành theo 3 hình thức chính sau đây:
* Sau khi đã được ban biên tập tạp chí đánh giá sơ bộ, bản thảo bài báo được công bố ngay. Tiếp đó, ban biên tập mới mời một số chuyên gia bình duyệt công khai. Những bản thảo vượt qua quá trình bình duyệt sẽ được đánh dấu và ghi chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu học thuật. Tiêu biểu cho hình thức bình duyệt hậu xuất bản này là các tạp chí của F1000Research và Corpenicus.
* Ở hình thức thứ nhì, reviewer không phải do tạp chí mời mà bất kỳ ai thỏa mãn tiêu chí sàng lọc ban đầu của tạp chí đều có thể bình duyệt bản thảo đã công bố. Tiêu chí sàng lọc có thể là reviewer phải có tối thiểu 05 công trình đã xuất bản (chẳng hạn như trên Science Open) hoặc chỉ cần là tài khoản đã đăng ký (như trên The Winnower).
* Với hình thức thứ ba, việc bình duyệt diễn ra tương tự trên các blog hay mạng xã hội như Twitter, ResearchGate… Đại diện của hình thức này có thể kể đến PubMed Commons của Thư viện Y khoa Mỹ, cho phép những tác giả có danh tính rõ ràng và có ít nhất 01 bài báo được đánh chỉ mục bởi PubMed được phép bình luận về bất kỳ công trình nào trong cơ sở dữ liệu của PubMed. Trong khi đó, PubPeer cho phép bình duyệt ẩn danh, bất kỳ ai cũng có thể đưa ra ý kiến về các công trình đã xuất bản mà không cần tiết lộ danh tính. Đương nhiên, một người có thể chọn công khai danh tính khi bình luận.
Kể từ khi ra đời vào năm 2012 đến nay, PubPeer đóng vai trò là một platform cảnh báo những thiếu sót trong các bài báo, nhất là những công trình nổi tiếng, dẫn tới quyết định rút bài và cáo buộc gian lận học thuật trong không ít trường hợp. Điểm khác biệt quan trọng nhất của PubPeer so với các dịch vụ bình duyệt hậu xuất bản khác chính là sự ẩn danh của những người tham gia, một điểm gây tranh cãi nhưng cũng là nhân tố chính làm nên thành công của trang này.
*
Trở lại vụ án của Fazlul Sarkar. Ngày 9/11/2013, tức chỉ 2 tháng sau khi ông này nhận được offer từ Đại học Mississippi, một tài khoản ẩn danh trên PubPeer chỉ ra sự giống nhau giữa các hình ảnh trong bài báo “Down-regulation of Notch-1 contributes to cell growth inhibition and apoptosis in pancreatic cancer cells” của Sarkar với các hình trong những bài khác của tác giả này. Rất nhiều tài khoản khác tiếp tục chỉ ra tình trạng tương tự với nhiều công trình của Sarkar: https://pubpeer.com/publications/8EB4592F23B61CC3EE7CF29A7522AF. Đây chỉ là một trong hàng loạt công trình của Sarkar bị đặt nghi vấn về dữ liệu: https://pubpeer.com/search?q=%22fazlul+h+sarkar%22
Ngày 10/11/2013, một người lấy tên là Clare Francis gửi email cho thư ký hội đồng trường Wayne State University thông báo về các nghi vấn liên quan đến những công trình của Sarkar được thảo luận trên PubPeer và nhận được phản hồi rằng những nghi vấn đó đã được chuyển cho người có trách nhiệm tại trường này.
Ngày 11/3/2014, David Allen, Hiệu trưởng trường Dược tại Đại học Mississippi chính thức xác nhận mời Sarkar làm việc. Sarkar chấp nhận đề nghị và dự kiến bắt đầu vị trí mới từ ngày 1/8/2014.
Ngày 15/5/2014, Đại học Mississippi thông qua biên chế (tenure) cho Sarkar.
4 ngày sau đó, Sarkar nộp đơn thôi việc tới Wayne State University.
Ngày 18/6/2014, một người bình luận trên PubPeer cho biết Wayne State University đã được thông báo về những nghi vấn liên quan đến các công trình của Sarkar. Người này được xem là có liên quan đến Clare Francis.
Ngày 19/6/2014, Larry Walker, Giám đốc National Center for Natural Products Research tại Đại học Mississippi gửi thư cho Sarkar thông báo trường này nhận được một loạt email từ PubPeer liên quan đến nghi vấn trong các công trình của ông này và cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc với Sarkar: https://retractionwatch.com/wp-content/uploads/2016/01/sarkar-mississippi-letter-1.pdf
Ngay ngày hôm sau 20/6/2014, Sarkar cố gắng rút lại đơn thôi việc tại WSU.
Ngày 23/6/2014, Sarkar trả lời Larry Walker rằng ông này không có thẩm quyền dừng bổ nhiệm Sarkar tại Đại học Mississippi do quyết định bổ nhiệm đã được Hiệu trưởng trường Dược và provost của Đại học Mississippi ký.
Ngày 27/6/2014, chancellor lúc đó của Đại học Mississippi là Daniel Jones xác nhận với Sarkar rằng Sarkar sẽ không bắt đầu vị trí làm việc mới tại Mississippi.
Ngày 11/8/2014, Sarkar được WSU bổ nhiệm lại nhưng không còn biên chế và hợp đồng tạm thời chỉ kéo dài 1 năm.
Như vậy, có thể nói rằng chính những nghi vấn đặt ra trên PubPeer đã khiến Sarkar mất cả cơ hội chuyển sang Đại học Mississippi lẫn biên chế đang có tại Wayne State University.
**3. VỤ KIỆN LỊCH SỬ**
Ngày 24/8/2014, quản trị viên của PubPeer thông báo trang này vừa nhận được đe dọa về mặt pháp lý (legal threat) từ một nhà khoa học vì những bình luận về các công trình của ông ta trên PubPeer: https://pubpeer.com/topics/1/3F5792FF283A624FB48E773CAAD150
Ngày 9/10/2014, Sarkar chính thức nộp đơn khởi kiện những người đã bình luận về các công trình của ông trên PubPeer vì cho rằng những bình luận đó đã khiến ông mất việc tại Đại học Mississippi. Toàn văn đơn kiện của Sarkar có thể xem tại đây: https://retractionwatch.files.wordpress.com/2014/10/filed-complaint.pdf
Ngày 13/10/2014, thẩm phán gửi trát hầu tòa tới PubPeer, yêu cầu trang này phải tiết lộ danh tính của những người đã đặt ra nghi vấn về các công trình của Sarkar: https://retractionwatch.files.wordpress.com/2014/10/signed-subpoena-pubpeer.pdf
Ngày 5/3/2015, sau quá trình xử án, thẩm phán đưa ra phán quyết rằng PubPeer có quyền giữ kín thông tin về những người bình luận trên trang này, trừ một người tiết lộ WSU đã được thông báo về các nghi vấn.
Ngày 19/3/2015, thẩm phán bang Michigan phán quyết rằng PubPeer phải cung cấp thông tin liên quan đến người này. Mặc dù PubPeer không biết tên của người bình luận ẩn danh, trang này ghi lại địa chỉ IP của tất cả người dùng.
Ngày 20/3/2015, PubPeer nộp đơn đề nghị hoãn thi hành án để có thời gian kháng án: https://retractionwatch.com/wp-content/uploads/2015/03/2015.03.20-PubPeer-Emerg-Motion-for-Stay.pdf
Ngày 30/3/2015, Sarkar và luật sư nộp đơn chống lại đề nghị hoãn thi hành án của PubPeer: https://retractionwatch.com/wp-content/uploads/2015/04/2015.03.30-Sarkar-Application-for-Leave-to-Appeal.pdf
Ngày 31/3/2015, PubPeer nộp đơn kháng án để đảo ngược quyết định của thẩm phán yêu cầu phải cung cấp thông tin của người dùng ẩn danh: https://retractionwatch.com/wp-content/uploads/2015/04/2015.03.31-PubPeer-Application-for-Leave-to-Appeal.pdf
Ngày 9/4/2015, Sarkar và luật sư nộp bằng chứng bổ sung cho tòa án nói rằng Wayne State University đã được biết về những bình luận của người có tên Clare Francis: https://retractionwatch.com/wp-content/uploads/2015/04/supplemental-brief-with-new-evidence-complete-04-09-15.pdf. Luật sư của Sarkar nói rằng ông ta muốn biết Clare Francis có đóng vai trò gì trong việc Đại học Mississippi hủy hợp đồng làm việc với Sarkar hay không.
Ngày 27/5/2015, Sarkar nộp đơn kiện Đại học Mississippi đã phá vỡ hợp đồng.
Ngày 24/9/2015, thẩm phán bác bỏ đơn của Sarkar kiện Đại học Mississippi.
Ngày 19/1/2016, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trợ giúp pháp lý cho các bị đơn khi xét thấy các quyền tự do dân sự bị đe dọa, đã nộp một bản điều trần ủng hộ đơn kháng án của PubPeer: https://www.aclu.org/legal-document/sarkar-v-doe-pubpeers-reply-brief.
Google và Twitter cũng như một số nhà khoa học nổi tiếng như Harold Varmus (giải Nobel Y sinh năm 1989) hay Bruce Alberts (cựu chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Mỹ từ 1993 đến 2005) cũng lên tiếng ủng hộ quyền phát ngôn ẩn danh: https://www.aclu.org/blog/free-speech/internet-speech/google-and-twitter-speak-support-first-amendment-rights-their-users
Ngày 26/4/2016, Wayne State University tổ chức buổi lễ dành cho những nhân viên nghỉ hưu, trong đó có tên Sarkar: http://hr.wayne.edu/avp/recognition/2016_retirees_-_alpha_as_of_3-28-16.pdf
**4. CƠN BÃO RÚT BÀI**
Ngày 15/6/2016, Journal of Cellular Biochemistry rút 5 bài báo của Sarkar. Thông báo rút bài dựa trên kết luận điều tra của Wayne State University cho thấy bằng chứng gian lận về dữ liệu trong các công trình này: https://retractionwatch.com/2016/06/17/scientist-who-sued-pubpeer-earns-5-retractions-following-wayne-state-investigation/
Ngày 17/6/2016, Journal of Cellular Physiology rút 2 bài báo của Sarkar với cùng lý do như trên: https://retractionwatch.com/2016/06/20/seventh-retraction-appears-for-cancer-researcher-who-sued-pubpeer-commenters/
Ngày 13/7/2016, Breast Cancer Research and Treatment cũng gỡ bỏ 2 bài báo của Sarkar với lý do chỉnh sửa hình ảnh: http://retractionwatch.com/2016/08/03/a-researcher-sued-critics-of-his-work-now-he-has-13-retractions/
Ngày 29/7/2016, tạp chí Cancer rút 4 bài của Sakar cũng với lý do chỉnh sửa hình ảnh: http://retractionwatch.com/2016/08/03/a-researcher-sued-critics-of-his-work-now-he-has-13-retractions/
Ngày 18/8/2016, International Journal of Cancer rút 5 bài báo của Sarkar, đưa tổng số bài của ông này bị các tạp chí gỡ bỏ lên con số 18: http://retractionwatch.com/2016/08/18/five-more-retractions-for-researcher-who-sued-pubpeer-commenters-brings-tally-to-18/
Hàng loạt tạp chí khác tiếp tục rút nhiều bài báo của Sarkar: https://retractionwatch.com/2018/10/04/cancer-researcher-who-once-tried-to-sue-critics-is-up-to-40-retracted-papers/
Tính đến thời điểm hiện tại, ông này đã bị rút tổng cộng 41 bài và nằm trong số 10 người bị rút bài nhiều nhất trong lịch sử: https://retractionwatch.com/the-retraction-watch-leaderboard/
Ngoài ra, Sarkar cũng đã đề nghị các tạp chí sửa chữa hàng chục bài báo khác.
**5. PHÁN QUYẾT**
Ngày 19/10/2016, thông tin từ bản báo cáo điều tra của Wayne State University kết luận 42 bài báo của Sarkar cần bị gỡ bỏ do hậu quả của việc ông này đã tạo ra môi trường khuyến khích gian lận trong nhóm nghiên cứu.
Ngày 17//11/2016, ACLU công bố toàn văn báo cáo điều tra của Wayne State University: https://www.aclu.org/sites/default/files/field_document/2016.11.16_mi_appeals_pubpeer_motion_to_supplement_the_record.pdf
Phần tóm tắt sau cùng của bản báo cáo dài 431 trang này viết như sau: “*TS. Sarkar đã thiết lập trong nhóm nghiên cứu của ông một môi trường và thói quen chú trọng vào số lượng công bố và số lượng đề cương xin tài trợ mà bỏ qua những bước kiểm tra căn bản về tính liêm chính của dữ liệu, của các bản ghi chép và báo cáo. Hội đồng điều tra nhận định rằng các bằng chứng cho thấy TS. Sarkar đã tham gia vào và cho phép (cũng như ngầm khuyến khích) việc giả mạo, chỉnh sửa dữ liệu và/hoặc đạo văn một cách cố ý và có ý thức, cũng như công bố các dữ liệu này trên các tạp chí và sử dụng chúng trong các hồ sơ xin tài trợ. Hội đồng kết luận rằng để thiết lập và duy trì “văn hóa” của nhóm nghiên cứ này, TS. Sarkar đã khinh suất kéo dài và chính sự khinh suất này đã tạo điều kiện cho những hành vi sai trái lặp đi lặp lại trong nhiều năm, ở nhiều bài báo cũng như nhiều hồ sơ xin tài trợ và các báo cáo tiến độ dự án. Hội đồng điều tra kết luận rằng do sự khinh suất này, TS. Sarkar chịu trách nhiệm toàn bộ cho từng trường hợp sai trái đã được xác nhận*”.
Ngày 6/12/2016, 3 thẩm phán của tòa kháng án Michigan đảo ngược phán quyết sơ thẩm yêu cầu PubPeer phải tiết lộ danh tính của những người bình luận ẩn danh với nhận định rằng: “*Sarkar không có quyền đòi tiết lộ danh tính của bất kỳ người nào trên trang pubpeer.com do sự ẩn danh của những người này được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất*”.
Toàn văn phán quyết của tòa án có thể xem tại đây: https://www.aclu.org/sites/default/files/field_document/20161206_c326667_125_326667.opn_.pdf
Luật sư đại diện cho PubPeer phát biểu rằng: “*Phán quyết này là một chiến thắng quan trọng đối với tự do ngôn luận và chất vấn khoa học. Tính ẩn danh đã có lịch sử lâu dài ở đất nước chúng ta, cho phép những người lập quốc biểu đạt những quan điểm không phổ biến mà vẫn được tương đối an toàn. Ngày nay, tính ẩn danh vẫn không kém phần quan trọng. Các nhà khoa học bình duyệt ẩn danh công trình của đồng nghiệp cần không phải sợ bị trả thù vì chỉ ra những bất thường họ tìm thấy, và tòa án đã đúng khi chia sẻ quan điểm này. Nếu mất đi không gian mà tính ẩn danh mang lại, tự do ngôn luận và chất vấn khoa học sẽ bị tổn hại*”.
Brandon Stell, đồng sáng lập của PubPeer ra thông cáo: “*Chúng tôi tạo ra PubPeer bởi chúng tôi tin rằng khoa học sẽ phát triển nhanh nhất và vững chắc nhất nếu các công trình đã xuất bản có thể được thảo luận, chất vấn và đúng vậy, thậm chí bị chỉ trích mà [những người chỉ trích] không sợ bị đe dọa pháp lý hay bị trả thù. Các nhà khoa học luôn có lựa chọn phản hồi những bình luận trên trang của chúng tôi bằng cách công bố và bảo vệ dữ liệu gốc của họ. Họ không cần phải ngăn cản chỉ trích bằng các công cụ pháp lý. Chúng tôi vui mừng và cám ơn tòa án đã chia sẻ quan điểm rằng người dùng của chúng tôi không cần phải bị tiết lộ danh tính và phải đối mặt với những đe dọa pháp lý chỉ vì tham gia thảo luận về giá trị của những công trình nghiên cứu công khai. Thông điệp tới tất cả các nhà khoa học là hết sức rõ ràng: hãy đưa dữ liệu ra*”.
**6. HỆ QUẢ**
6.1. Tháng 8/2020, sau một thời gian dài điều tra, Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu Mỹ (ORI) ra thông cáo cho biết Zhiwei Wang, nghiên cứu viên sau tiến sĩ trong nhóm của Sarkar và là đồng tác giả của 35 trong tổng số 41 bài báo của Sarkar bị các tạp chí gỡ bỏ, đã giả mạo dữ liệu trong 9 dự án được Viện Y khoa Quốc gia (NIH) tài trợ, 3 hồ sơ xin tài trợ khác cũng như trong chính luận án tiến sĩ của anh này: https://ori.hhs.gov/content/case-summary-wang-zhiwei
Hình phạt mà ORI dành cho Zhiwei Wang là 10 năm không được làm việc hay nhận tài trợ của bất kỳ cơ quan liên bang nào của Mỹ, không được phục vụ trong hội đồng nào của Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ và phải rút hay sửa chữa những bài báo chứa dữ liệu giả mạo.
Thông tin gần nhất cho biết Zhiwei Wang đã quay về Trung Quốc làm giáo sư tại Đại học Soochow: https://www.intechopen.com/profiles/164282/wang-zhiwei
6.2. Còn Fazlul Sarkar, theo thông tin tại đây, đã chuyển sang làm giáo sư tại Đại học Malaya, Malaysia: http://awstest-alb.aimspress.com/cte/news/solo-detail/EditorialBoard.
Đại học Malaya cũng là một trong rất nhiều affiliation của Shahaboddin Shamshirband, người xếp ngay sau Sarkar trong danh sách những người bị rút bài nhiều nhất trong lịch sử với cùng 41 bài (https://retractionwatch.com/the-retraction-watch-leaderboard/) và cũng là siêu nhân thứ hai được nhắc đến trong bài viết trên báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-cac-truong-dai-hoc-viet-nam-co-the-dang-bi-an-thit-1273694.html
6.3. Từ trường hợp người tố cáo ẩn danh Clare Francis trong vụ án Sarkar, Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE) đã thảo luận và đưa ra khuyến cáo cần chấp nhận tố cáo ẩn danh: https://publicationethics.org/files/u7141/whistle%20blowers_0_0.pdf
https://publicationethics.org/files/RespondingToWhistleblowers_ConcernsRaisedDirectly.pdf
**7. LIÊN HỆ**
Việc liên hệ cách xử lý của các trường đại học và phản hồi của các tạp chí đối với những tố cáo ẩn danh về misconduct cũng như chuyện bình duyệt ẩn danh trên PubPeer được Tu chính án thứ nhất của Mỹ bảo vệ trong vụ án Sarkar với triết lý hoạt động của nhóm Liêm Chính Khoa Học, xin dành cho các bác thảo luận.
Shared link: https://publicationethics.org/files/RespondingToWhistleblowers_ConcernsRaisedDirectly.pdf
Statistics:
Likes: 213, Shares: 35, Comments: 41
Like Reactions: 190, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 21, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0