Minh Nguyen – 2021-04-24 08:49:04
Xin chào!
Sau khi xin phép và được sự đồng ý của tác giả, Cô Lê Huyền Ái Mỹ, tôi copy hoàn toàn (100%) bài viết mà Cô Ái Mỹ đã chia sẻ về những quan điểm của Cô đối với câu trả lời của tác giả Hoàng Xuân Phương đăng trên báo Tuổi Trẻ do phóng viên Trần Huỳnh thực hiện. Bà Phương hiện tại là Phó Trưởng Khoa Quan Hệ Công Chúng – Truyền Thông, trường Đại Học VĂN LANG, Hồ Chí Minh, về hành vi đã TRỘM 85% bài nghiên cứu quốc tế chuẩn Q1 của vị Giáo Sư người Úc là Jim Macnamara.
Đây là Facebook của Cô Lê Huyền Ái Mỹ https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9
Để hiểu rõ thông tin, quý vị vui lòng đọc bài của phóng viên Trần Huỳnh, báo Tuổi Trẻ đã đưa tin, đặc biệt phần Bà Phương đã giải thích.
Link https://tuoitre.vn/thu-hoi-sach-ve-bao-chi-va-truyen-thong-vi-hai-tac-gia-bi-to-dao-van-2021042313200692.htm
Tôi mong mọi người để lại bình luận về quan điểm và suy nghĩ của bản thân về cách Bà Phương trả lời.
Dưới đây là bài viết của Cô Ái Mỹ:
Tại anh tại ả
Với một sản phẩm do mình đồng đứng tên tác giả mà sách vừa ra đã bị thu hồi, sách bị chỉ đích danh thuổng đến 85% của người khác, buộc ban biên tập nhà xuất bản phải viết thư xin lỗi tác giả thật, được chính vị ấy chấp nhận cho lời xin lỗi…; vậy mà “tác giả ma” ( ghost author) lại nhẹ nhàng trả lời trên báo chí: “Thật ra tôi không phải là người viết bài này, mà là của anh Vũ Mộng Lân. Thời điểm đó, tôi đang là trưởng bộ môn truyền thông ứng dụng, khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nên anh Lân có nhờ tôi cùng đứng tên làm bài này.
Lúc đó anh Lân cần bài báo khoa học, và thực sự việc đứng tên trên bài này tôi cũng có lợi nên tôi đồng ý. Tuy nhiên tôi lại bất cẩn không cùng làm việc một cách nghiêm túc nên đã gặp nạn. Đây là lỗi của tôi. Nếu thực sự tôi viết thì không bao giờ lấy một bài gần 90% nội dung dịch của người khác để làm bài của mình” (trích trả lời của tiến sĩ Hoàng Xuân Phương trên Tuổi trẻ).
Thật sự, tôi không rõ vị tiến sĩ này tham dự công đoạn nào của một trong ba tiêu chuẩn hội đủ quyền tác giả (ICMJE) một bài báo khoa học được đưa ra từ năm 1985, sau đó, năm 2000, đã triển khai thành 10 đóng góp cụ thể. Nhưng thừa nhận “tôi không viết” là đã rõ, còn “tôi” ấy có thảo luận, thiết kế ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, thu thập, phân tích dữ liệu; hoặc “kiểm tra nội dung tri thức”, “phê chuẩn bản thảo sau cùng” hay không thì chả biết lại có “ma” nữa hay không! Chịu.
Theo ICMJE, “tác giả ma”, tác giả mời (guest author), tác giả quà (gift author) tác giả áp lực (pressured author), tác giả danh dự (honorary author) đều thực chất là “những hình thức gian lận trong khoa học. Nghiên cứu khoa học dựa vào nền tảng của sự liêm chính, nó không chấp nhận gian lận”.
Cái đáng ghê sợ hơn nữa, với hai đồng tác giả này là “anh Lân cần bài báo khoa học, và thực sự việc đứng tên trên bài này tôi cũng có lợi nên tôi đồng ý”.
Một anh “cần” bài báo khoa học nên đi ăn cắp của ông tác giả nước ngoài. Một ả thấy “cũng có lợi” nên chịu đứng tên. Cái gian giảo, tự lừa mị bản thân – chưa nói lừa ai khác – nó cắm rễ tự trong suy nghĩ mà dẫn tới hành vi. Trong khoa học, việc đặt ra giả thiết – giả định là một điều kiện của quy trình nghiên cứu; nhưng cái giả thiết “nếu -thì” xuất phát từ một sản phẩm mà mình không hề dụng công, vẫn máng tên vào, toan tính cho cái lợi ích cá nhân ngoài khoa học, thì đó là sự dối trá trong bản chất, tự tánh. Nó không phải là sự “bất cẩn”.
Đã là “tác giả ma”, lại còn “tác giả ma mãnh”!
Việc đạo văn này diễn ra từ hồi “tác giả ma” này còn ở Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM, với chức vụ Trưởng bộ môn Truyền thông ứng dụng, khoa Báo chí và truyền thông. Nay, “ma” tác giả đã di danh sang Đại học Văn Lang, với chức vụ cao hơn, Phó khoa Quan hệ công chúng – truyền thông.
Từ năm 2010, giáo sư Hoàng Tụy đã cảnh báo: “Xét cho cùng việc mua bằng tiến sĩ của hai ông phó bí thư tỉnh và giám đốc sở nói trên cũng không sai trái gì ghê gớm hơn việc tương tự của nhiều vị viện sĩ, danh nhân thế giới, bộ óc vĩ đại, vv. Cái sai đáng chê trách nhất là từ phía cơ quan đã khuyến khích họ mua bằng tiến sĩ hay thạc sĩ để thăng chức”. (Xin được nói thẳng).
Phải chăng “tôi cũng có lợi” ấy là từ trưởng bộ môn lên phó khoa?
Vị giáo sư khả kính viết tiếp: “Khi thiếu trung thực bắt đầu từ những chuyện tưởng là nhỏ trong xã hội bị bỏ qua thì cuối cùng tất yếu sẽ dung túng tham nhũng, làm ăn dối trá, chụp giật, không khuyến khích sáng tạo, chỉ cần bắt chước, ăn cắp, khôn ranh…”.
Ăn cắp là hành vi xấu của “người thường”, trong đó có “tác giả ma”; tham nhũng là hành vi “đặc quyền” của người có chức vụ. Ai dạy ai, ai học ai, ai truyền nhiễm cho ai, chẳng biết, chỉ dự rằng, họ một lòng “thân ái và quyết thắng” dữ lắm!
Shared link: https://tuoitre.vn/thu-hoi-sach-ve-bao-chi-va-truyen-thong-vi-hai-tac-gia-bi-to-dao-van-2021042313200692.htm
Statistics:
Likes: 85, Shares: 11, Comments: 35
Like Reactions: 79, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 1