Lê Ngọc Khả Nhi – 2021-04-29 11:11:27
Những cung bậc mất mát, thất bại và tuyệt vọng trong nghề khoa học
Hôm trước trong một bài “tố giác vi phạm”, có bình luận khá đen tối rằng đừng đẩy đối tượng đến đường cùng, thậm chí là cái chết. Nhi muốn góp một vài suy nghĩ có tính nhân văn, với tư cách là đồng nghiệp. Vì ai rồi cũng sẽ phải trải qua nghịch cảnh và mất mát trong nghề.
Nhìn vào giới khoa học, người ta chỉ thấy hào quang của tầng lớp trí thức, phong lưu và lãng mạn. Tuy nhiên nghề này cũng có vực thẳm, địa ngục của nó.
Bị từ chối bài báo, thậm chí bị từ chối nhiều lần, chịu áp lực tinh thần, bị sa thải, chèn ép, đối xử bất công… chỉ là những thử thách nhỏ và tạm thời, chưa phải là thất bại tuyệt đối.
Những thất bại đau khổ thường về mặt tinh thần, hiếm khi về vật chất, nhất là ở những xã hội có thu nhập ổn định. Khi một post-doc nhận ra mình đã bước sang tuổi 40, mà vẫn chỉ loay hoay trong phòng thí nghiệm để đủ đáp ứng cho những nhu cầu cơ bản để sinh tồn, nhưng không thể leo lên đến đỉnh cao nhất của tháp nhu cầu Maslov, không có quyền hạn, danh vọng, đó thực sự là nỗi tuyệt vọng lớn cho sự nghiệp.
Với những người thực sự đam mê khoa học, bị tước bỏ khả năng làm nghiên cứu là một nỗi đau lớn. Thí dụ giáo sư đến tuổi nghỉ hưu hay hết nhiệm kì buộc phải rời khỏi phòng thí nghiệm, hoặc những nghiên cứu sinh gặp khó khăn về giấy tờ buộc phải quay trở về nước. Những người vì lý do sức khỏe phải dừng công việc. Nhi còn nhớ kỉ niệm về trang blog khoa học của một bác sĩ ngành Lung function testing, bài viết cuối cùng của ông thông báo mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và không thể tiếp tục viết blog nữa. Đó là một ngày rất buồn.
Sự hấp dẫn của đề tài khoa học thay đổi theo thời gian. Có những trào lưu đạt đến đỉnh cao và suy tàn trong 5-10 năm. Hiện nay chu kì này càng ngắn lại. Dấu hiệu một đề tài rơi vào thoái trào khi không còn ai quan tâm bàn về nó nữa, không có những phát minh hay cải tiến nào mới. Thí dụ trong ngành Y khoa là thời đại sinh lý học phân tử đã làm lu mờ vai trò của sinh lý học cổ điển. Một nhà khoa học sống đủ lâu sẽ trải nghiệm cảm giác mất mát khi học thuyết, phương pháp mà mình dành cả đời để theo đuổi dần dần đi vào thoái trào, không còn ai để chia sẻ.
Làm khoa học chuyên nghiệp để kiếm sống không hề lãng mạn và giản đơn như những nghề khác. Phải học không ngừng và chịu áp lực thường trực nhưng sự nghiệp có giới hạn.
Nhận diện được cung bậc đau khổ để thông cảm với nỗi đau của người khác, cũng là để giữ cho tâm hồn được bình an, và nhận ra giá trị thực của việc mình đang làm, không đánh đổi những điều thực sự quan trọng chỉ để có những thứ phù du.
Hầu hết những thứ ta nhận được từ nghề này, rồi cũng sẽ ra đi. Chức vụ, quyền hành, danh vọng, tiền bạc sẽ mất đi theo thời gian. Những thứ người khác ban cho càng phù du hơn nữa. Cuối cùng chỉ còn tâm hồn và danh dự.
Thất bại lớn nhất của người làm khoa học, theo Nhi đó là đánh mất danh dự, phản lại lương tâm của mình. Không phải chỉ có những sai lầm chủ động như ngụy tạo dữ liệu/kết quả mà đôi khi để sinh tồn một người phải thỏa hiệp với sự dối trá, lừa dối công chúng và xã hội nhân danh khoa học. Từ khi làm trái lương tâm, đối tượng đã sống trong địa ngục và chịu đau khổ, chứ không phải chờ đến khi bị người khác phát giác ra.
Statistics:
Likes: 155, Shares: 17, Comments: 30
Like Reactions: 120, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 27, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0